Trên tay Sony A7 III: nâng cấp nhiều, kế thừa khả năng lấy nét từ A9 và chụp liên tiếp từ A7R III

Sony A7 III là chiếc máy ảnh không gương lật Full Frame dòng bán chuyên được mong đợi nhiều, sự ra đời của A7 III gần như là sự kết hợp giữa khả năng chụp nhanh như thể thao, phóng sự... với chất lượng hình ảnh cao hơn, bắt nét tốt hơn của các dòng cao cấp. A7 III thừa hưởng rất nhiều công nghệ của A9 và A7R III như sở hữu cảm biến BSI-CMOS, khả năng lấy nét 693 điểm trên A9 cùng khả năng chụp ảnh liên tiếp 10 fps trên A7R III nhưng với mức giá dễ chịu hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà chiếc A7 III được giới thiệu trong một sự kiện chuyên về chụp cưới tại Mỹ và đây cũng có thể nói là sản phẩm cuối cùng của CEO Sony Kazuo Hirai trước khi ông từ chức và do đây là sản phẩm cuối cùng của ông nên đã có nhiều câu nói đùa là ông cố đem hết những gì tinh túy nhất có thể để nhét vào chiếc A7 III này và bán nó với cái giá không tưởng, gần ngang với chiếc máy độ phân giải cao, chuyên thời trang A7R II ra mắt trước đó vài năm.

A7 III sử dụng cảm biến Exmor R (BSI-CMOS) với độ phân giải 24.2 MP, bộ xử lý hình ảnh BIONZ X kết hợp cùng chip ngoại vi front-end LSI tăng khả năng đọc/ghi dữ liệu lớn, cho tốc độ xử lý nhanh hơn người tiền nhiềm đến 1,8 lần.

Việc ra đời của chiếc A7 III có thể thấy đây là động thái cho thấy Sony muốn dần dần rút ngắn lại sự khác biệt về chất lượng hình ảnh và tốc độ trên hai dòng máy A7x và A7Rx của mình, khi mà ở đời trước, A7/A7 II đại diện cho mục đích sử dụng chụp nhanh, tốc độ cao như thể thao, phóng sự... còn A7R/ A7R II đại diện cho mục đích cần độ chi tiết cao với độ phân giải lớn, dãi dynamic-range rộng, không có bộ lọc răng cưa cho chi tiết cao nhất có thể, thích hợp với các thể loại ảnh chân dung, thời trang, phong cảnh, quảng cáo...

Nhờ vào việc được trang bị nhiều công nghệ xử lý hình ảnh mới, mạnh hơn giúp mang lại chất lượng hình ảnh ở mức ISO cao tốt hơn. Dãi ISO hữu dụng từ 100-51.200 (mở rộng 50-204.800) gấp đôi so với chiếc A7 II cũng như hơn cả chiếc A7R III mới nhất, giúp tái tạo chi tiết và giảm nhiễu, có thể chụp ở ISO cao mà không cần quan tâm đến nhiễu hạt hay hình chất lượng kém. Dải dynamic range rộng lên đến 15-stop.

Về khả năng lấy nét thì A7 III là chiếc máy Fullframe thứ 2 được Sony trang bị cấu trúc lấy nét 4D Focus sau A7R III, nhưng thay vì chỉ sử dụng hệ thống lấy nét 399 điểm như trên A7R III, Sony đã quyết định sử dụng hệ thống lấy nét 693 điểm theo pha, có độ phủ 93% khung hình, trong đó gồm 425 điểm lấy nét tương phản giúp cho việc lấy nét chính xác hơn như trên A9. Như vậy, rất có thể chiếc A7 III hoàn toàn có thể cạnh tranh ngang ngửa về tốc độ lấy nét, bắt nét với chiếc A6500 thuộc dòng APS-C.

Về tốc độ chụp thì chiếc A7 III này thừa hưởng từ chiếc A7R III với khả năng chụp liên tiếp lên đến 10fps với cả màn trập cơ và màn trập điện tử. Khi chụp ở chế độ Live View, 7 III chỉ chụp được 8fps với độ lag tối thiểu. Về bộ nhớ đệm, A7 III có thể chụp được lên đến 177 tấm JPEG (tiêu chuẩn), 89 ảnh RAW nén hoặc 40 ảnh RAW không nén. Do sở hữu cảm biến ảnh có độ phân giải 24.2 MP nên A7 III chụp được nhiều ảnh hơn A7R III, nhưng buffer chỉ bằng 1/3 so với dòng máy A9.

