Trên 'nóc nhà' miền Tây

An Giang là một tỉnh thuộc khu vực tứ giác Long Xuyên, nơi có diện tích và dân số khá lớn, du lịch phát triển, đặc biệt là du lịch tâm linh. Trong đó, núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) luôn níu lòng du khách xa gần, bởi địa điểm này vừa mang vẻ đẹp hùng vĩ của 'nóc nhà Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)', vừa ẩn chứa nhiều câu chuyện và điểm đến tâm linh thú vị.

Một góc núi Cấm. Ảnh: Đăng An

Một góc núi Cấm. Ảnh: Đăng An

Những chuyện ly kỳ giữa mênh mang trời đất

Muốn tìm một nơi có núi non hùng vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm, vừa thích hợp cho du khách tham quan, nghỉ dưỡng, vừa đáp ứng nhu cầu hành hương tâm linh tín ngưỡng, thì núi Cấm (hay còn gọi Thiên Cấm Sơn) được xem là lựa chọn tuyệt vời. Với độ cao 710m, nằm trong dãy Thất Sơn và là ngọn núi cao nhất Tây Nam Bộ, núi Cấm đã được biết đến như một ngọn núi linh thiêng với nhiều truyền thuyết mang đầy màu sắc huyền thoại. Ngay từ cái tên “Cấm”, đã gợi mở không ít chuyện ly kỳ.

Núi Cấm còn có tên là núi Gấm, Thiên Cấm Sơn, Thiên Cẩm Sơn (núi đẹp như gấm lụa). Cho tới nay vẫn còn nhiều giả thuyết về nguồn gốc núi Cấm, mỗi người có cách lý giải theo suy luận riêng của mình. Tương truyền, ngày xưa, núi Cấm vô cùng hiểm trở và có nhiều thú dữ, ít ai lui tới nên trở thành một vùng sơn lâm bí ẩn.

Dựa vào thế núi, thế sông và sự hoang vu tịch mịch, một số nhà sư đã tìm đến đây ẩn tu. Phường “lục lâm thảo khấu” hay các đảng cướp vùng biên thùy phức tạp cũng lấy núi Cấm làm... căn cứ. Để không bị lộ, họ phao tin đồn rằng: “Trên núi có rất nhiều thần linh, người dân không được bén mảng tới, ai vô cớ đặt chân lên sẽ bị quở phạt, về lâm bệnh mà chết”. Người dân thời bấy giờ rất sợ và gọi đó là núi Cấm.

Hay một truyền thuyết khác mang tính lịch sử: Nguyễn Ánh bị quân binh Tây Sơn truy nã đến đây, ông và đoàn tùy tùng chạy lên núi Cấm ẩn trú. Để yên bề bí mật, các cận thần của Nguyễn Ánh cho người đi phao tin rằng trong núi đầy yêu tinh, ác thú nhằm hạn chế sự nhòm ngó của dân lành. Hay lời cấm đoán của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên “cấm không cho bổn đạo lên núi làm ô uế núi non” nên mới có tên là núi Cấm...

Đó là chưa kể hàng loạt câu chuyện mang màu sắc tâm linh, như có con cọp và rắn hổ mây khổng lồ ở đồi Chư Thần; những năm kháng chiến, người yêu nước lên đây luyện võ chống giặc, bom địch dội xuống đỉnh đồi như mưa không nổ; các cặp vợ chồng hiếm muộn lên đồi khấn thì sinh con...

Chỉ cần lang thang ít ngày ở núi Cấm, du khách sẽ được người dân địa phương nhiệt tình kể cho nghe những câu chuyện thực thực hư hư ấy, bằng lòng thành kính vô cùng.

Núi Cấm sở hữu rất nhiều điểm tham quan, những thắng cảnh dọc từ chân núi đến đỉnh, mà thắng cảnh nào cũng mang đậm truyền thuyết tâm linh. Suối nước khoáng Thanh Long thơ mộng nằm lưng chừng núi với nguồn nước vô tận, suối Tiên róc rách, rỉ rả như tâm tình. Điện Bồ Hong - đỉnh cao nhất núi Cấm - ngày đêm lộng gió, mây trắng quẩn quanh mỗi sáng chiều. Điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, hang Bác Vật Lang, động Thủy Liêm... nằm ở lưng chừng trời, quấn du khách vào trải nghiệm vừa nên thơ, vừa huyền bí.

Từ trên đỉnh núi, phóng tầm mắt để thỏa sức ngắm nhìn An Giang bé nhỏ, những cánh đồng lúa bát ngát xanh tươi. Nhiều lúc, cả ngọn núi được bao phủ bởi mây mù, nhìn nhau chẳng rõ mặt. Trong âm vang núi rừng tĩnh mịch, tiếng chuông chùa trầm mặc vang lên, chợt cảm thấy lòng nhẹ bẫng, buông bỏ mọi sự đời, chỉ còn tâm hồn hòa quyện vào thiên nhiên.

