Trên quê hương Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh

Vùng đất anh hùng xã Quảng Thọ, huyện Quảng Ðiền (Thừa Thiên - Huế) hiền hòa bên dòng sông Bồ xanh trong. Nơi đó, có làng Niêm Phò, quê hương của Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh và làng Tân Xuân Lai, nơi đi về của nhà thơ Tố Hữu. Ở Quảng Thọ hôm nay, các tuyến đường đã được quy hoạch và mở rộng. 'Luồng gió mát' của phong trào xây dựng nông thôn mới đã đem lại cho vùng đất quê hương vị Ðại tướng tài ba một diện mạo mới.

Khu di tích lưu niệm Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh tại xã Quảng Thọ (huyện Quảng Ðiền).

Xã Quảng Thọ là vùng đất cách mạng, được công nhận Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1995. Nơi đây có phủ Phước Yên, một trong những dinh phủ lâu đời nhất của xứ Ðàng Trong. Tại làng Phước Yên, Bia tưởng niệm các chiến sĩ K8 hy sinh trong trận đánh năm 1968 ở làng đã được dựng lên. Chính tại đây, từ ngày 28-4 đến 1-5-1968 đã diễn ra trận đánh vô cùng ác liệt, các chiến sĩ K8 cùng lực lượng du kích địa phương kiên cường chiến đấu và nhiều người trong số họ đã hy sinh anh dũng trên cánh đồng Phước Yên. Nối tiếp truyền thống ấy, ngày nay, Quảng Thọ là địa phương đi đầu của huyện Quảng Ðiền trong công tác "dồn điền, đổi thửa", phá thế độc canh cây lúa, mạnh dạn cải tạo vườn tạp để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn.

Bộ mặt xã Quảng Thọ đang thay đổi từng ngày. Con đường mang tên Ðại tướng nối trung tâm huyện Quảng Ðiền vào TP Huế đã kết nối với hệ thống đường giao thông ven sông Bồ đến Khu lưu niệm Ðại tướng được rải nhựa. Những con đường liên thôn, liên xóm giờ cũng được cấp phối hóa và bê-tông hóa. Các công trình thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa... được đầu tư xây dựng khang trang. Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ Hồ Quang Phong phấn khởi kể: "Tỷ lệ hộ nghèo ở xã giờ chỉ còn 1,5%. Nông dân đã năng động, mạnh dạn ứng dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật cũng như nắm lấy thời cơ để làm chủ trên quê hương mình. Nổi bật là diện tích rau má của Quảng Thọ đã tăng lên hơn 50 ha. Toàn xã có hơn 300 hộ dân trồng loại rau giải nhiệt này với sản lượng ước đạt hơn 2.500 tấn, trị giá đạt gần 300 triệu đồng/ha".

Hơn 10 năm trước, nếu như rau má chỉ phát triển theo hướng tự phát thì nay đã được trồng theo mô hình VietGAP. Các sản phẩm mở rộng ở các cửa hàng và được đưa vào tiêu thụ ở siêu thị. Ngoài sản xuất và cung ứng 70% lượng rau tươi, Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Thọ hiện đã sản xuất thành công hai sản phẩm từ trà rau má là trà đựng trong túi lọc và trà sấy khô, cung ứng ra thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước với công suất ban đầu đạt 7 - 10 tấn trà thành phẩm/tháng. Theo bà Trần Thị Xí, ở thôn Tân Xuân Lai, người dân muốn trồng cây rau má vì đây là loại cây phù hợp thổ nhưỡng, dù có bị ngập, nhưng khi nước rút là lại mọc lên xanh tốt nhờ lượng phù sa lắng lại.

Nâng cao thu nhập cho người dân trở thành mục tiêu hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Vì thế, trong đề án phát triển sản xuất của xã Quảng Thọ, các nguồn lực tạo ra sản phẩm hàng hóa được ưu tiên, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được thực hiện theo hướng tập trung, chuyên canh, quy trình VietGAP. Ngay việc liên kết sản xuất lúa giống chất lượng cao BT7, NA6 lên đến hàng chục ha cũng đã mở hướng đi mới cho nông dân Quảng Thọ với sản lượng quy đổi bình quân đạt hơn 80 tạ/ha. Nông dân đã chủ động trên đồng ruộng của mình khi xuất hiện nhiều mô hình phù hợp. Hoa cúc, đậu bắp, nưa… phát triển mạnh, góp phần tăng giá trị thu nhập bình quân từ 100 triệu đồng/ha năm 2017 lên hơn 105 triệu đồng/ha.

Các mô hình thực nghiệm cánh đồng lớn, hình thành một số mô hình sản xuất mới có hiệu quả đã được xây dựng. Ở thôn Niêm Phò có chăn nuôi lợn thương phẩm; ở La Vân Thượng có nuôi heo, cá kết hợp và ở Phước Yên lại có trồng rau má theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng vườn kiểu mẫu… Một số nông dân mạnh dạn chuyển đổi trồng cây trái vụ, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cao như lạc, bầu, đậu bắp… Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo phát triển rộng khắp. Gần 100 hộ nghèo và cận nghèo của xã được hỗ trợ 150 triệu đồng để xây dựng mô hình nuôi cá trắm cỏ và trồng lạc hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Trưởng thôn Niêm Phò Nguyễn Minh Ðệ, nhiều hộ gia đình ở đây đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng trên sông Bồ. Nếu năm 2015, toàn xã chỉ có 300 lồng cá thì nay con số đó đã tăng gấp ba lần. Chính quyền địa phương còn vận động người dân chuyển đổi 16 ha đất trồng lúa và màu kém hiệu quả sang trồng cỏ để làm nguồn thức ăn cho cá. Mỗi hộ có khoảng hai lồng cá, chủ yếu là nuôi cá trắm cỏ. Ông Trương Quang Hạ, thôn La Vân Hạ kể: "Nhà tôi có hai lồng cá. Vốn đầu tư ban đầu mua cá giống và lồng khoảng 10 triệu đồng, sau gần hai năm, thu hoạch khoảng 50 triệu đồng/lồng. Thương lái vào tận nhà để thu mua nên không phải lo đầu ra".

Ðiều đáng mừng là "đồng hành" với người nông dân còn có đoàn thể xã hội, sự trợ giúp của các cơ quan nghiên cứu, những trung tâm khuyến nông, khuyến ngư. Hệ thống kênh, mương, đê điều đã phục vụ tốt cho tưới, tiêu.

Về thăm Quảng Thọ, quê hương của Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh vào thời khắc chuẩn bị đón năm mới 2019, cũng là dịp kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914 - 1-1-2019), chúng tôi đi tìm lại dấu xưa, tìm về một truyền thống đẹp đã góp phần hun đúc và hình thành nên nhân cách lớn Nguyễn Chí Thanh.

Bài và ảnh: Nguyễn Công Hậu

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/38812102-tren-que-huong-%C3%B0ai-tuong-nguyen-chi-thanh.html