Trên vùng núi Himalaya, quân đội Ấn Độ đang lấn lướt trước Trung Quốc

Ấn Độ và Trung Quốc có cuộc chiến ngắn năm 1962 trên dãy núi Himalaya, vẫn là nơi có ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng vào tối thứ Hai trong cuộc đối đầu đẫm máu giữa hai bên.

Biên phòng Ấn Độ gác trên con đường dẫn tới biên giới với Trung Quốc

Biên phòng Ấn Độ gác trên con đường dẫn tới biên giới với Trung Quốc

Cách đây chưa đầy sáu thập kỷ, một tháng chiến đấu đã mang lại chiến thắng cho quân đội Trung Quốc, với việc Bắc Kinh tuyên bố ngừng bắn sau khi giành được quyền kiểm soát Aksai Chin, một khu vực được cả hai nước tuyên bố chủ quyền. Trận chiến kéo dài một tháng đã cướp đi sinh mạng của khoảng 700 binh sĩ Trung Quốc và phía Ấn Độ được nói là thiệt hại gấp đôi.

Nhưng theo một phân tích trên CNN, tình thế ở dãy Himalaya ngày nay khác xa so với 58 năm trước.

Đa số cho rằng quân đội Trung Quốc mạnh hơn đáng kể so với Ấn Độ, nhưng các nghiên cứu gần đây từ Trung tâm Belfer tại Trường Chính phủ Harvard Kennedy ở Boston và Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington cho thấy Ấn Độ duy trì lợi thế ở môi trường núi cao.

Không ai mong đợi những căng thẳng mới bùng nổ thành chiến tranh hạt nhân, nhưng thực tế là cả Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành cường quốc hạt nhân, điều không thể bỏ qua khi đánh giá cán cân sức mạnh.

Bắc Kinh trở thành một cường quốc hạt nhân vào năm 1964 và Ấn Độ vào năm 1974.

Số liệu do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIRPI) công bố tuần này ước tính Trung Quốc có khoảng 320 đầu đạn hạt nhân - nhiều hơn gấp đôi so với 150 của Ấn Độ. Cả hai cường quốc đã chứng kiến kho vũ khí của họ tăng lên trong năm qua, Bắc Kinh tăng 40 đầu đạn và 10 cho Delhi , theo SIRPI.

Cả hai quốc gia đều duy trì bộ ba hạt nhân- tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm. Cả hai cũng tuyên bố theo đuổi chính sách "không sử dụng hạt nhân trước", , có nghĩa là họ đã cam kết chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để trả thù một cuộc tấn công hạt nhân vào lãnh thổ của mình.

Về không quân, Ấn Độ có khoảng 270 tiêm kích và 68 máy bay cường kích có thể triển khai để đối đầu với Trung Quốc, theo một nghiên cứu của Trung tâm Belfer (Mỹ) được công bố hồi tháng 3.

New Delhi cũng duy trì một chuỗi các căn cứ không quân nhỏ gần biên giới Trung Quốc, nghiên cứu của Belfer nói.

Ngược lại, Trung Quốc có 157 máy bay chiến đấu và một đội máy bay không người lái tấn công mặt đất nhỏ trong khu vực, nghiên cứu của Belfer cho biết. Nghiên cứu cho thấy, Không quân Giải phóng quân Nhân dân (PLAAF) sử dụng 8 căn cứ trong khu vực, nhưng hầu hết trong số đó là các sân bay dân sự ở độ cao có vấn đề, nghiên cứu cho thấy.

"Độ cao của các căn cứ không quân Trung Quốc ở Tây Tạng và Tân Cương, cộng với điều kiện địa lý và thời tiết khó khăn trong khu vực, có nghĩa là các máy bay chiến đấu của Trung Quốc bị hạn chế, chỉ có thể mang theo một nửa trọng tải vũ khí và nhiên liệu", nghiên cứu tuyên bố.

Nghiên cứu cho biết, việc tiếp nhiên liệu trên không có thể giúp máy bay Trung Quốc tăng thêm trọng tải và thời gian chiến đấu, nhưng PLAAF không có đủ máy bay tiếp dầu trên không để hoàn thành công việc.

Nghiên cứu của Belfer cho rằng Không quân Ấn Độ (IAF), với các máy bay phản lực Mirage 2000 và Sukhoi Su-30, có lợi thế trong khu vực trước không quân Trung Quốc với các loại máy bay J-10, J-11 và Su-27.

Các máy bay phản lực Mirage 2000 và Su-30 của Ấn Độ là máy bay đa năng, đa thời tiết - trong khi trong số máy bay Trung Quốc, chỉ J-10 có những khả năng đó.

