Tri ân bằng nghệ thuật xiếc

Sau các chương trình nghệ thuật xiếc Đi cùng năm tháng số 1, Sống mãi cùng Điện Biên để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả, nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ, 60 năm đường Trường Sơn huyền thoại, Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt chương trình Đi cùng năm tháng số 2 với chủ đề Ký ức Trường Sơn. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ xiếc tri ân công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh, những người có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh xương máu để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, qua đó giáo dục thế hệ trẻ đạo lý ''Uống nước nhớ nguồn', về truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất của cha anh.

Ấn tượng “Ký ức Trường Sơn”

Sự phản hồi tích cực từ các chương trình đầy ắp tính giải trí, nhân văn, giáo dục là nguồn động viên, khích lệ để các nghệ sĩ xiếc tiếp tục đam mê, sáng tạo. Để chuẩn bị cho chương trình ra mắt từ tối 25 đến 27-7, các nghệ sĩ miệt mài tập luyện gần một tháng nay, dưới sự chỉ đạo dàn dựng của NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam - người miệt mài viết kịch bản từ nhiều tháng trước. Vẫn chủ đề hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa, nhưng làm sao để Ký ức Trường Sơn mới hơn, thú vị hơn là thách thức không nhỏ.

Lấy cảm hứng từ những bài hát cách mạng hay và những câu chuyện của các cựu chiến binh, NSƯT Tống Toàn Thắng hình dung khung cảnh, hình tượng hóa, chuyển tải bằng ngôn ngữ xiếc. “Có hoạt cảnh khi đang viết kịch bản mà bật khóc, phải ngưng hồi lâu mới viết tiếp được. Cảm xúc linh thiêng dâng trào như mình đang hiện hữu trong không gian đó”, anh trải lòng.

Với đặc thù của loại hình nghệ thuật không cần lời thoại mà biểu cảm qua hành động, trí lực của người nghệ sĩ, kịch bản triệt để tận dụng thế mạnh riêng biệt này để khán giả chạm tới những cảm xúc hồi hộp, thăng hoa qua nhiều tiết mục xiếc khó. Mỗi hoạt cảnh mang màu sắc riêng, được lồng ghép theo giai điệu bài hát, qua đó khán giả cảm nhận sâu sắc tinh thần hy sinh quên mình, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ vô cùng cam go và khốc liệt.

Nhiều tiểu tiết cũng được chăm chút, đầu tư để “lấy nước mắt người xem” như giữa chiến trường bom rơi đạn lạc, các nữ thanh niên xung phong hy sinh vẫn nắm chặt tay nhau thể hiện đồng đội gắn bó keo sơn hoặc có người nằm vắt trên lán hy sinh tay vẫn còn dương cao cờ hiệu cho các đoàn xe đi qua...Gây ấn tượng mạnh chính là các hoạt cảnh hoành tráng huy động hàng chục diễn viên, trong đó có hoạt cảnh Cúc ơi với 10 nữ nghệ sĩ sẽ hóa thân vào các nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.

Với giai điệu bài hát Cô gái mở đường tiết tấu sôi nổi và hào hùng, các nữ thanh niên xung phong trổ tài theo sở thích và sở trường của từng người như nhào lộn, uốn dẻo, thăng bằng đi dây, đu dây, sức mạnh đôi tay…vui vẻ ca hát vừa hăng say lao động, miệt mài mở đường…, rồi hình ảnh các cô gái hy sinh giữ nguyên tư thế hiên ngang, từng dải lụa đỏ tượng trưng cho màu cờ Tổ quốc cuốn quanh mình và dòng máu hòa quyện vào từng bộ trang phục. Hoạt cảnh Huyền thoại mẹ tái hiện hình ảnh người con trai hy sinh không trở về, đồng đội mang kỷ vật về cho mẹ và người mẹ tiếp sức cho đồng đội biến nỗi đau thành sức mạnh, vững bước ra chiến trường bằng những cao trào của thể loại đu dây là điểm nhấn xúc động.

Không chỉ có những gam màu trầm của mất mát, hy sinh, những khoảnh khắc yên bình trong chiến tranh, tinh thần lạc quan không sợ nguy hiểm, không sợ hy sinh giữa lằn ranh sinh tử của các anh bộ đội cũng được thể hiện sinh động qua hoạt cảnh Chiếc gậy Trường Sơn. Trong giờ phút nghỉ giữa giờ hành quân, các nghệ sĩ trong vai chiến sĩ vui đùa dùng những chiếc gậy quay tròn, tung chuyền cho nhau theo đội hình, trổ tài khéo léo đứng trên thang, đi thăng bằng trên dây.

