Trên những cung đường xuân đang về

Tết như về sớm hơn nơi có những cây cầu, con đường mới mở, đem đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, tăng khả năng lưu thông an toàn...

Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình rộng thoáng kết nối qua các xã nghèo của huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn (Hòa Bình) đã tạo cơ hội phát triển kinh tế cho bà con

Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình rộng thoáng kết nối qua các xã nghèo của huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn (Hòa Bình) đã tạo cơ hội phát triển kinh tế cho bà con

Niềm vui từ cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, ra thăm vườn sả nằm ngay sát đường Hòa Lạc - Hòa Bình, ông Đinh Công Nam (66 tuổi, xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến) vui sướng dự tính giá thu mua vào dịp Tết năm nay sẽ dao động khoảng 8 nghìn đồng, thậm chí có thể 10 nghìn đồng, khác với những năm trước chỉ được 3,8 - 5 nghìn đồng/kg vì thương lái ép giá do giao thông không thuận lợi.

Tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình chạy qua các xã nghèo vùng núi của huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình). Ngay khi tuyến đường đang hoàn thành, nhiều sàn giao dịch và môi giới bất động sản đã xuất hiện dọc tuyến đường với các bảng biển giới thiệu hấp dẫn về tư vấn thủ tục đầu tư, lập dự án resort, khu nghỉ dưỡng sinh thái, nhà máy, nhà xưởng, mua bán đất và chuyển quyền sử dụng… Thực tế, dọc hai bên đường cũng đang có một số dự án san lấp, thi công các nhà xưởng, khu công nghiệp, sân golf.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch UBND xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn cho biết, từ khi tuyến đường được đưa vào sử dụng đã phá vỡ được thế độc đạo của QL6 kết nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, trong đó có Hòa Bình. Không chỉ rút ngắn về thời gian di chuyển mà còn giảm tải được phương tiện cho QL6 có nhiều đoạn cong cua, nguy hiểm. Riêng với xã Mông Hóa, tuyến đường chạy qua đã thu hút được một số dự án kinh tế, trong đó có khu công nghiệp Mông Hóa. Từ đây sẽ tạo công ăn, việc làm cho bà con địa phương, nâng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, xã Mông Hóa là địa phương thuần nông, số đông trồng trọt, chăn nuôi nên khi có đường giao thông “xé núi nối tận vườn” đã giúp cho nông sản của bà con có giá trị hơn, không bị ép giá như thời điểm giao thông khó khăn.

Bà Đinh Thị Thanh (57 tuổi, xóm Mon, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn) chia sẻ: “Trước kia xung quanh các xóm, xã chỉ là đồng ruộng, đồi núi, giao thông phụ thuộc toàn bộ vào QL6. Muốn đi đâu cũng phải chạy gần 10km để ra QL6 bắt xe khách, nay có cao tốc đi gần hơn đến TP Hòa Bình và Hà Nội so với QL6 nên ai cũng thích”.

Dự án cầu Văn Lang nối Ba Vì (Hà Nội) - TP Việt Trì (Phú Thọ) giúp rút ngắn quãng đường từ Hà Nội sang trung tâm TP Việt Trì

Ngỡ ngàng bên cầu Văn Lang

Những ngày cuối tháng 12, đi qua cây cầu Văn Lang nối Ba Vì (TP Hà Nội) - Việt Trì (Phú Thọ), PV Báo Giao thông đã không khỏi bất ngờ trước những đổi thay nơi đây.

Không còn là con đường bê tông chỉ rộng chừng hơn 1m nhấp nhô những mảnh vỡ đi qua cánh đồng dài nối xã Phú Sơn với xã Phú Cường (huyện Ba Vì, TP Hà Nội). Thay vào đó là tuyến đường nhựa rộng thênh thang, chạy thẳng tắp với hệ thống hộ lan và biển báo đảm bảo ATGT. Hai bên đường, người dân các xã đang nô nức xuống đồng làm vụ đông. Các tuyến nhánh nối từ con đường dẫn lên cầu Văn Lang vào các xã qua các thửa ruộng cũng được đổ bê tông mới giúp người dân đi lại dễ dàng và phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Lê Văn Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Giá trị của đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là khả năng kết nối với hệ thống cảng biển của Hải Phòng và Quảng Ninh rất thuận lợi tại điểm cuối của cao tốc (Hải Phòng) cũng như các lối mở để kết nối với các tuyến quốc lộ trên tuyến như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội. Với việc cao tốc này được đầu tư hiện đại, tốc độ cho phép lên tới 120km/h giúp các doanh nghiệp vận tải, chủ hàng nhanh chóng giải phóng hàng từ cảng tới nơi nhận. Từ khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi vào hoạt động, các doanh nghiệp vận tải dễ dàng đáp ứng những yêu cầu về thời gian của các chủ hàng”.

Phấn khởi đi xe máy qua cầu Văn Lang, ông Nguyễn Văn Nam (xã Phú Cường, huyện Ba Vì) cho biết, sau khi cầu đi vào hoạt động, từ nhà ông sang nội thành TP Việt Trì chỉ mất 5 phút. “Trước đây, khi chưa có cầu, để sang Việt Trì, chúng tôi phải đi đò qua sông. Thời gian chờ đò mỗi lần mất khoảng 30 phút, sốt ruột lắm. Hôm nào lỡ chậm mấy phút là đợi mòn mỏi mới có chuyến đò kế tiếp”, ông Nam nói.

