Trêu tức Nga: Ukraine tiếp tục điều động 'quái vật trên không' An-124 hỗ trợ NATO

Mối liên kết quân sự giữa Ukraine và NATO ngày càng được thắt chặt khi Kiev muốn tìm nguồn bảo trợ trong lúc căng thẳng với Nga vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm.

Hãng hàng không Antonov của Ukraine - một trong những nhà khai thác máy bay vận tải hạng nặng An-124-100 Ruslan hàng đầu thế giới cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với NATO theo chương trình Giải pháp vận tải hàng không chiến lược tạm thời (SALIS).

Dịch vụ báo chí của Antonov thông báo trên trang Facebook của mình vào ngày 4/1 rằng một hợp đồng tương ứng về việc sử dụng máy bay vận tải hạng nặng An-124-100 theo chương trình SALIS đã được gia hạn thêm 3 năm, cho đến ngày 31/12/2021.

Theo các nghĩa vụ thực hiện hợp đồng, bắt đầu từ ngày 1/1/2019, Antonov sẽ cung cấp 2 chiếc An-24-100 Ruslan để thực hiện các chuyến bay vận tải thường xuyên cho đối tác tham gia chương trình SALIS, dịch vụ báo chí của công ty thông báo.

Các quốc gia thành viên NATO đang tập hợp nguồn lực của mình để thuê những máy bay vận tải cỡ lớn của nước ngoài nhằm gia tăng tốc độ vận chuyển binh sĩ, trang thiết bị quân sự trên quy mô toàn cầu.

Khả năng lập cầu hàng không chiến lược được xác định là nhiệm vụ tối quan trọng với NATO để có thể triển khai lực lượng và phương tiện tới bất cứ nơi nào họ cần.

Một công ty đa quốc gia gồm 10 thành viên đang thuê các máy bay vận tải hạng nặng An-124-100 cho chương trình SALIS để hỗ trợ cho các hoạt động của NATO cũng như Liên minh châu Âu.

Theo hợp đồng SALIS, Ukraine sẽ cung cấp 2 máy bay An-124-100 hoạt động thường xuyên, thêm 2 chiếc khi có thông báo trước 6 ngày và thêm 2 chiếc nữa khi nhận được thông báo trước 9 ngày, thời gian hoạt động tối thiểu của máy bay trong năm là 1.600 giờ.

Trong chương trình SALIS, máy bay An-124-100 đã vận chuyển thiết bị đến và đi khỏi Afghanistan, cung cấp viện trợ cho các nạn nhân động đất Pakistan tháng 10/2015 và hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi trong và ngoài Darfur.

Antonov An-124 Ruslan (NATO gọi bằng tên định danh Condor) từng là loại máy bay lớn nhất được sản xuất hàng loạt (trước khi chiếc Airbus A-380 và An-225 Mriya xuất hiện). Trong thời kỳ phát triển nó được gọi là An-400 và An-40 ở phương Tây.

An-124 cất cánh lần đầu năm 1982, hơn 40 chiếc hiện đang hoạt động (26 máy bay phiên bản dân sự và 10 đơn hàng ở thời điểm tháng 8/2006) tại Nga, Ukraine, UAE và Libya.

Về hình dáng, An-124 tương tự loại C-5 Galaxy của Mỹ nhưng hơi lớn hơn. nó từng được dùng chuyên chở đầu máy xe lửa, thuyền buồm, thân máy bay, và nhiều loại hàng hóa quá cỡ khác.

An-124 có thể hạ thấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc chất hàng, phiên bản quân sự chở được 150 tấn hàng hóa, nó cũng có thể chở 88 người trong một khoang phía trên sau buồng lái, nhưng vì khả năng điều áp hạn chế nên nó hiếm khi chở lính dù.

Thông số kỹ thuật cơ bản của An-124-100 Ruslan: chiều dài 68,96 m; sải cánh 73,3 m; chiều cao 20,78 m; trọng lượng cất cánh tối đa 405 tấn; tốc độ lớn nhất 865 km/h; tầm bay 5.400 km; trần bay 12.000 m; tải trọng hàng hóa tối đa 150 tấn; phi hành đoàn 6 người.

Việc Ukraine tiếp tục cung cấp máy bay vận tải hạng nặng An-124-100 cho khối quân sự NATO và Liên minh châu Âu chắc chắn sẽ khiến Nga không thể cảm thấy hài lòng.

Moskva đang lo ngại với mối quan hệ hợp tác quân sự ngày càng bền chặt thì Ukraine sẽ sớm trở thành thành viên tiếp theo của NATO trong tương lai không xa.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-treu-tuc-nga-ukraine-tiep-tuc-dieu-dong-quai-vat-tren-khong-an124-ho-tro-nato/795498.antd