Trên nền nhạc theo chủ đề, tiết mục mang tên Lê Anh Nuôi lồng ghép sử dụng thể loại trò khéo của xiếc như: tung hứng các dụng cụ nấu ăn, nhà bếp, thăng bằng trên con lăn…của chiến sĩ hậu cần tạo nên không khí hài hước, vui nhộn, khiến người xem ngạc nhiên thích thú. Để tạo không khí trầm hùng của đại ngàn, sức sống mãnh liệt của Tây Nguyên, tình yêu thiên nhiên và muông thú các chiến sĩ, hoạt cảnh Tây Nguyên đại ngàn được đầu tư công phu với các màn múa và xiếc thú, múa lửa, tung hứng lửa ấn tượng, hấp dẫn. Lồng ghép trong chương trình còn có những tiết mục văn nghệ do các ca sĩ và tốp ca nữ binh chủng Đặc công trình diễn.

Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng chia sẻ, khi tập chương trình, nhiều nghệ sĩ trẻ đã khóc vì nhập tâm, vì vinh dự được hóa thân vào những con người anh hùng trong chiến tranh đã quên mình hy sinh vì dân, vì nước. Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn thách thức như lựa chọn chín diễn viên biểu diễn đu trên chín dây lụa cùng một lúc (từ trước đến nay tối đa năm dây) mà vẫn phối hợp nhịp nhàng, ăn ý; diễn xiếc thường đòi hỏi trang phục có nhiều mầu sắc, trong khi quân phục chỉ màu xanh đặc trưng nên phải linh hoạt tìm tòi, may trang phục sao cho phù hợp nội dung từng tiết mục lại thuận lợi với các động tác của xiếc, nhưng tập thể diễn viên đã vượt qua để cống hiến cho khán giả những giây phút thăng hoa, sống cùng lịch sử.

Tìm tòi hướng đi mới

Nhiều khán giả từng xem chương trình xiếc Đi cùng năm tháng lần thứ nhất, Sống mãi cùng Điện Biên rất hào hứng, xúc động. Đặc biệt là những khoảnh khắc hạnh phúc tột cùng của các cựu chiến binh khi được đắm mình trong các tiết mục, trong ký ức không thể nào quên của một thời hoa lửa. Sự hy sinh, chiến công lừng lẫy được nghệ thuật xiếc tôn vinh đã làm những con người từng “vào sinh ra tử” rơi lệ, các em bé thấu hiểu và trân trọng giá trị của độc lập, tự do mà thế hệ cha anh đồng lòng bảo vệ.

Ngay cả với những nghệ sĩ trẻ, chương trình còn có tác dụng giáo dục đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây”, biết ơn sự cống hiến, hy sinh của những chiến sĩ kiên cường chiến đấu trên mặt trận ác liệt giữ gìn từng tấc đất quê hương để họ được sống trong hòa bình, có những giây phút tỏa sáng trên sân khấu. Không chỉ cống hiến bằng chương trình thú vị, giàu ý nghĩa, các nghệ sĩ còn đóng góp phần bé nhỏ của mình bằng cách không nhận thù lao bồi dưỡng cho các đêm diễn.

Mong muốn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam là chương trình Đi cùng năm tháng được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2018 sẽ trở thành hoạt động thường niên dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7). Đây không chỉ là sân chơi được duy trì lâu dài để các thế hệ nghệ sĩ xiếc tri ân mà các nhà hảo tâm, các doanh nhân, mạnh thường quân có cơ hội chung tay sẻ chia với các cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, các thương bệnh binh, các nạn nhân chất độc da cam…nhằm vơi bớt nỗi đau và mất mát. Và đây cũng là dịp để mọi người sống lại cảm xúc của quá khứ hào hùng, không lãng quên lịch sử và tự nhủ làm những điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng, đất nước.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam bộc bạch, kỳ vọng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam là thông qua các chương trình nghệ thuật nói trên giúp mọi người thay đổi cách nhìn nhận rằng xiếc không chỉ là làm trò mua vui cho con trẻ mà có thể tiếp cận nhiều tầng lớp khán giả. Với một số chương trình bước đầu tạo dựng được thương hiệu sẽ tạo đà để Liên đoàn có nhiều chương trình hướng tới đỉnh cao nghệ thuật, khai thác đề tài lịch sử, làm nổi bật những giá trị truyền thống, nhân văn thông qua ngôn ngữ xiếc, thu hút cả khán giả trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên để biến chiến lược hướng tới đông đảo đối tượng khán giả thành hiện thực rất cần sự đầu tư dài hơi cả nhân lực và vật lực và không ngừng làm mới mình của mỗi nghệ sĩ xiếc.

TUẤN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/40965302-tri-an-bang-nghe-thuat-xiec.html