Những bước chân chênh vênh bám núi

Theo Công ty Cổ phần và Phát triển Du lịch An Giang, mỗi năm, núi Cấm đón hơn 1,2 triệu lượt khách thăm quan, đông nhất là vào mùa Xuân dịp trẩy hội từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch. Ngoài ra, du khách còn có dịp thưởng ngoạn toàn cảnh thiên nhiên với hệ thống cáp treo, viếng chùa, tham quan các công trình kiến trúc đặc sắc, khám phá hang động, tắm suối.

Hiện nay, địa phương còn xây dựng thêm nhiều công trình mới như: khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ hành hương, khu biệt thự nghỉ dưỡng... để dần phát triển thành một khu du lịch bề thế với đầy đủ “ viếng chùa - thưởng ngoạn - giải trí thư giãn và ẩm thực”.

Gắn bó với ngọn núi là 700 hộ dân, với 3.000 nhân khẩu. Từ bám núi, bám vào rẫy vườn trên núi, họ dần ổn định cuộc sống, chuyển sang thích nghi với nhịp sống đặc thù của khu du lịch. Nhiệt độ núi Cấm dao động từ 18 đến 24 độ, mát mẻ quanh năm, do đó, thảm thực vật cũng rất đa dạng. Núi được che phủ bởi hơn 815 loài cây rừng như thông, ngọc lan, thạch tùng, thiên tuế, dương xỉ... Khí hậu mát mẻ đặc trưng của núi Cấm đã giúp người dân địa phương trồng được nhiều loại nông sản, trái cây nổi tiếng thơm ngon khắp vùng. Đó là măng Mạnh Tông, dâu, bơ, su su...

Vào mùa mưa, sản vật núi Cấm ngập tràn mọi nẻo đường núi, quấn chân du khách xa gần. Tập quán canh tác rẫy vườn trên núi trở thành nét đặc trưng của cư dân nơi đây, giúp họ gắn bó hơn với núi. Đến khi núi Cấm trở thành khu du lịch, một số người dân “thức thời”, chuyển sang kinh doanh dịch vụ du lịch như mở nhà nghỉ, quán ăn, quà lưu niệm, tạp hóa, nhang đèn...

Bà Nguyễn Tuyết Hoa (sinh năm 1970) sống nhờ vào việc bán nước giải khát, xôi, phục vụ khách du lịch. Mỗi năm, từ Tết Nguyên đán kéo dài tới qua mùa Vía Bà, khách đến núi Cấm rất đông, tạo thu nhập tương đối ổn định cho những người như bà Hoa. Thời gian còn lại, khách đến lai rai, chủ yếu đi hành hương, cúng bái tâm linh, nên ít chi tiêu. Người có đất canh tác thì chuyển sang trồng trọt, vụ mùa, bù lại thu nhập thiếu hụt. Còn bà, thu nhập vẫn trông vào bước chân của du khách phương xa. Nhưng dẫu sao, vẫn có đồng vô đồng ra, tạm đủ xoay sở trong nhà.

“Đi tìm con chữ” cũng là một câu chuyện đặc trưng ở núi Cấm. Khách du lịch sẽ bắt gặp cảnh từng tốp học sinh mặc đồng phục bước thấp bước cao đến trường. Từ mấy chỗ xa thật xa như điện Mười Ba, Vồ Đầu, Vồ Bồ Hong, điện Rau Tần, điện Huỳnh Long... (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên), tụi nhỏ đi len lỏi con đường dân sinh trên núi, leo lên từng bậc đá đầy rong rêu, rồi lại thả xuống dốc đứng.

Dẫu sao cũng là “dân bám núi”, đi riết dạn chân, nên chúng chỉ xem quãng đường đến trường như một cuộc dạo chơi ngắn. Tụi nhỏ cũng dạn khách lạ, biết phụ thêm thu nhập từ việc mời khách mua đặc sản núi, thoăn thoắt chỉ đường cho khách đến điện này, vồ kia. Chúng còn rất nhỏ để hiểu về ngọn núi, nhưng đã đủ lớn để biết yêu nơi này. Chính điều đó làm cho cuộc du ngoạn giữa Thiên Cấm Sơn càng thêm thú vị, chân thực hơn!

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước thông tin, thời gian tới, An Giang sẽ phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng; huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các điểm, khu du lịch trọng điểm, phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút các nhà đầu tư chiến lược; đồng thời, xây dựng mô hình sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp...

Tỉnh cũng tập trung rà soát, kêu gọi đầu tư phát triển các khu, điểm có khả năng phát triển du lịch vùng Bảy Núi thuộc huyện Tri Tôn, Tịnh Biên; khai thác đặc trưng riêng của từng địa phương để thực hiện phương châm “Mỗi địa phương là một điểm đến”. Ngoài ra, làm tốt công tác xúc tiến, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, những hoạt động văn hóa, giải trí về đêm... để thu hút và giữ chân du khách.

Đăng An

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tren-noc-nha-mien-tay-post436822.html