Trên triệu dấu thiên di

Không ai dám chắc đến khi nào cơn tai ách mang tên đại dịch toàn cầu COVID-19 mới chính thức kết thúc. Cũng chưa ai trả lời được, đến khi nào thì những cảnh đời phiêu dạt không còn tăng lên chóng mặt theo thời gian.

Châu Âu trước nguy cơ làn sóng di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ

Và, điều đáng sợ nhất: Hai câu chuyện ấy lại hoàn toàn có thể tác động tương hỗ để làm tăng thêm độ khủng khiếp cho nhau.

50 triệu phận đời

Chính xác là 50,8 triệu - tổng số người phải bỏ nhà bỏ cửa đi lánh nạn tại các quốc gia hay vùng lãnh thổ xảy ra xung đột, chiến tranh hay thiên tai trên toàn thế giới. Đó là số liệu thống kê mà Trung tâm Giám sát sự chuyển dịch nội địa (IDMC) và Hội đồng Người tị nạn Na Uy (NRC) công bố, ngày 28-4.

Xin làm rõ: Đây mới chỉ là số liệu những người bỗng nhiên trở thành vô gia cư ngay tại đất nước của mình chứ chưa tính đến những dòng người vượt biển chạy trốn chiến tranh, tìm cơ hội sống sót hoặc cơ hội đổi đời - một trong những căn bệnh trầm kha ám ảnh thế giới từ đầu thế kỷ 21. Những dòng người đó, theo thống kê (chắc chắn là chưa thể đầy đủ và chính xác) cũng đã đạt tới 26 triệu người.

Chỉ riêng một năm qua, số người phải rời bỏ nhà cửa của mình bởi thiên tai đã là 25 triệu. Trong đó, đơn cử, có 4,5 triệu người dân Ấn Độ và Bangladesh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi siêu bão Fanni; hay khoảng 2 triệu người dân các nước châu Phi không còn nơi trú ngụ bởi mưa lớn và lũ lụt kéo dài.

Họ, không có lựa chọn nào khác, buộc phải sống trong những khu định cư tạm bợ, những lán trại đông đúc, phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn viện trợ nhân đạo và đương nhiên là hầu như chẳng có cơ hội tiếp cận với việc chăm sóc y tế được tiến hành với đầy đủ các yêu cầu tiêu chuẩn.

Trước khi COVID-19 xuất hiện, biến đổi khí hậu đã gióng lên những tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ diệt vong của loài người.

Trước khi COVID-19 xuất hiện, biến đổi khí hậu đã gióng lên những tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ diệt vong của loài người.

Họ, đương nhiên, sẽ dễ dàng trở thành “mồi ngon” cho virus SARS-CoV-2, với điều kiện sống bấp bênh của mình. Chỉ một người nhiễm bệnh, cả nghìn người ở những khu tập trung lánh nạn ấy sẽ trở thành “ổ dịch”. Bình thường, lo được những nhu cầu cơ bản nhất cho một khu tập trung như thế đã là thách thức rất lớn. Nếu COVID-19 ập tới, chuyện ngăn chặn nó gần như là bất khả thi.

Có lẽ chưa bao giờ, những nỗi ám ảnh về sự xuất hiện của các “thảm họa nhân đạo” lại đến gần loài người trong thực tế đến như bây giờ...

Không chỉ là chiến tranh

Xung đột và giao tranh, dĩ nhiên, vẫn là tác nhân hàng đầu tạo nên các thảm cảnh, đẩy con người ra khỏi mái nhà của mình, cuốn những thân phận vô danh vào vô định.

Mới ngày 17-4 thôi, chỉ để nhận phần cứu trợ trị giá vài USD, hàng nghìn phụ nữ Nigeria đã tập trung tại một địa điểm, chen lấn và giẫm đạp lên nhau, để rồi cuối cùng có ít nhất 5 phụ nữ và trẻ em thiệt mạng (tuy nhiên, theo một vài nhân chứng, con số người chết còn nhiều hơn). Sự việc đau lòng đó xảy ra tại bang Borno, Đông Bắc Nigeria, nơi phiến quân Boko Haram hoành hành hàng chục năm qua. Không có gì ngạc nhiên khi người dân ở đây luôn thiếu thốn, cuộc sống ở đây luôn mất an ninh và tương lai ở đây luôn mờ mịt, với khoảng 36.000 người đã chết cùng 1,8 triệu người không còn nhà cửa.

Borno và Boko Haram, tuy vậy, vẫn còn ít được nhắc đến hơn nhiều và “nhẹ nhàng” hơn nhiều so với những lò lửa giao tranh triền miên không tắt ở Syria, Yemen hay Lybia - nguồn cơn khiến những dòng người sẵn sàng mạo hiểm sinh mạng vượt Địa Trung Hải để nhập cư bất hợp pháp sang châu Âu (qua các ngả Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Italy hay Tây Ban Nha) chưa bao giờ ngưng trệ.

