Trên quê hương Xô viết Anh hùng

Phát huy truyền thống quê hương Xô Viết Anh hùng, Đảng bộ, chính quyền cùng người dân Nghệ An đang nỗ lực phấn đấu để đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững sớm trở thành một trong những tỉnh khá như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Phát huy truyền thống quê hương Xô Viết Anh hùng, Đảng bộ, chính quyền cùng người dân Nghệ An đang nỗ lực phấn đấu để đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững sớm trở thành một trong những tỉnh khá như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Nơi “tiếp bước đứng lên”

Ngày đầu tháng 9-2020, chúng tôi có dịp về Thanh Chương là nơi “tiếp bước đứng lên” (Bài ca cách mạng - Đặng Chính Kỷ) trong phong trào Xô viết Anh hùng 90 năm về trước.

Tiếp chúng tôi tại Huyện ủy, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương Nguyễn Văn Quế cho biết: Bề dày lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng, truyền thống cần cù, chịu khó, hiếu học và khoa bảng đã tạo nên bản sắc văn hóa con người Thanh Chương. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng bộ huyện Thanh Chương được thành lập và là một trong những Đảng bộ huyện ra đời sớm nhất trong cả nước. Điều này đã tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến phong trào cách mạng của nhân dân.

Trong không khí sục sôi tinh thần đấu tranh của công nhân và nông dân Nghệ - Tĩnh, Huyện ủy Thanh Chương thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An, quyết định tổ chức cuộc tổng biểu tình toàn huyện vào ngày 1-9-1930 với khẩu hiệu thiết thực và buộc địch phải thực hiện các yêu sách đã ký trước đó. Đúng 1 giờ sáng 1-9-1930, sau tiếng trống lệnh, cả Thanh Chương náo động tiếng trống, tiếng mõ và tiếng reo hò của quần chúng. Tổng nào tập trung theo tổng nấy. Từng đoàn người tay thước lăm lăm, đi theo cờ đỏ búa liềm, kéo ra các ngả đường, ùn ùn như thác lũ...

Cuộc biểu tình của hai vạn nông dân Thanh Chương kết thúc thắng lợi. Chính quyền của 68 làng trong huyện nằm trong tay thôn bộ nông, xã bộ nông. Suốt một dải hai bờ ven sông Lam, từ Bích Hào qua Võ Liệt lên Cát Ngạn, từ Đại Đồng xuống Xuân Lâm, đâu đâu cũng hừng hực, sục sôi không khí cách mạng “thành lay núi lở”. Cuộc biểu tình lịch sử ở Thanh Chương được coi là mốc mở đầu, đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ - Tĩnh, là một trong những đỉnh cao nhất của cao trào cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931.

Địa chỉ đỏ Hạnh Lâm (Thanh Chương), vào ngày 1-5-1930, là nơi diễn ra cuộc biểu tình của nông dân các làng Hạnh Lâm, La Mạc, Nhuận Trạch, Yên Lạc, Đức Nhuận, đấu tranh quyết liệt và phá tan đồn điền Ký Viện… Gần 30 km dọc đường từ thị trấn Dùng ngược lên vùng núi về Hạnh Lâm, thật vui khi qua cây cầu bắc qua sông Lam, thấy những khu dân cư nhà cao tầng, nhà ngói đỏ mọc lên san sát; làng trên, xóm dưới đường nhựa, bê-tông rộng rãi bao quanh. Những máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng lúa vàng. Đồi chè, rừng keo tràm bạt ngàn, trải dài mầu xanh…

Vui hơn nữa, khi nghe nữ Chủ tịch UBND xã Hạnh Lâm Lê Thị Thủy chia sẻ: Từ chỗ đói ăn triền miên nay số hộ nghèo ở Hạnh Lâm chỉ còn 3,5%, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh đã góp phần hình thành các vùng sản xuất có quy mô lớn với 350 ha chè, 1.300 ha vùng nguyên liệu giấy, 60 ha cam… Hạnh Lâm cũng có nhiều trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao. Quê hương cách mạng Hạnh Lâm đã vượt khó trở thành xã nông thôn mới (NTM).