Chở hai giỏ hàng trống phía sau xe, bà Lê Thị Mai (phường Thọ Sơn, TP Việt Trì) vui vẻ cho hay, sáng nào bà cũng mang rau từ Việt Trì sang Ba Vì bán, nay hết hàng sớm nên bà đang trên đường về nhà. “Ngày chưa có cầu, mỗi chuyến chở hàng đi bán, tôi phải đi từ 4h sáng ra bến đò chờ để kịp chuyến đầu tiên. Đi muộn lỡ chuyến, muộn chợ thì cả ngày hôm đó ế ẩm. Giờ qua cầu Văn Lang nhanh, tiện, không mất tiền đi đò mà cũng không sợ nguy hiểm sông nước nữa”, bà Mai chia sẻ.

Anh Hoàng Văn Thắng (lái xe tải) vừa trả phí thu thử tại Trạm thu phí cầu Văn Lang cho biết, trước đây, khi chưa có cầu Văn Lang, mỗi tuần 2 - 3 lần sang Việt Trì giao hàng, anh phải đi vòng QL2 qua Vĩnh Phúc hoặc đi QL32 qua cầu Trung Hà, cầu Phong Châu xa hơn khoảng 30km.

“Quãng đường di chuyển dài hơn, tốn nhiều chi phí hơn, nhiều khi gặp sự cố gây tắc đường còn bị chậm giờ giao hàng. Giờ tuy phải trả 35 nghìn đồng tiền phí qua cầu Văn Lang nhưng tôi thấy rất hợp lý vì đã khắc phục được những hạn chế trên”, anh Nam cho biết.

Dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì có tổng chiều dài 9,46km, trong đó, phần cầu chính Văn Lang vượt sông Hồng có chiều dài 1,55km, đường dẫn phía Phú Thọ dài 0,26km (thuộc địa phận phường Thọ Sơn, TP Việt Trì) và đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54km xây dựng trên địa phận các xã Phú Sơn, Thái Hòa, Phú Đông, Vạn Thắng, Phú Cường của huyện Ba Vì (Hà Nội). Điểm đầu của dự án (phía Hà Nội) kết nối với QL32 tại lý trình Km 59+500 thuộc địa phận xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Điểm cuối dự án (phía Phú Thọ) giao với QL32C tại lý trình Km 3+100 thuộc địa phận phường Thọ Sơn (TP Việt Trì).

Sau khi công trình đưa vào sử dụng đã nối liền và rút ngắn quãng đường từ Thủ đô Hà Nội đến trung tâm TP Việt Trì khoảng 20 - 30km, giảm ùn tắc và TNGT trên QL32, QL32C, góp phần đảm bảo nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân nơi dự án đi qua.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối giao thông liên vùng

Từ năm 2015 trở lại đây, khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thông toàn tuyến và chính thức đi vào hoạt động đã rút ngắn đáng kể thời gian cũng như quãng đường từ Hà Nội đi Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên… Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài toàn tuyến 105,5 km mặt cắt ngang bình quân 100m, mặt đường rộng từ 32,5 - 35m với 6 làn xe chạy theo tốc độ thiết kế lên tới 120 km/h, hai làn dừng xe khẩn cấp, dải phân cách cứng ở giữa, dải cây xanh hai bên.

Nếu như trước đây khoảng thời gian lưu thông từ Hà Nội về Hải Phòng theo tuyến QL5 trung bình 5 giờ thì nay người dân chỉ mất hơn 1h để lưu thông qua cao tốc Hà Nội về Hải Phòng. Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi vào hoạt động cũng tạo nên xu thế dịch chuyển các loại hình dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa giữa Thủ đô Hà Nội và các địa phương khu vực Đông Bắc bộ. Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP Vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho biết: “Hiện trên 80% xe khách chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng của chúng tôi đã chuyển hướng từ QL5 sang chạy cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đây là xu hướng tất yếu bởi QL5 đã xuống cấp, nhiều đường nhánh các loại phương tiện phải chạy tốc độ thấp, thời gian lưu thông khoảng 3 giờ từ Hà Nội tới Hải Phòng. Trong khi đó nếu xe chạy cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có thể tiết kiệm được 1/2 thời gian, an toàn hơn nên đa số hành khách chọn tuyến cao tốc này cho hành trình của mình”.

Từ khi đi vào hoạt động, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đánh giá là tuyến cao tốc hiện đại và an toàn nhất Việt Nam, đồng thời góp phần đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khu vực Đông Bắc bộ. Cùng với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hệ thống giao thông kết nối được mở rộng, vươn xa tới các địa phương vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Trong năm 2018, cảng Lạch Huyện (cảng nước sâu đầu tiên của khu vực phía Bắc) đi vào hoạt động với khả năng đón những tàu có tải trọng lên đến 100 nghìn DWT ra vào dễ dàng. Hàng hóa từ cảng Lạch Huyện đi qua cây cầu Tân Vũ - Lạch Huyện (cầu vượt biển dài nhất Việt Nam) sau đó kết nối với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để tỏa đi các địa phương.

Nhóm PV Thường trú

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tren-nhung-cung-duong-xuan-dang-ve-d409283.html