Trên những đôi cà kheo

Trên chuyến xe grab đưa tôi đến cơ quan một ngày cuối tháng 4, anh Huỳnh Văn Tài, tài xế đã không thể nào kìm được bức xúc về vụ gian lận thi cử đang ầm ĩ suốt cả thời gian qua.

Đời hay đạo gì cũng đều luận rất rõ, gieo nhân nào gặt quả đó, gieo gió thì gặt bão. Phương Đông hay phương Tây gì cũng vậy, đều đề cao hành động của hôm nay chính là kết quả của mai sau.

Không thể gieo một gian dối mong đổi lấy thật thà, không thể gieo một điêu toa để chờ thu hoạch một chân thành.

Biết tôi là người làm báo, anh nói rất nhiều. Và trong những điều anh nói, có một điểm khiến tôi phải lưu tâm, phải suy nghĩ mãi, thậm chí ghi lại.

“Ngay đứa học sinh nó cũng biết việc nó được nâng điểm, được mua điểm chứ sao nói chúng ngây thơ được hả anh? Lớp 12 rồi còn ngờ nghệch chi nữa. Như thế là đã nuôi cái sự gian dối từ trong lòng học trò rồi”, anh Tài thốt lên câu ấy, một câu mà tôi cho rằng đủ sức thách thức chất lượng của hệ thống giáo dục Việt Nam hiện thời.

Vụ nâng điểm thi này, nếu có dấu hiệu đưa hối lộ, chắc chắn có thể coi là một dạng tham nhũng của ngành giáo dục. Và trong mối quan hệ đưa - nhận hối lộ này, cái lỗi của kẻ bán phải được nhìn nhận là nặng nề hơn cái lỗi của kẻ mua.

Minh họa: Hùng Dingo.

Minh họa: Hùng Dingo.

Kẻ mua có nhu cầu mua nhưng sẽ không thể nào mua nổi nếu kẻ bán kiên định với con đường công chính. Và kẻ bán ở đây đã không chỉ bán điểm thi mà thực sự đã đánh cướp cơ hội của những học sinh có thực lực để bán lại cho những học sinh yếu kém nhưng gia đình lại có tiền và có quyền.

"Hiện tôi chưa chia sẻ được điều gì. Tôi đang rất buồn. Chỉ biết nói thế thôi. Mất hết danh dự, uy tín rồi!", đó là lời của ông Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La.

Câu nói này thể hiện hết sự chua xót của ngành giáo dục đương thời. Cái chua xót nó nằm cơ bản ở chỗ chỉ đến khi bị phát hiện, bị lộ mới nhận thức được mình đã đánh mất danh dự và uy tín ư?

Trong khi, trên thực tế đạo lý, ngay khi bắt đầu một hành vi vi phạm đạo đức lẫn luật pháp, đó chính là lúc chủ thể tự đánh mất danh dự và uy tín của mình rồi. Điều kinh khủng hơn, cái sự chua xót của một hiện trạng phi đạo lý kia lại diễn ra, và được phát ngôn, bởi một người đang làm nghề giáo dục, cái nghề đi truyền dạy đạo lý làm người.

Ở câu chuyện buôn bán điểm mà thiên hạ đang nói mỉa một cách đầy giễu nhại là “nâng hẳn gần ba chục điểm cho một lần chơi lớn” này, thực sự sẽ chẳng còn gì mới mẻ để nói về ngành giáo dục cả.

Chỉ trích, phê phán hệ thống giáo dục là điều chúng ta đã làm đằng đẵng nhiều năm nay rồi mà mọi việc vẫn không hề có dấu hiệu thay đổi tích cực nào. Hiến kế đủ mọi cách, từ mọi nguồn cũng không khiến ngành giáo dục có chuyển động nào đáng để tin cậy cả.

Và bây giờ, nếu tiếp tục nói về ngành giáo dục, e có lẽ là sẽ trở nên quá thừa thãi và nhàm chán. Bởi vậy, tôi muốn nhìn vào một góc độ khác, góc độ quan niệm xã hội ngõ hầu mong muốn (dù mơ hồ thôi) chính chúng ta sẽ bắt tay vào một đổi thay cho chính mình, cho thế hệ con cháu mình. Và quan điểm mà tôi muốn xét đến chính là quan điểm về sự nương tựa.

Chính cái cách nhìn nhận phổ biến nhất trong mỗi con người về sự nương tựa đang thực sự cổ hủ, có những méo mó, và dẫn tới việc tạo thành những động cơ cho những hành vi trái ngược với đạo lý hoàn toàn.

“Các con cứ yên tâm. Mẹ luôn chừa cho các con một khoảng lùi rất rộng, chắc chắn không có chỗ sa lầy. Nhưng trước mắt, tự các con phải giải quyết các vấn đề của các con trước đi đã. Khi nào vô phương rồi thì quay về đây với mẹ”. Đó là câu nói của một nghệ sỹ lớn tuổi, thuộc thế hệ từ thập niên 50s và 60s của thế kỷ trước, dành cho con của mình, mà người con ấy cũng đang là một nghệ sỹ tiếng tăm đương thời.

