Trên tàu chiến Mỹ ở Vùng Vịnh, một lỗi nhỏ đã đủ châm ngòi chiến tranh

Vụ máy bay không người lái bị bắn hạ gần eo biển Hormuz, dù Mỹ và Iran có những tuyên bố trái ngược, vẫn cho thấy chỉ một tính toán sai lầm cũng có thể làm bùng nổ chiến tranh.

Từ đường băng trên tàu đổ bộ tấn công USS Boxer, những chiếc tiêm kích gầm rú động cơ trước khi lao lên bầu trời trên không phận quốc tế. Trực thăng Seahawk, Super Stallion và Ospreys cất cánh hàng chục chuyến mỗi ngày, tiến hành những nhiệm vụ tuần tra, giám sát di chuyển của các tàu thương mại, cũng như tàu chiến đối phương tại eo biển Hormuz.

USS Boxer là nhà của 2.500 binh sĩ Mỹ, trong đó có 1.500 lính thủy đánh bộ. Tàu đổ bộ này có số đại bác, xe tăng, đạn dược, cùng lực lượng tiêm kích và trực thăng tấn công đủ để tiến hành một cuộc chinh phạt quy mô nhỏ tại bất cứ khu vực nào, theo CNN.

Đủ sức hạ bệ một quốc gia

New York Times đưa tin hôm 18/7, tàu đổ bộ USS Boxer thực hiện nhiệm vụ tuần tra tại một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới đi qua eo biển Hormuz ở Trung Đông, cùng hai tàu chiến khác của Hải quân Mỹ trong đội hình bộ ba. Lần này, các binh sĩ trên tàu USS Boxer đã bắn hạ cái mà Lầu Năm Góc cáo buộc là máy bay không người lái của Iran đã áp sát quá gần con tàu.

Một quan chức Hải quân Mỹ cho biết đã có nhiều va chạm giữa tàu chiến Mỹ và lực lượng Iran trước khi máy bay không người lái bị bắn hạ.

Dàn máy bay hiện đại trên boong tàu USS Boxer. Ảnh: CNN.

Dàn máy bay hiện đại trên boong tàu USS Boxer. Ảnh: CNN.

Nhiệm vụ tuần tra hôm 18/7 đã đặt tàu USS Boxer cùng hai tàu đổ bộ USS John P. Murtha và USS Harpers Ferry vào giữa tâm bão khi Mỹ bắt đầu di chuyển lực lượng của Hạm đội 5 từ căn cứ chỉ huy tại Bahrain. Nếu căng thẳng leo thang vượt tầm kiểm soát, Hạm đội 5 sẽ trực tiếp can dự vào cuộc chiến được dự báo có thể lan rộng ra toàn Trung Đông.

Trên boong tàu USS Boxer, lính thủy đánh bộ cùng các thủy thủ vẫn tập luyện và bảo trì trang thiết bị chiến đấu bất kể ngày đêm. Lính thủy đánh bộ được người Mỹ coi là niềm tự hào bởi sự sẵn sàng và tầm tác chiến rộng lớn đại diện cho sức mạnh của quốc gia vươn tới những vùng lãnh thổ vượt đại dương.

Nói một cách khác, lực lượng này phải luôn đủ sức răn đe để khi các tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Hormuz, Washington có thể gửi thông điệp đủ sức nặng tới Tehran, cho Iran biết tàu USS Boxer và 2.500 binh sĩ được xây dựng để làm gì và có đủ năng lực để làm những gì.

Chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ, đại tá Jason A. Burns, cho biết chuyến hành trình tuần qua là hoạt động tăng cường cho sức mạnh của Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ, nhằm củng cố khả năng răn đe tại khu vực.

Lực lượng Iran tại vùng biển này đã quá quen với những chuyến qua lại của tàu thương mại cũng như tàu chiến phương Tây trong những năm vừa qua. Thế nhưng, ngọn lửa căng thẳng đã bùng lên sau khi 4 tàu thương mại bị tấn công bởi thứ mà phương Tây cáo buộc là mìn xuất phát từ Iran hồi tháng 5.

Trong tháng 6, thêm hai tàu chiến bị tấn công trên vùng biển ngoài khơi Oman. Một lần nữa, Mỹ và Anh chĩa mũi dùi công kích vào Iran. Kể từ đó, mọi sự cố tại Vùng Vịnh, dù nguyên nhân dù là vô tình hay hữu ý, đều bị coi là mang một mục tiêu chiến lược nào đó.

Sai lầm nhỏ sẽ thổi bùng chiến tranh

Giữa không khí căng thẳng bao trùm Vùng Vịnh và eo biển Hormuz, một tính toán sai lầm có thể thổi bùng chiến tranh và đẩy cả khu vực vào thảm kịch.