Thi đua với Hạnh Lâm, nhiều miền quê cách mạng ở Thanh Chương thay đổi nhanh chóng. Từ huyện độc canh nông nghiệp, thiếu lương thực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thấp kém, giao thông ách tắc…, đến nay, Thanh Chương đã bảo đảm an ninh lương thực, hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và từng bước xây dựng thương hiệu hàng hóa được công nhận đạt chất lượng tốt như “Chè Thanh Chương”, “Gà Thanh Chương”, “Cam phủ màn Thanh Đức”… mang lại thu nhập cao. Hiệu quả kinh tế rừng tiếp tục được khẳng định, được nhân dân coi trọng phát triển. Hệ thống giao thông phát triển nhanh. Năm 1995 cả huyện có chưa đầy 1 km đường nhựa, thì đến nay đã có 1.476 km đường nhựa và bê-tông, 1.196 km đường cấp phối và có thêm hai cầu bê-tông cốt thép vượt sông Lam, thuộc tốp huyện có đường giao thông tốt nhất tỉnh…

Nỗ lực thực hiện mong ước của Bác Hồ

Theo tuyến quốc lộ 46 tới Nam Đàn, Hưng Nguyên đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa, khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích chào mừng ngày Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và ngày Xô viết Anh hùng. Tại Quảng trường Xô viết Nghệ - Tĩnh ở thị trấn Thái Lão, huyện Hưng Nguyên những ngày này, đông đảo người dân và khách thập phương đến dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.

Ngày 12-9-1930, tại nơi đây, nông dân Hưng Nguyên liên kết với nông dân Nam Đàn tổ chức biểu tình lớn ủng hộ cuộc bãi công của công nhân Bến Thủy, hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân các huyện Anh Sơn, Nghi Lộc, Thanh Chương (Nghệ An); Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trước đó. Run sợ trước sức mạnh của nông dân, thực dân Pháp đã điều máy bay đến giội bom và xả súng vào đoàn biểu tình, làm chết 174 người. Ngày hôm sau, khi dân làng tổ chức đưa tang những người bị hại, thực dân Pháp lại cho máy bay đến ném bom, làm chết thêm 43 người nữa. Như vậy, trong hai ngày 12 và 13-9-1930, tại Thái Lão, thực dân Pháp đã giết hại 217 người, làm bị thương 125 người… Sau ngày 12-9, phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ An và Hà Tĩnh càng dâng cao, phát triển thành cuộc đấu tranh vũ trang, làm cho hệ thống chính quyền của đế quốc, phong kiến ở nhiều nơi bị tê liệt và tan rã. Nhiều tri phủ, tri huyện hoảng sợ bỏ trốn, một số hào lý xin thôi việc...

Giờ đây, Hưng Nguyên thay da đổi thịt, mang dáng dấp phố thị. Phong trào phát triển kinh tế, nông trại, gia trại, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu đang được các địa phương hăng hái thực hiện. Đặc biệt, Hưng Nguyên có khu công nghiệp VSIP thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế với số vốn lên đến hơn 250 triệu USD. Trong số doanh nghiệp FDI đầu tư vào VSIP có Công ty Luxshare ICT là đối tác của một tập đoàn công nghệ lớn thế giới... Khu công nghiệp này đã, đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động, trong đó có không ít con em người địa phương.

Thời gian gần đây, thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghệ An nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được thành tựu khá toàn diện trên nhiều mặt: tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2019 khá cao, đạt 8,47%, riêng năm 2019 đạt 9,03%; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh hằng năm đạt và vượt so dự toán được giao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; nông nghiệp, nông thôn và nông dân có nhiều khởi sắc, là điểm sáng của cả nước về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; các lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; an sinh xã hội, đời sống của nhân dân được quan tâm, nâng cao; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được chú ý toàn diện trên các mặt; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại được tăng cường, mở rộng...

Đồng chí Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Trong những năm tới, Nghệ An tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Huy động tốt các nguồn lực xã hội cho phát triển. Đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường. Thu hút các dự án trọng điểm, nâng cao hiệu quả phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch biển, nghỉ dưỡng, lịch sử,... mang tầm khu vực và quốc tế. Chăm lo phát triển toàn diện văn hóa, con người Nghệ An, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài...

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc, thiết thực, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, tập trung tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…

Xô viết Nghệ - Tĩnh mãi mãi là niềm tự hào và kiêu hãnh, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An vững bước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và hội nhập, xây dựng quê hương Bác Hồ kính yêu sớm trở thành tỉnh khá như sinh thời Người hằng mong muốn.

Bảo tàng Xô viết Nghệ An - nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Bảo tàng Xô viết Nghệ An - nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

THÀNH CHÂU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/doi-song-van-hoa/tren-que-huong-xo-viet-anh-hung-616514/