Trên thúc giục, dưới từ từ

Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa, tức ngày 15-8, các bộ, cơ quan ngang bộ phải hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD)

Với mục tiêu đến 31-10 cắt giảm tối thiểu 50% trong số hơn 5.700 ĐKKD hiện có. Đó là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Chỉ thị 20/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm ĐKKD.

Đáng chú ý, Thủ tướng nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tự đặt thêm ĐKKD, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trái quy định của pháp luật.

Thực tế, trong hơn 2 năm qua, người đứng đầu Chính phủ đã rất nhiều lần yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiêm túc thực hiện việc giảm các ĐKKD theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Thế nhưng, đến nay mới có 378/5.700 ĐKKD được thực sự bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa, chỉ bằng khoảng 13%. Và đến tháng 6 vừa rồi mới có nghị định về cắt giảm các ĐKKD thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương được ban hành.

Ảnh minh họa.

Còn các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép con của các bộ khác vẫn đang trong quá trình xây dựng. Như vậy, mục tiêu hoàn thành cắt giảm 50% tổng số ĐKKD trước mốc 31-10 là thách thức rất lớn. Chưa kể quá trình soạn thảo nghị định, chờ thủ tục thông qua mất rất nhiều thời gian.

Dường như câu chuyện cải cách, cắt giảm ĐKKD chưa bao giờ hết thời sự, chưa bao giờ thôi bức xúc và cũng chưa bao giờ hết vô lý. Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo, 8 năm trời “hãm hại” nhiều thương nhân trong ngành. Và dù đã được sửa đổi, trình hơn 1 năm nay vẫn không thấy tăm hơi, với thời gian sửa sai đôi khi còn cao hơn tuổi thọ của doanh nghiệp.

Thậm chí, với Nghị định 49 về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, để đạt được 1 điều kiện cần có tới 5 điều kiện. Hoặc trường hợp ở Bộ TT-TT cắt giảm được 11 ĐKKD nhưng lại tăng thêm 115 ĐKKD khác. Cụ thể, ngày 1-3-2018, từ tham mưu của Bộ TT-TT, Chính phủ ban hành Nghị định 27 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet. Theo đó, 11 ĐKKD được đơn giản hóa nhưng phát sinh thêm 115 ĐKKD bổ sung.

Rõ ràng, quá trình cắt giảm ĐKKD ở các bộ, ngành đang bộc lộ tính phong trào, hô hào, nghe qua rầm rộ, nhưng thực tế từ từ, ngắc ngứ. Đặc biệt, với tư duy lo doanh nghiệp làm sai, lo doanh nghiệp kinh doanh thất bại... nên phải quy định chặt, là cơ sở của nhiều quy định liên quan đến ĐKKD hàng chục năm nay của các cơ quan quản lý nhà nước.

Hệ quả của tư duy này đã tạo ra “rừng” thủ tục làm khổ doanh nghiệp. Nhiều ý kiến ví von: “Chính phủ thúc giục cải cách rất mạnh, nhưng chuyển động rất từ từ, chậm thay đổi, đến mức sửa đổi xong có khi nhiều doanh nghiệp đã… ra đi”.

Đáng lo ngại, chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm ĐKKD chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất. Một số điều kiện được tính cắt bỏ, nhưng thực chất các đề xuất cắt giảm này không có nhiều ý nghĩa. Thí dụ, kết quả ghi 1 ĐKKD đã được bãi bỏ, nhưng trong điều kiện đó có 4 nội dung, thực chất chỉ bỏ 1 nội dung, 3 nội dung được đưa thành quy định nhưng vẫn tính là bỏ được ĐKKD.

Một lãnh đạo của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã phải thốt lên: “Tôi thấu hiểu doanh nghiệp khổ cực thế nào. Tôi khuyên doanh nghiệp đi kinh doanh đừng đọc ĐKKD, cứ kinh doanh đã. Bởi nếu đọc ĐKKD sẽ không còn nhiệt huyết, tâm trí mà kinh doanh”.

Trong khi đó, về cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, bàn đã lâu nhưng chưa có kết quả như mong muốn. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu khổ sở vì những thủ tục vô lối, nhưng kêu mãi cũng không xong, bao nhiêu cuộc đối thoại của các cấp lãnh đạo với cộng đồng doanh nghiệp là bấy nhiêu lời đề xuất, kiến nghị, nhưng tháo gỡ không hết. Muốn doanh nghiệp Việt Nam phát triển, hàng hóa trong nước có thêm sức cạnh tranh, nhưng còn những cản ngại đó doanh nghiệp còn khốn đốn.

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra 4 nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ của đất nước. Đó là chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kỷ cương phép nước chưa nghiêm; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm còn xảy ra trầm trọng, kéo dài, bệnh quan liêu, xa dân.

Quá nhiều việc phải làm để giải quyết 4 nguyên nhân trên, nhưng chỉ cần làm ngay 2 việc: xóa bỏ toàn bộ ĐKKD vô lối, dẹp tất cả thủ tục kiểm tra chuyên ngành không phù hợp thì dân đã nhờ, doanh nghiệp đã thở được. Bởi lẽ, chính 2 thứ này là môi trường cho tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, quan liêu, xa dân.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/thoi-luan/tren-thuc-giuc-duoi-tu-tu-60328.html