Đầu tuần qua, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif cảnh báo bất ổn an ninh, chính trị và quân sự khu vực sẽ là tất yếu nếu các bên không thể tự kiềm chế.

"Trong suốt chiều dài lịch sử, Iran luôn bảo đảm an ninh cho những vùng biển này. Mỹ đang can thiệp nhằm gây bất ổn cho Iran. Người ta không thể làm một vùng biển trở nên thiếu an toàn cho một nước nhưng lại an toàn cho những nước khác", ông Zarif cáo buộc.

Ngoại trưởng Iran cho rằng khu vực này là một vùng biển hẹp với quá nhiều tàu thuyền nước ngoài di chuyển, vì vậy đôi khi tai nạn là điều không thể tránh khỏi, dù không ai mong muốn. Ông Zarif cũng khẳng định Tehran không tìm kiếm chiến tranh, và kêu gọi các nước cùng phối hợp để tránh khả năng này.

Lính thủy đánh bộ Mỹ tập trận từ tàu USS Boxer. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trên bong tàu USS Boxer, chuẩn tướng Trollinger, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm, cho biết chỉ một sai lầm nhỏ của thủy thủ hay lính thủy đánh bộ cũng có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là chiến tranh.

"Đúng là như vậy. Vì thế, tất cả chương trình đào tạo của chúng tôi đều cho thấy mục tiêu là loại bỏ hoặc giảm thiểu bất kỳ rủi ro hay tính toán sai lầm nào", ông Trollinger nói.

Chiến tranh giữa Mỹ và Iran, đối với các chuyên gia, sẽ mang lại những hậu quả không thể tưởng tượng. Tuy nhiên, trên sàn đấu chính trị, nơi các cuộc đàm phán cân não diễn ra, quân bài tẩy được các chính trị gia ưa thích là thuyết phục đối phương điều "không thể tưởng tượng" là một lựa chọn khả thi.

Những ngày đen tối đang trở lại

Giới quan sát đang lo ngại diễn biến hiện nay sẽ đưa khu vực quay trở lại thời kỳ đối đầu căng thẳng trong quá khứ, khi Hải quân Mỹ và đồng minh phải hộ tống các tàu thương mại di chuyển qua Vùng Vịnh và eo biển Hormuz trước nguy cơ tấn công từ Iran. Khi đó, Tehran muốn ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu của Iraq, trong bối cảnh hai nước trong trạng thái chiến tranh.

Bộ Tư lệnh Hải quân trung tâm và Hạm đội 5 được đặt tại Bahrain từ năm 1995, với mục đích "chỉ huy các đơn vị triển khai luân phiên hoặc tăng cường từ Mỹ tới hoạt động tại Vùng Vịnh trong thời gian dài", Lầu Năm Góc cho biết.

Lực lượng Hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ đóng tại Bahrain lãnh đạo hoạt động của tàu thuyền từ 33 quốc gia đóng góp vào liên minh có tên "Lực lượng Hàng hải Hỗn hợp". Đây là liên minh được lập ra nhằm "đánh bại khủng bố, ngăn ngừa cướp biển, củng cố hợp tác quốc tế và thúc đẩy môi trường hàng hải an toàn" tại Vùng Vịnh.

Lính thủy đánh bộ Mỹ từ tàu USS Boxer tiến hành hoạt động trên biển với cano cỡ nhỏ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang những tháng qua, Washington đang muốn xây dựng một mô hình liên minh mới để bảo đảm an ninh hàng hải tại Vùng Vịnh, nhằm chống lại cái mà Mỹ miêu tả là "những đe dọa" từ Iran.

Tuy nhiên, liên minh này đã tỏ ra khó trở thành hiện thực bởi nhiều đồng minh thân cận của Mỹ không mặn mà với cách tiếp cận của Washington với vấn đề Iran. Các nước châu Âu, những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ, muốn duy duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được năm 2015, văn kiện mà Tổng thống Trump đã tuyên bố xé bỏ.

Một tàu khu trục Tây Ban Nha là ESPS Mendez Nunez mới đây đã rời khỏi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln, lực lượng đóng tại căn cứ hải quân ở Oman và tập trung vào đối phó với Iran. Tây Ban Nha không ủng hộ việc Mỹ bỏ rời thỏa thuận hạt nhân 2015.

Đó cũng là lập trường của London. Dù Anh vẫn đang gửi tàu chiến tới Vùng Vịnh, nước này không khẳng định liệu có tham gia một lực lượng quốc tế đối phó riêng với Iran hay không, đặc biệt trong bối cảnh đã tồn tại một lực lượng để bảo đảm an ninh hàng hải nói chung.

Duy Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tren-tau-chien-my-o-vung-vinh-mot-loi-nho-da-du-cham-ngoi-chien-tranh-post968896.html