Tôi đã ngồi nghe câu chuyện kể về mẹ con họ, một cách say sưa. Câu chuyện đó là điển hình của tình mẫu tử mẫu mực nhưng cũng rất hiện đại trong cách cư xử. Người mẹ luôn để con mình an tâm rằng khi vô vọng, khi không còn bất kỳ khả năng nào nữa, người con vẫn sẽ có một nơi chốn an toàn là sự săn sóc, chăm lo của mẹ.

Nhưng người mẹ cũng xác định luôn với con mình rằng “trước khi đi đến ngưỡng tuyệt vọng không ai muốn kia, hãy tự giải quyết hết, tự đương đầu hết, tự thử sức bằng mọi phương cách đi cái đã. Và tuyệt đối đừng ỷ lại, nương tựa vào bất kỳ ai cả”.

“Trẻ cậy cha, già cậy con”, chúng ta vẫn thường nhắc câu ấy như một cái cớ để vịn vào. Nhưng thực sự, chính quan điểm “trẻ cậy cha, già cậy con” kia lại đang được hiểu một cách lệch lạc vô cùng.

Rất nhiều người trong chúng ta đang cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con cái mình với mục đích rất đơn giản rằng “để về già có nơi nương tựa”.

Nói cách khác, chúng ta đầu tư trên hạng mục chính là cho tuổi già của mình nhưng thực chất lại khoác áo hạng mục con cái. Và trong cuộc đầu tư dài hơi ấy, không ít người đã lựa chọn con đường đầu tư phi pháp. Mua điểm cho con là một hành vi đầu tư phi pháp. Mua điểm để mong con có chân trong đại học. Mua điểm để con tốt nghiệp đại học. Mua điểm để con lọt các kỳ thi tuyển công chức.

Rồi thậm chí là mua ghế, mua vị trí cho con mình, với suy nghĩ “tôi chuẩn bị cho anh chị, trang bị cho anh chị đến tận răng thì về già anh chị phải có nghĩa vụ báo hiếu lại cho tôi một cách chu toàn”.

Báo hiếu cha mẹ là quyền của con cái thì đúng hơn là nghĩa vụ. Được báo hiếu cha mẹ thực sự nó là cái phúc phần của người làm con.

Nhưng khi chúng ta biến nó thành một thứ nghĩa vụ, và chúng ta đầu tư cho người thực hiện nghĩa vụ ấy bằng mọi cách, chúng ta đã không chỉ cố tình ràng buộc lên họ một cái vòng kim cô mà còn tạo ra một thói quen xã hội về sự nương tựa. Mà cái sự nương tựa này nguy hiểm ở chỗ nó loại trừ dần khả năng tồn tại độc lập của những cá thể trong xã hội. Thói quen dựa dẫm, ỷ lại được hình thành từ nó.

Đặc biệt hơn, thói quen ấy lại đang thịnh hành, đang phổ biến trong các gia đình có quyền và có tiền. Nó tạo ra một suy nghĩ rằng sinh ra trong một gia đình có gia thế mạnh, chắc chắn sẽ phải được hưởng những đặc ân khác biệt bất chấp cả luật pháp hay luân lý.

Và các cuộc đời được quy hoạch sẵn ấy đã khiến xã hội ngày càng xuống cấp hơn khi những người đảm lãnh trách nhiệm trong bộ máy lại là những người kém cỏi về khả năng và chỉ mạnh vì thần thế của gia đình mà thôi.

Tất nhiên, không phải tất cả 100% con nhà gia thế đều như vậy cả, nhưng thực sự, phần đa số vẫn cho thấy rất nhiều người đang “phát triển sự nghiệp” dựa trên sự dựa dẫm vào gia đình, được quy hoạch bởi gia đình và các mối liên hệ của gia đình.

Để rồi nhiệm vụ của họ không chỉ là khiến bố mẹ nở mày, nở mặt vì một chức vụ nào đó, mà còn là khả năng tài chính vững chắc để làm nơi nương tựa của bố mẹ lúc về già dưới cái danh báo hiếu. Và tiếp tục đó lại là những đầu tư, quy hoạch cho thế hệ sau nữa, một thế hệ tiếp tục dựa dẫm.

Nếu cải cách triệt để toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam, áp dụng những phương thức hiện đại nhất, khoa học nhất, phù hợp với mặt bằng kinh tế xã hội nhất, tiên tiến nhất, hướng đến chân giá trị nhất, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được những kết quả đáng kể.

Song, kết quả ấy sẽ không thể được tối ưu như mong muốn nếu như chính trong các gia đình, đặc biệt là gia đình quan chức, vẫn còn tồn tại quan niệm dựa dẫm, nương tựa của thế hệ này với thế hệ kia theo cái cách biện minh đầy bóng bẩy và truyền thống là “trẻ cậy cha, già cậy con”.

Cơ bản, xã hội cần những con người độc lập, tư duy độc lập, có khả năng để độc lập đi trên đôi chân chính mình, chứ không phải những kẻ bước ra đời trên đôi cà kheo của mẹ, của cha, những đôi cà kheo được tạo ra bởi tiền và quyền lực méo mó.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/tren-nhung-doi-ca-kheo-543412/