Trên ngàn, những vết xước khổng lồ...

Họ chạy. Chạy như một bản năng sinh tồn, chạy để sống. May mắn là thứ không thể chọn, rất nhiều người vĩnh viễn bị chôn vùi, hàng chục căn nhà bị xóa sổ, và nỗi đau cứ thế còn kéo dài theo những triền miên cơ cực.

1.

Dòng Trà Văn sau lũ, chỉ còn những khe nước nhỏ luồn qua bãi đá khổng lồ chất chồng ngổn ngang ở địa bàn thôn 3 xã Phước Kim, giáp giới với Phước Thành. Tôi dò dẫm theo con đường mòn dọc sông, một bên là dốc núi, một bên là bờ vực cao cả chục mét, chênh vênh, nhiều phen thở hắt, mà chân vẫn không kịp theo đoàn người gùi cõng. Họ đi từ sáng sớm, mất hơn 3 tiếng cắt rừng để đến điểm nhận hàng, rồi cõng bộ về lại làng. Trên lưng, ngoài bao gạo hàng chục ký, còn thêm mắm muối, quần áo, cá khô…

Hồ Văn Hồi tựa bao tải sau lưng lên phiến đá, chân vẫn đang khuỳnh ra như đứng tấn. Nghỉ mà cũng vội, Hồi không tháo hẳn bao ra, chỉ đứng như thế, được chừng đôi phút rồi lại lầm lũi hướng về phía ngọn đồi. Ngước nhìn lên, dốc đứng, đoàn người đã nối dài lên tới đầu con dốc.

Cái ăn tạm thời không còn là nỗi lo lớn của người dân Phước Thành, nhưng công cuộc tái thiết chắc chắn sẽ bộn bề gian khó. Ảnh: T.C

Nhà Hồi ở thôn 2 Phước Thành. Trận lũ quét sau bão số 9, Hồi và vợ cũng như bao gia đình khác, chỉ kịp bế vội đứa con và chạy. “Nước ầm ầm đổ xuống, chỉ trong vòng 5 phút là thấy mấy căn nhà gần suối từ từ quỵ xuống, trôi luôn”. “Không tới năm phút đâu, mấy giây thôi”, một người phụ nữ đứng gần đó chen lời Hồi. Tôi mường tượng về sự “đổ quỵ” mà Hồi kể, nhưng nhìn rõ nét mệt mỏi lẫn ám ảnh trong quầng mắt, có lẽ, sự kinh hoàng chưa mất dấu. Sau trận lũ quét, Hồi trú tạm nhà một người quen. Căn nhà của anh chưa mất, nhưng nỗi sợ vẫn còn. Cả làng sợ. Hồi nói, bà con nhặt nhạnh những tấm tôn, bạt rách, tấm chiếu, dựng lại một cái lán, sợ gió mạnh một tí là sập, mà vẫn còn đỡ hơn ở dưới kia, trong căn nhà bùn đất đã tràn vào sát vách. Rẫy, ruộng bị trôi sạt, hàng chục gốc quế ngã gãy, mất trâu, gia sản tích cóp trị giá cả trăm triệu đồng giờ còn tay trắng. Không ai biết ngày mai sẽ như thế nào, vì họ, chỉ có thể tính được cho ngày hôm nay.

Hai ngày liền, vợ chồng Hồ Thị Thế ngược ra Phước Kim. Mở bao hàng, thấy gạo, gói cá khô, Thế để lại bao hàng giữa suối, ngược ra chỗ tập kết hàng, để tìm xin quần áo cho mấy đứa con. “Chạy người không, không lấy được cái chi hết, em phải đi xin hàng xóm quần áo cho con mặc. Hai vợ chồng chỉ có một bộ đồ mặc từ hôm đó đến giờ. Đi bộ ra tầm 5 tiếng, không biết chừ mấy giờ, về nhà chắc phải tới tối” - Thế kể. Người phụ nữ nhỏ thó, khắc khổ, nói tiếng Kinh không sõi này cùng với chồng và hai đứa con đang phải ở tạm trong một căn lều. Mồ hôi ướt lưng áo, nhưng những phụ nữ như Thế vẫn bền bỉ leo núi. Hình như, kham khổ đã rèn một thứ bản năng, sự dẻo dai đến phi thường trong những người đàn bà như Thế, để họ đủ sức đi cả ngày đường xuyên núi cõng gạo.

Mưa lũ gây thiệt hại hơn 90 tỷ đồng ở Phước Thành. Ảnh: T.C

Đàn ông, đàn bà, có cả những đứa trẻ trong đội hình gùi cõng “sinh tồn” cho cả làng nơi góc núi. Họ đi trong lầm lũi. Lặng im không giấu được vẻ mệt mỏi trên từng khuôn mặt. Tôi chỉ duy nhất bắt gặp được một nụ cười, của Hồ Đình Nghĩa, cậu nhóc học lớp 9 ở xã Phước Thành, khi em mở bao hàng ra và thấy một hộp sữa, lấy uống ngon lành. Vệt sữa còn dính trên khóe miệng, thấy tôi giơ máy ảnh, Nghĩa cười. Sau lưng cậu, cũng là một bao hàng. Người làng rất khéo, họ chỉ cần dùng một sợi dây dẹp, vòng quanh bao gạo là thành “balo”. Nghĩa cũng mang theo một ba lô như thế, đi sau bố. Cậu đậy nắp hộp sữa, bỏ lại vào bao. Tôi cầm lên, vẫn còn nặng. Nghĩa cười, em không mang nước uống, khát quá uống đỡ, còn để dành đem về cho mấy đứa em ở nhà. Em gập lưng, xóc bao gạo lên vai rồi lầm lũi cùng đoàn người ngược dốc.