Song, cộng hưởng với binh lửa, thế giới hiện đại còn phải đối diện với một mối đe dọa đáng sợ gấp bội, mà dường như lại đang tạm bị lãng quên bởi sức tàn phá của dịch bệnh: Tiến trình biến đổi khí hậu.

Mỗi năm, thêm hàng triệu người bị đẩy vào cảnh không nơi trú ngụ bởi thiên tai.

Tháng 12 năm 2019, IDMC đã cảnh báo: Mỗi năm, thế giới sẽ có khoảng 50 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, nếu các chính phủ không nỗ lực giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, mà hệ quả đầu tiên là sự gia tăng tình trạng lũ lụt. Cần nhấn mạnh, theo IDMC, từ năm 1970 đến năm 2005, mỗi năm, trung bình chỉ có khoảng 10 triệu người mất nhà cửa.

Tháng 1-2020, Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi đã phải lên tiếng kêu gọi tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos: “Những người buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình bởi tình hình biến đổi khí hậu xứng đáng nhận được sự bảo vệ từ cộng đồng quốc tế”, khi đã có những trường hợp xin tị nạn bởi lý do này bị từ chối hồ sơ. Điều đáng nói ở đây là chuyện từ chối ấy lại... hoàn toàn đúng quy định, bởi theo Công ước quốc tế về vấn đề người tị nạn năm 1951, biến đổi khí hậu không được coi là lý do chính đáng để rời bỏ quê hương và đến xin tị nạn ở nước khác.

Song, hiện tại, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành một thách thức toàn cầu. Và, con số 50 triệu người mất nhà cửa mà IDMC cảnh báo cuối năm ngoái, quá nhanh chóng, đã trở thành hiện thực.

Đi tìm sự cân bằng

Những năm 1990, ngân sách hoạt động của UNHCR là khoảng 1 tỷ USD. Năm 2019, con số này đã tăng lên tới 8,6 tỷ USD. Chỉ chừng đó thôi, có lẽ, cũng đủ để bất cứ ai hình dung khá rõ ràng về bối cảnh loài người hiện tại, khi những hoạt động viện trợ nhân đạo càng lúc càng (buộc phải) mở rộng, càng lúc càng tiêu tốn nhiều nguồn lực.

Và mặc dù đã mở rộng đến như vậy, những nguồn lực hiện tại dường như cũng vẫn còn là “eo hẹp”, khi không theo kịp nổi diễn tiến bần cùng hóa của quá nhiều cuộc đời.

Hố thẳm ngăn cách các giai tầng xã hội được kéo dãn với tốc độ chóng mặt, không chỉ bởi một nguyên nhân: Sự thâu tóm lợi ích của các đại tập đoàn, sự tàn phá của chiến tranh, sự mất mát các tư liệu và phương tiện sản xuất từ tiến trình biến đổi khí hậu... Từ hố thẳm này, thù hận, kỳ thị, khủng bố và những điều đen tối liên tục đe dọa trỗi dậy, kể cả nguy cơ tự diệt vong của loài người. Và lúc này, đại dịch lại đang ập tới.

Các trại tị nạn - những “miếng mồi ngon” của dịch bệnh.

IDMC nhấn mạnh: Việc cân bằng giữa các nỗ lực cứu trợ nhân đạo với nỗ lực của các quốc gia nhằm đẩy lùi COVID-19 là một thách thức lớn. Tuy nhiên, dường như đó cũng mới chỉ là một phần của vấn đề.

Khi bệnh dịch qua đi mà chiến tranh và xung đột vẫn còn đó, khi bệnh dịch được ngăn chặn mà “ngôi nhà chung” của nhân loại vẫn bị tàn phá từng ngày, khi bệnh dịch không còn nhưng thù hận và chia rẽ vẫn chất chồng thì lượng người không còn nơi trú ngụ mỗi năm có lẽ không dừng lại ở con số 50 triệu.

Cũng không nhất thiết phải có những giải pháp nào mới. Loài người chỉ cần hoàn tất những dự định cao đẹp đã được vạch ra nhưng vẫn còn đang bị để ngỏ, bởi muôn ngàn lý do xuất phát từ một điều cốt lõi là “lợi ích riêng” mà thôi. Hạ súng xuống, giảm bớt khí thải, hay là “nắm lấy tay nhau”, thảy đều dễ nói hơn dễ làm...

Thiên Phong

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/tren-trieu-dau-thien-di-594975/