Trên nẻo đường này xưa ta đã đi

Tôi trân trọng lật giở từng trang và gạch dưới nhiều từ, nhiều đoạn trong cuốn sách mang tính hồi ký Trên nẻo đường này xưa ta đã đi của nhà báo, nhà văn Phan Quang.

Nói chính xác, với 18 chương in trong cuốn sách mang tính hồi ký này, chỉ là những “mảnh” rất nhỏ trong cuộc đời làm báo, viết văn đồ sộ của ông, khi vào năm 2018 vừa qua, ông tròn 90 tuổi đời và 70 năm tuổi nghề sôi động. Một mốc son đáng nhớ đã giúp tôi hiểu thêm những cống hiến đáng nể phục của một cây bút đã sản sinh hàng trăm bài phóng sự, bút ký, tùy bút, truyện vừa, tản văn… góp sức làm rạng danh giới báo chí cách mạng Việt Nam.

Với Trên nẻo đường này xưa ta đã đi, tôi ngỡ ngàng vì kho tư liệu của tác giả ngồn ngộn, quá đa dạng và phong phú, vốn sống của ông thật dày. Tác giả chọn lựa, sắp xếp theo từng mảng chủ đề thể hiện qua các mốc thời gian gắn với những năm tháng bi tráng và hào hùng của đất nước ta, dân tộc ta đã giúp tôi có cái nhìn toàn diện về sự nghiệp báo chí và văn chương của ông. Trên cơ sở đó, tự lý giải được ngọn nguồn trưởng thành vững chắc của chàng thanh niên miền Trung gió Lào cát trắng, “những đồi sim không đủ quả nuôi người”, tự nguyện và hăm hở rời làng Thượng Xá bên sông Nhùng của quê hương Quảng Trị theo cách mạng. Đất nghèo rèn chí anh hùng, sản sinh nhiều việc làm và con người anh hùng. Quê hương luôn đau đáu trong ông, là tiếng gọi lay thức tâm hồn ông, trở thành một trong những động lực tinh thần vô giá, giúp ông có những tác phẩm để đời.

Lịch sử diễn ra những chuyện ngẫu nhiên mà thú vị, vì những bài trong tập này, ông đã viết nhiều bài phóng sự khi hành trình dọc dài đất nước, từ con phố Khâm Thiên trong 12 ngày đêm máy bay B52 ném bom hủy diệt Hà Nội vào cuối tháng 12-1972; cho đến Đường 20 ở Quảng Bình - cửa ngõ huyết mạch của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại; và vào tháng 3-1975, ông lần lượt qua Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Sài Gòn đang bừng bừng khí thế cách mạng, non sông từ nay liền dải. Những cuộc gặp mặt đầy nước mắt của không ít gia đình cũng như niềm hân hoan của cả dân tộc tận hưởng không khí tự do, độc lập được ông miêu tả góc cạnh, nhân văn. Tiếp ngay sau đó là những ngày ông xuống đồng bằng Nam bộ viết loạt phóng sự dài kỳ, trong đó bài đầu tiên là về vùng đất mũi Năm Căn, với nhiều tư liệu quý giá về nơi đầu sóng ngọn gió của Nam bộ Thành đồng Tổ quốc, trong cuộc chiến đấu giữ trọn cương vực phía Nam đất nước.

Khi đọc các bài: Bông mai không chịu chết, Tháng ba kỳ diệu, Nơi đây vừa lạ lại vừa quen, Lần đầu tôi gặp ở Sài Gòn… , tôi thật sự khâm phục tầm nhìn của ông cùng nghệ thuật khai thác tư liệu và cách diễn đạt nhẹ nhàng, khéo léo, gây dấu ấn sâu đậm từ mỗi bài viết. Cho đến hôm nay, những câu chuyện tưởng đã xưa cũ trong tập sách mang tính hồi ký này vẫn cuồn cuộn sức sống, vẫn hấp dẫn thế hệ hậu sinh chúng tôi.

Nhà thơ Chế Lan Viên khi đọc lại những bài viết của nhà văn Đoàn Giỏi đã nhận xét: “Sau 30 năm, 20 năm, 15 năm, nhiều bài của anh đọc lại vẫn “chịu” được… Năm Căn và hàng trăm bà má khác, tôi đã gặp rồi, thế sao đọc bài văn kia tôi vẫn xúc động. Có gì ở đằng sau những chất liệu kia… vừa là nó, vừa không phải nó. Cái gì vậy? Tôi muốn nói đó là tâm hồn, đó là tấm lòng, đó là sự xúc động chân thành của tác giả. Cái đó giúp cho chất liệu đã qua mà không chìm, không tan rã trong thời gian…”.

Vẫn biết, mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng với 18 chương in trong tập sách này, thì nhận xét của nhà thơ Chế Lan Viên về nhà văn Đoàn Giỏi khá trùng hợp với suy nghĩ của tôi khi nghĩ về giá trị lâu bền của nhiều tác phẩm báo chí, văn học của nhà báo, nhà văn lão thành Phan Quang để lại cho đời.

PGS-TS NGUYỄN HỒNG VINH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tren-neo-duong-nay-xua-ta-da-di-637796.html