Trèo lên cột điện bắn chim, bé trai bị điện giật bỏng 40% cơ thể, phụ huynh cảnh giác 5 tai nạn trẻ thường gặp khi nghỉ hè

Thấy bầy chim đậu trên dây điện, bé C.A.V. (10 tuổi, ở tỉnh Điện Biên) trèo lên cột điện để bắn chim. Cú nghịch dại này đã khiến bé V. bị điện giật, bỏng tới 40% cơ thể.

Theo Phụ nữ Online, chiều 22/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi C.A.V. (ở huyện Tủa Chùa, Điện Biên) bị bỏng nặng do điện giật.

Trước đó, ngày 20/5, bệnh nhi được chuyển từ tuyến dưới lên trong trình trạng bỏng 40% cơ thể; vùng tay chân, lưng, ngực, bụng mặt bỏng độ II – III.

Gia đình bé V. cho biết, khi đi chơi với bạn, thấy bầy chim đậu trên dây điện, bé trèo lên cột điện bắn chim. Không may, bé bị điện giật gây bỏng nặng và được người nhà nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Cháu V. nhập viện trong tình trạng bỏng lợt 40% cơ thể. Ảnh: Phụ nữ Online.

Cháu V. nhập viện trong tình trạng bỏng lợt 40% cơ thể. Ảnh: Phụ nữ Online.

Bác sĩ Bùi Đức Phương – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên - khuyến cáo đây là giai đoạn học sinh đã bước vào thời gian nghỉ hè nên số vụ tai nạn thương tích sẽ còn tăng.

Để hạn chế những vụ việc đau lòng xảy ra, các gia đình không nên cho con chơi, nô đùa gần sông suối, ao hồ, thả diều gần điện cao thế, trạm biến áp.

Người lớn cần làm rào chắn, biển báo cảnh báo nguy hiểm tại sông suối ao hồ, tại các trạm biến áp, cột điện cao thế để tránh các tai nạn đáng tiếc cho trẻ nhỏ.

Nghỉ hè, trẻ không phải tới trường trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm cả ngày. Việc không có người lớn trông chừng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các tai nạn đáng tiếc trẻ gặp phải trong mùa hè, đặc biệt là với trẻ hiếu động.

Phụ huynh cần cảnh giác trước một số tai nạn có thể cướp tính mạng của trẻ trong mùa hè.

Sau đây là một số tai nạn thường gặp, quý phụ huynh cần lưu ý phòng tránh:

Hóc dị vật

Trẻ ăn các loại quả mùa hè như nhãn, vải, chôm chôm... có hạt trơn tròn. Nếu vừa ăn vừa đùa nghịch, trẻ có thể bị sặc, hóc dị vật vào đường thở. Nếu không được cấp cứu đúng cách, tính mạng trẻ có thể gặp nguy hiểm.

Hạt tròn trơn khiến trẻ hóc dị vật đường thở rất nguy hiểm. Ảnh minh họa.

Điện giật

Các ổ cắm luôn là "tử thần" giấu mặt trong chính căn nhà của bạn. Chỉ cần trẻ hiếu động thò ngón tay, chìa khóa vào ổ cắm thì tai họa sẽ vô cùng khôn lường.

Cách duy nhất để phòng ngừa là hãy che kín các ổ điện bằng các nút nhựa an toàn và trông coi trẻ cẩn thận.

Tai nạn điện giật nếu ổ điện ở trong tầm tay trẻ. Ảnh minh họa.

Bỏng

Bình nước sôi, nồi canh nóng trên bàn hoặc trẻ kéo khăn trải bàn làm rơi đổ canh nóng, gây bỏng.

Những vật dụng này cần phải tránh xa tầm tay của trẻ, tốt nhất có người giữ trẻ để không cho trẻ “phá” và không cho trẻ vào nhà bếp.

Việc bị bỏng khi còn nhỏ sẽ để lại sẹo lớn, mảng da bị co rút trên cơ thể trẻ. Ảnh minh họa.

Uống nhầm hóa chất

Trẻ có thể tưởng chai dầu hỏa ở góc nhà là nước và "uống thử". Hoặc một số loại nước tẩy rửa có màu sắc hấp dẫn khiến trẻ tưởng nhầm là nước giải khát.

Uống nhầm hóa chất sẽ khiến niêm mạc miệng, đường tiêu hóa của trẻ bị bỏng rất nguy hiểm.

Cách phòng ngừa tốt nhất là hãy để các loại chai lọ hóa chất ở một nơi riêng biệt, xa tầm tay của trẻ.

Động vật tấn công

Rắn cắn, chó cắn, ong đốt... Đó là tai nạn trẻ có thể gặp phải khi về quê chơi, la cà bụi rậm.

Đặc biệt là mối lo chó tấn công khiến phụ huynh cảm thấy bất an khi gần đây nổi lên nhiều vụ việc trẻ bị chó cắn thương tâm.

Những vụ việc trẻ bị chó tấn công gần đây khiến phụ huynh bất an khi mùa hè về. Ảnh minh họa.

Khuyến cáo các bậc phụ huynh hãy thiết lập môi trường an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè để tránh đưa tính mạng của trẻ vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Khánh An (TH)

Nguồn PNSK: https://phunusuckhoe.vn/treo-len-cot-dien-ban-chim-be-trai-bi-dien-giat-bong-40-co-the-phu-huynh-canh-giac-5-tai-nan-tre-thuong-gap-khi-nghi-he-c5a317661.html