Trên mặt trận điều trị Covid-19

NHỮNG CHIẾN THẮNG TRÊN MẶT TRẬN ĐIỀU TRỊ

Covid-19 như một phép thử năng lực của ngành y tế Việt Nam. Trên mặt trận điều trị, các bác sĩ ngày đêm chạy đua với sự biến đổi bất thường của virus nCoV.

BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương kể lại, ở thời điểm ban đầu tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, thế giới cũng chưa có nhiều tài liệu, chưa có phác đồ điều trị chuẩn cho bệnh nhân Covid-19.

Tại Việt Nam, BS Cấp nói, nếu áp theo kiến thức cũ của cúm, SARS, bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản, thậm chí có chỉ định chạy ECMO. Tuy nhiên khi các bác sĩ vào thăm khám bệnh nhân, xem xét trực tiếp thì quyết định hoàn toàn có thể can thiệp bằng hỗ trợ hô hấp không xâm nhập.

“Chúng tôi đưa ra quyết định khá liều lĩnh vì nó không đúng với sách vở, với bệnh lý tương tự. Thế nhưng, đối với trực tiếp một cá thể là bệnh nhân, chúng tôi đã quyết định đúng. Hầu hết bệnh nhân được chúng tôi chăm sóc kiên định với chiến lược điều trị và họ đã bình phục. Sau này cũng có nhiều chuyên gia nghiên cứu với các quan điểm khác trên thế giới cũng ủng hộ quan điểm tương tự như của chúng tôi”, BS Cấp chia sẻ.

Nhanh chóng, phương án điều trị cho bệnh nhân được tổng kết để chia sẻ cho đồng nghiệp. Giai đoạn 1, bệnh nhân không nhiều và không có ca bệnh nặng, nguy kịch. Vì thế, các bác sĩ có thời gian để chỉnh sửa các phương án điều trị cho phù hợp với bệnh lý mới.

Sau giai đoạn 1 của Covid-19, các bác sĩ đã tổng kết nhanh các nghiên cứu, kinh nghiệm tại chỗ, đề xuất giả thuyết tổn thương phổi bệnh nhân không điển hình của ARDS, phát hiện các yếu tố liên quan đến diễn biến nặng của các bệnh nhân Covid-19 là sự tăng D-dimer, tăng feritin, tăng LDH, tăng thải natri qua hận và hạ natri máu. Phát hiện tình trạng thiếu ô-xy máu yên lặng (Silent hypoxia).

Từ đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã báo cáo các giáo sư đầu ngành, đề xuất đổi mới, cải tiến trong áp dụng các hướng dẫn chẩn đoán điều trị và các guideline kỹ thuật cho phù hợp với đặc điểm tổn thương bệnh lý đặc trưng của Covid-19.

“Nhờ đó, 11 bệnh nhân nặng sau đó đã được áp dụng quan điểm điều trị mới và ngăn ngừa nguy cơ diễn biến nguy kịch và được điều trị hồi phục, tiến triển tốt. Khoa Cấp cứu đã góp phần hạn chế được tỷ lệ bệnh nhân phải thở máy”, BS Cấp cho biết.

Có thể nói, cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam khống chế dịch bệnh Covid-19 khá thành công, đặc biệt trong công tác điều trị, thể hiện bằng các chỉ số: tỷ lệ điều trị khỏi cao; tỷ lệ ca bệnh nặng, bệnh nền được điều trị khỏi cao; tỷ lệ tử vong và lây nhiễm chéo trong nhân viên y tế thấp.

(Nguồn: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh)

Việt Nam ghi nhận và điều trị ca bệnh Covid qua các đợt:

Đợt 1: Ngày 22-1 đến ngày 25-2: ghi nhận 16 ca bệnh, tỷ lệ khỏi bệnh 100%, không có ca bệnh nặng, không có lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Ngày 25-2 đến 7-3: 11 ngày không ghi nhận ca bệnh mới

Đợt 2:Ngày 7-3 đến 16-4: ghi nhận 399 ca bệnh trong đó có hai nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo, không ghi nhận ca bệnh nào tử vong.

Ngày 16-4 đến 25-7: 99 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng

Đợt 3: Ngày 25-7 đến 3-9: dịch bùng phát tại Đà Nẵng, ghi nhận 550 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 35 ca tử vong do bệnh lý nền nặng.

Ngày 3-9 đến 30-11: 87 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng

Đợt 4:Ngày 30-11 đến 1-12: TP Hồ Chí Minh ghi nhận chùm ca lây nhiễm trong cộng đồng gồm bốn người do lây từ người trong khu cách ly.

Ngày 1-12 đến nay: 24 ngày, Việt Nam chưa phát hiện thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong cuộc chiến với Covid-19, Việt Nam cứu sống nhiều ca bệnh đã bước một chân vào cửa tử. Trong đó, có cả những ca bệnh người nước ngoài. Chiến thắng ngoạn mục nhất, chính là cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân 91 – nam phi công người Anh.

Đó là thời điểm, làn sóng dịch từ châu Âu về Việt Nam. Virus có sự biến đổi, động lực mạnh hơn. Một người khỏe mạnh như nam phi công người Anh cũng đã gặp những biến chứng khó lường. Tất cả những gì khó khăn nhất đều rơi vào ca bệnh này.

GS, TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn các bệnh nhân Covid-19 nặng, Tiểu Ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 kể lại, bệnh nhân 91 vừa nhập viện đã có nhiều diễn biến bất thường, phải đặt ECMO khẩn cấp. Chỉ bốn ngày, bệnh nhân đã phải thay tới ba quả do tình trạng đông máu trong màng lọc. Các thuốc chống đông ở Việt Nam không có tác dụng với bệnh nhân.