Dù thừa hưởng hệ thống lấy nét của A9, A7 III chỉ sử dụng màn trập có tuổi thọ 200.000 lần chụp so với 500.000 lần của A7R III và A9. Con số này đủ để cho thấy dòng máy ở phân khúc cao hơn chắc chắn sẽ có độ bền cao hơn.

Về màn hình, A7 III được nâng cấp với màn hình cảm ứng 3 inch có khả năng lật lên xuống như trên A9, A7R III hoặc A6500 cho việc điều khiển chụp linh hoạt và nhanh hơn, tuy nhiên Sony chỉ sử dụng EVF và màn hình LCD của thế hệ A7 trước đây: độ phân giải lần lượt là 2.36K điểm ảnh cho kính ngắm điện tử và 921K điểm anh cho màn hình LCD. Vẫn không hiểu được sao Sony lại cắt giảm hơi quá tay trong khi họ lại không dùng lại màn hình trên A7 II có độ phân giải 1.228K điểm ảnh.

Mặt sau ta thấy có sự nâng cấp với sự xuất hiện của nút điều khiển joystick 8 hướng linh hoạt kết hợp với hệ thống điều khiển thừa hưởng hoàn toàn từ A7R III

Mặt trên của A7 III, ở phần bánh xe chọn chế độ chụp đã bị lượt bỏ đi nút lock để cố định, bên hông thì cổng kết nối PC sync dùng cho đèn flash gắn rời cũng được lượt bỏ bớt đi so với A7R III, có thể điều này giúp việc lựa chọn các chức năng nhanh hơn, giúp tăng tốc độ khi thao tác chụp cũng như nhu cầu chụp thể thao thì không nhất thiết phải cần đến chiếc đèn flash rời làm gì.

Về khả năng quay video, trên A7 III là một sự nâng cấp lớn so với A7 II.
Sony A7 III có khả năng quay video 4K 3840x2160 pixel toàn cảm biến với công nghệ Oversampling (quay độ phân giải thực 6K và sau đó chuyển thành 4K nhằm giúp hình ảnh sắc nét hơn). A7 III cũng hỗ trợ quay phim FullHD 120 fps ở chất lượng 100 Mbps.

Hỗ trợ chuẩn 4K HDR Hybrid Log-Gamma với khả năng tương thích tốt với các thế hệ tivi HDR hiện nay, cùng nhiều lựa chọn profile picture khi quay phim như S-Log2, S-Log3.

Một nâng cấp đáng giá nữa trên A7 III chính là việc được trang bị 2 khe cắm thẻ nhớ và pin như trên A9 và A7R III, trong đó một khe hỗ trợ SD chuẩn UHS-II cho tốc độ đọc/ghi dữ liệu lên đến 300 MByte/s, sử dụng chuẩn pin Z (NP-FZ100), giao tiếp USB-C băng thông 3.1 gen1 (5 Gbps) vừa hỗ trợ truyền dữ liệu tốc độ cao và sạc pin cho máy.

Sony A7 III sẽ được công bố chính thức tại Việt Nam vào ngày 31 tháng 3 tới đây với mức giá 45,99 triệu đồng cho thân máy, một cái giá đáng suy nghỉ cho những ai đang lấn cấn giữa A7R II và A7 III.

Một số hình ảnh khác của Sony A7 III:

Vài hình chụp nhanh bằng Sony A7 III:
Hình chụp bằng JPG và không chỉnh sửa, chỉ resize nhỏ lại bằng PS và post lên diễn đàn.

Cám ơn các bạn đã theo dõi.

Nguồn Tinh Tế: https://tinhte.vn/threads/tren-tay-sony-a7-iii-nang-cap-nhieu-ke-thua-kha-nang-lay-net-tu-a9-va-chup-lien-tiep-tu-a7r-iii.2780084/