2.

Có đến hơn 500 người dân của xã Phước Thành nhận lãnh trách nhiệm “hành quân” mang lương thực, thực phẩm từ Phước Kim về lại làng. Phía sau họ, là 1.858 nhân khẩu đang bị cô lập hoàn toàn suốt hơn một tuần nay. Những hình ảnh ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch xã Phước Thành chụp ở hiện trường đầy ám ảnh: nhà trôi, trường học sạt lở, người dân sống tạm dưới những mái bạt phất phơ. Che lấy những căn lều, là tôn rách, có khi là chiếu, là tấm mền, miễn là che để mưa bớt tạt vào nơi họ nằm, được gác bằng mấy tấm ván cũ. Một nguồn nước duy nhất cho cả làng dùng cũng nhiễm đục, nhưng không có lựa chọn nào khác.

Ông Hồ Văn Phức nói, những ngày qua chính quyền rất lo lắng. Xã đã bố trí cho người dân ở tạm tại trạm y tế, trường học và trụ sở xã, nhà ở của các hộ dân khác, mọi nơi có thể trưng dụng được để bà con trú. Tài sản, nhà cửa, trâu bò, hoa màu của phần lớn người dân trong xã bị cuốn trôi. Có hàng chục điểm sạt lở cày xước địa hình xã. Thống kê ban đầu của xã, thiệt hại sau bão số 9 lên đến khoảng 90 tỷ đồng. “Những ngày qua, xã huy động toàn lực dân quân, thanh niên, người dân để gùi cõng hàng vào cho bà con. Sự hỗ trợ cấp thiết của phía huyện, tỉnh và các đoàn từ thiện phần nào giúp được bà con bớt lo về cái ăn, cái mặc, nhưng công cuộc tái thiết chắc chắn sẽ rất khó khăn” - ông Phức nói.

Nụ cười của Hồ Đình Nghĩa, cậu bé 14 tuổi tham gia đoàn gùi cõng. Ảnh: T.C

3.

Họ phải sống, và sẽ sống. Năm 2017, tôi lội vào Khe Chữ (xã Trà Vân, huyện Nam Trà My), sau vụ sạt lở xóa sổ nóc ông Tuân của xã này. Nóc ông Tuân thành một vết xước khổng lồ trên bản đồ. Cô bé Mộc Lan, ba tháng tuổi, con của anh Hồ Văn Ngọ nằm chết trên lưng ba. Anh biết con mình đã chết, nhưng không còn chỗ để đặt đứa bé xuống. Rồi Mộc Lan cũng được đặt nằm xuống cạnh mẹ. Vợ anh Ngọ không chờ đến được bệnh viện. Và giờ, tới lượt Trà Leng, Phước Lộc, bao người đã “phải sống”, như thế.

Những vết xước vẫn hiện hữu khắp núi rừng, như vết cào tàn nhẫn vào màu xanh của đại ngàn. Hàng chục mạng người đã vĩnh viễn mất đi sau vết cào đó, rồi những bát hương sẽ đặt đâu đó góc nhà, những người còn sống tiếp tục làm lại cuộc đời mình, hoặc, phải sống tiếp cuộc đời mình. Họ, không chắc đã cảm thấy may mắn khi mình được sống. Bao phận đời như họ, sinh ra, mất đi, có thể không ai biết đến. Họ sống đời sống của mình, nhưng giờ, đâu còn không gian nguyên thủy cho làng, cho cộng đồng của họ như bao đời trước nữa. Biến thiên dữ dội của thời cuộc, những can thiệp thô bạo vào tự nhiên, và rừng âm thầm bị phá, âm thầm biến mất, gỗ đổ về xuôi thành lục bình, thành những tấm phản lớn sang trọng đặt để giữa nhà, thủy điện mọc lên tầng tầng lớp lớp. Họ không đi đâu cả, họ ở lại đó, vô tình, họ nằm lọt vào vết xước. Nhưng họ vẫn chỉ là những người vô tội. Và mỗi chúng ta, nợ họ, khi đã không tìm cách bảo vệ rừng.

Đừng đặt câu hỏi tại sao họ lại chọn đặt để mái nhà của mình dưới chênh vênh dốc đứng, hay tựa lưng vào những sườn đồi để rồi tên mình bị ghi vào thảm họa. Hãy nghĩ về những gì đã và đang xảy ra, với rừng. “Bắt núi cúi đầu, đẩy sóng biển ra xa, kéo chân trời gần lại”, những vĩ cuồng của ngày hôm qua và hôm nay, đã và đang đổ xuống đầu bao người phía trên kia, tang thương, đau đớn, và chắc chắn, không thể nào trở lại như ngày cũ. Họ, con của rừng, thuần phác, hiền lương và vô tội. Không có cái giá nào đắt hơn mạng người!

Theo baoquangnam.vn

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/nhip-song/tren-ngan-nhung-vet-xuoc-khong-lo-269078.html