Trong khi đó, Ấn Độ đã củng cố các căn cứ với suy nghĩ đề phòng Trung Quốc luôn trong đầu, theo báo cáo tháng 10/2019 từ Trung tâm An ninh Mỹ mới.

"Để đối phó với một cuộc tấn công của Giải phóng Quân Nhân dân (PLA) có thể xảy ra, Ấn Độ đã chú trọng hơn vào việc tăng cường cơ sở hạ tầng; khả năng phục hồi cơ sở, hệ thống chỉ huy, kiểm soát và liên lạc dự phòng; phòng không được cải thiện", báo cáo nói.

Nghiên cứu của Belfer chỉ ra rằng Trung Quốc, đối mặt với các mối đe dọa từ Mỹ ở sườn phía đông và phía nam, đã củng cố các căn cứ của họ ở đó, trong khi bỏ rơi dãy Himalaya, khiến ít nhất bốn căn cứ không quân PLA rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương.

"Ấn Độ hoặc phá hủy hoặc làm mất khả năng tạm thời của một số trong bốn căn cứ này sẽ làm trầm trọng thêm những điểm yếu trong hoạt động của PLAAF", báo cáo viết.

Báo cáo Belfer cũng nói không quân Ấn Độ còn có lợi thế trong một khía cạnh khác - kinh nghiệm.

"Xung đột gần đây với Pakistan mang lại cho IAF kinh nghiệm trong chiến đấu liên kết mạng," báo cáo nói.

Thiếu những kinh nghiệm đó, các phi công Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong tác chiến trong một chiến trường trên không đòi hỏi sự năng động, theo báo cáo của Belfer.

"Các cuộc tập trận gần đây của PLAAF với các kịch bản chưa được công bố đã phát hiện ra rằng các phi công phụ thuộc quá mức vào chỉ huy mặt đất trong việc định hướng chiến thuật," họ nói. "Điều này cho thấy rằng trình độ chiến đấu của PLAAF có thể yếu hơn đáng kể so với suy nghĩ của nhiều người”.

Trong khi Ấn Độ có kinh nghiệm trên không, báo cáo của Trung tâm An ninh Mỹ (CNAS) mới nói họ cũng được củng cố năng lực trên mặt đất khi chiến đấu ở những nơi như Kashmir và trong các cuộc giao tranh dọc biên giới với Pakistan.

"Ấn Độ cho đến nay là phía có nhiều kinh nghiệm hơn, đã chiến đấu với một loạt các cuộc xung đột hạn chế và cường độ thấp trong thời gian gần đây", báo cáo của CNAS cho biết. "Mặt khác, PLA đã không có kinh nghiệm chiến đấu từ khi xung đột với Việt Nam năm 1979."

Cuộc chiến tranh biên giới kéo dài một tháng, do Trung Quốc phát động để đáp trả sự can thiệp của quân đội Việt Nam vào Campuchia, phần lớn được coi là một thất bại cho phía Trung Quốc. PLA gặp khó khăn trong việc giành lợi thế trước quân đội Việt Nam có số lượng nhỏ hơn nhưng có nhiều kinh nghiệm hơn sau khi chiến đấu với lực lượng Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, trong khi có thể có một khoảng cách lớn về kinh nghiệm ở dãy Himalaya, Trung Quốc cũng không vượt trội về quân số của lục quân. Belfer ước tính có khoảng 225.000 lính lục quân Ấn Độ trong khu vực, 200.000 - 230.000 ở phía Trung Quốc.

Tuy vậy, các con số có thể gây hiểu nhầm. Lực lượng của PLA nói trên tính cả các đơn vị được giao nhiệm vụ ngăn chặn mọi hoạt động nổi dậy ở Tân Cương hoặc Tây Tạng, hoặc đối phó với bất kỳ cuộc xung đột tiềm năng nào dọc biên giới Trung Quốc với Nga.

Di chuyển họ đến mặt trận Ấn Độ trong trường hợp có động binh quy mô lớn gây ra vấn đề hậu cần, vì các cuộc không kích của Ấn Độ có thể nhắm vào các tuyến đường sắt cao tốc trên cao nguyên Tây Tạng hoặc các điểm nút cổ chai ở địa hình miền núi gần biên giới.

"Ngược lại, các lực lượng Ấn Độ chủ yếu đã vào vị trí," báo cáo cho biết.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/tren-vung-nui-himalaya-quan-doi-an-do-dang-lan-luot-truoc-trung-quoc-1675004.tpo