Trên tuyến biên cương Tổ quốc

Tháng 3-1988, khi chúng tôi mang ba lô lên biên giới phía Bắc thì cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của chúng ta đã bước sang năm thứ 10. Dấu vết của cuộc chiến đấu dường như đã được cỏ cây khỏa lấp, nhà cửa đã lại mọc lên ven các tuyến đường, tuy khi ấy còn đơn sơ, nhưng sự yên bình đã thực sự trở lại.

Ngày ấy, nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là nằm đài quan sát. Đó là một điểm cao nằm mãi bên Si Ma Cai, thuộc huyện Bắc Hà (Lào Cai). Tin tức từ đó được báo về qua máy thông tin vô tuyến mà điện phục vụ nó được phát bằng chiếc máy garulo quay tay. Chúng tôi dự trữ thực phẩm trên đài, chủ yếu là đồ hộp, đồ khô. Cả tháng có khi mới xuống chợ một lần, nhân tiện gửi thư về gia đình. Mỗi lần xuống chợ, chúng tôi lại nhận ra sự khác lạ, đó là hàng hóa tiêu dùng của phía Trung Quốc đưa sang chợ ta ngày một nhiều hơn, mặc dù khi ấy ta và Trung Quốc chưa chính thức bình thường hóa quan hệ. Trên các chợ dọc tuyến biên giới Lào Cai rất nhiều vỏ chăn con công, phích nước, thậm chí to như cái xe đạp Phượng hoàng và nhỏ như cái bấm móng tay thì cũng đã xếp đầy trong kho ở các chợ. Sau này nghĩ lại mới thấy, có lẽ sự giao thương là một nhu cầu tự nhiên và cũng là một trong các nguyên nhân quan trọng, khởi nguồn, để kéo các nước lại gần nhau, gác lại quá khứ, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Những năm sau khi quan hệ Việt Nam-Trung Quốc được bình thường hóa (từ năm 1991) tôi có cơ hội đi nhiều hơn và đã đến những địa điểm mà dịp tháng 2-1979 được gọi là “chảo lửa” trên tuyến biên giới phía Bắc, như các đồn biên phòng: Trà Cổ, Pò Hèn, Hoành Mô (Quảng Ninh); Sóc Hà, Tà Lùng (Cao Bằng); Hữu Nghị (Lạng Sơn); Thanh Thủy, Phó Bảng, Bạch Đích (Hà Giang); Nà Hỳ, Si Pha Phìn (trước đây thuộc Lai Châu, nay là Điện Biên); Cốc Lếu, Bát Xát (Lào Cai)... Bộ đội Biên phòng (BĐBP) của ta vẫn làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn biên cương Tổ quốc, nhưng phương thức bảo vệ đã có nhiều thay đổi. Chúng ta đã phối hợp với lực lượng biên phòng và công an vũ trang Trung Quốc để cùng giữ đường biên giới luôn bình yên, hòa bình, hữu nghị. Ở tầm vi mô thì hai bên đã tiến hành kết nghĩa các cụm bản-bản, đồn-đồn, trạm-trạm. Ở tầm vĩ mô thì chúng ta đã tổ chức 5 cuộc giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung, rồi nhiều cuộc thăm viếng lẫn nhau cấp Nhà nước. Trong lần trao đổi với Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP, chúng tôi được biết, giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc đã trở thành hoạt động thường niên của hai bên. Mục đích là để ngày càng thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước nói chung và quân đội hai nước nói riêng. Các hoạt động giao lưu ngày càng đi vào thực chất và thu hút nhiều lực lượng tham gia, nhất là nhân dân hai nước trên dọc tuyến biên giới.

Ngày nay, biên giới phía Bắc đã hòa bình, hữu nghị, hoạt động giao thương trên toàn tuyến biên giới luôn nhộn nhịp, thế nhưng nhiệm vụ của BĐBP vẫn rất nặng nề. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt đối với mỗi đồn, trạm biên phòng là phải làm thế nào để xây dựng được tuyến biên phòng lòng dân, thế trận biên phòng lòng dân sao cho luôn thật vững vàng, tạo cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ trung tâm là bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Chính vì lẽ đó nên hàng chục năm qua, mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn dốc toàn tâm, toàn lực để xây dựng thế trận biên phòng. Đã có nhiều phong trào, chương trình hoạt động thiết thực của BĐBP để xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng thế trận biên phòng lòng dân, như: Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; đưa cán bộ về xã; thầy thuốc quân hàm xanh; xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc ít người; phát triển kinh tế hộ gia đình; bò giống giúp người nghèo biên giới; nâng bước em đến trường; xuân biên phòng ấm lòng dân bản... Những mô hình ấy thực sự giúp người dân trên tuyến biên giới ngày càng ổn định cuộc sống, gắn bó với biên cương Tổ quốc. Khi các gia đình, hộ dân định cư ổn định lâu dài trên biên giới thì dần dần sẽ giúp cho phên giậu biên cương thêm dày chặt. Qua trao đổi với các đồng chí lãnh đạo Cục Chính trị BĐBP chúng tôi được biết: Tính đến hết năm 2018, toàn lực lượng biên phòng vẫn đang tăng cường cho các xã biên giới hơn 330 cán bộ, trong đó 240 đồng chí là bí thư, phó bí thư đảng ủy xã. Năm 2018, các đơn vị biên phòng cũng huy động gần 13.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, với gần 26.000 ngày công, tham gia cứu hộ, cứu nạn; huy động hơn 69.400 ngày công giúp nhân dân lao động sản xuất, xây dựng các công trình dân sinh, hỗ trợ nhân dân hơn 1,4 tỷ đồng tiền giống vốn, giúp hơn 4.670 hộ xóa đói, giảm nghèo, vận động hơn 3.350 học sinh trở lại trường; giúp dân xây dựng mới và sửa chữa 1.453 ngôi nhà... Việc làm của BĐBP đã góp phần thắt chặt mối đoàn kết quân dân, tạo cơ sở để xây dựng thế trận biên phòng lòng dân vững chắc.

Bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó BĐBP giữ vai trò nòng cốt. Từ Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm về trước, đến nay nhìn lại, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa, giá trị của nhiệm vụ xây dựng BĐBP, giá trị của xây dựng tuyến biên phòng hòa bình, hữu nghị, xây dựng thế trận lòng dân biên giới vững chắc. Chính vì thế, ngay từ trong thời bình ta càng phải cần phối hợp với nước bạn, tiếp tục mở rộng quan hệ, giao lưu hai bên biên giới, đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của nhân dân, không ngừng củng cố thế trận quốc phòng, thế trận biên phòng trên toàn tuyến biên giới cùng phát triển. Đó chính là kế sách của muôn đời trong gìn giữ biên cương.

TRẦN ANH TUẤN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/tren-tuyen-bien-cuong-to-quoc-566683