Hệ thống miễn dịch của cơ thể BN 91 gần như bị tê liệt nên rất dễ bị tấn công bởi các nguyên nhân khác như vi khuẩn, nấm… dẫn đến suy sụp đa phủ tạng (phổi, tim, thận, gan, não, rối loạn đông máu…). Nguy cơ tử vong lên tới 80 - 90%.

Sau đợt nhiễm trùng đầu tiên qua đi, phổi có cải thiện chút ít thì bệnh nhân lại bị nhiễm vi khuẩn khác. Các thuốc điều trị có kết quả trên phòng thí nghiệm, nhưng khi dùng, cơ thể ông này bị dị ứng, vì vậy bệnh diễn biến dai dẳng.

Có thời điểm, phổi bệnh nhân tồi đi, chỉ còn 10% hoạt động. Phương án ghép phổi và thận cho bệnh nhân đã được tính đến. “Chúng tôi không ai dám trả lời chắc chắn có chữa được hay không, chỉ cố ngày nào qua ngày ấy. Bệnh nhân không còn sức chống đỡ với các loại vi khuẩn, nấm cùng lúc. Tổ hội chẩn đã phải phối hợp nhiều loại vũ khí đánh vào vi khuẩn, kể cả loại thuốc mới chưa có ở Việt Nam, phải chấp nhận rủi ro của việc sử dụng liều cao. Lúc đó, chúng tôi không còn đường lùi”, BS Bình nói.

Những nỗ lực cuối cùng, quyết định điều trị tổng lực thành công vang dội. Phương án ghép phổi, thận đã không cần tính tới. Sau 105 ngày điều trị với 58 ngày chạy ECMO, 68 ngày thở máy liên tục, người bệnh đã khỏi và phục hồi chức năng tốt cả về tri thức, ăn uống và vận động, xuất viện vào ngày 12-7-2020.

Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê đánh giá, việc điều trị thành công cho ca bệnh số 91 một lần nữa khẳng định chủ trương của Việt Nam tập trung cứu chữa những người mắc bệnh ở mức cao nhất (cả về cơ sở vật chất và nhân lực) không phân biệt người dân Việt Nam hay người nước ngoài. Đó là tinh thần quyết tâm không buông bỏ người bệnh của Chính phủ, Bộ Y tế và của các bệnh viện.

Báo chí thế giới ca ngợi, hành trình gần 100 ngày cứu sống BN91 là kỳ tích của y khoa thế giới, là biểu tượng thành công của Việt Nam trong cuộc chiến với Covid-19.

Cuộc đua gần 100 ngày giành giật sự sống cho bệnh nhân 91.

Qua ba đợt ghi nhận và điều trị Covid-19 tại các cơ sở KCB, đợt 2 có nhiều bệnh nhân nặng và được điều trị thành công hoàn toàn, nhưng sang đến đợt 3 là đợt khó khăn nhất, dịch bệnh bùng phát trong bệnh viện, tại các khoa lâm sàng, khoa thận tiết niệu, ICU,… Người bệnh đều là người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền phức tạp, nhiều người đang chạy thận nhân tạo, mắc các bệnh lý tim mạch, thận, thậm chí ung thư. Đặc biệt là các ca bệnh nặng như: BN 416, BN 418, BN 428, BN 431, BN 436, BN 437, BN 438, BN 429, BN 426, BN 427, BN 430, BN 422, BN 433...

Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã khẩn trương điều động các đội đến hỗ trợ các địa phương, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận điều trị người bệnh Covid-19, dưới sự chỉ huy trực tiếp của PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia

Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã trực tiếp cử cán bộ của cục tham gia hỗ trợ chuyên môn tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc); Đà Nẵng; Huế, Quảng Nam… Điều động các đội cơ động đến hỗ trợ tại Thành phố Đà Nẵng gồm đội cơ động phản ứng nhanh của các bệnh viện: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai. Đội cơ động của Bệnh viện C Đà Nẵng đến hỗ trợ Trung tâm y tế huyện Hòa Vang. Các chuyên gia của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy được cử đến đã hỗ trợ, sẵn sàng trực chiến trong công tác hồi sức tích cực, chạy thận nhân tạo, tuần hoàn ngoài cơ thể, kiểm soát nhiễm khuẩn.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo tại "chảo lửa" Đà Nẵng những ngày đầu tiên phát hiện ổ dịch tại đây.

Tổ Điều trị của Bộ Y tế thành lập ba Đội công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng. Tổ này tham gia công tác điều trị, hồi sức cấp cứu cho các ca bệnh nặng, tham gia hội chẩn trực tuyến quốc gia; Chỉ đạo và thực hiện điều phối ca bệnh Covid-19; ca bệnh không Covid-19 giữa các bệnh viện trong thành phố Đà Nẵng và các tỉnh chung quanh.

Nhờ các biện pháp dồn tổng lực của ngành y tế, sau gần một tháng, dịch Covid-19 tại Đà Nẵng tạm ổn. Mặc dù năng lực điều trị tại thời điểm đó hạn chế, thiếu phương tiện, máy móc, thiếu phòng ICU, thiếu bác sĩ điều trị, nhưng chúng ta cũng đã vượt qua những thách thức được cho là cam go nhất từ đầu mùa dịch. Thành công này, một lần nữa lại được thế giới ca ngợi.

Những dấu ấn trong lĩnh vực điều trị:

> Cục Quản lý khám, chữa bệnh thành lập 51 tổ cơ động phản ứng nhanh sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ cho các bệnh viện khi bắt đầu tiếp nhận ca bệnh xác định và khi có tình huống nguy kịch cần hỗ trợ chuyên môn.

> Thành lập Trung tâm hỗ trợ trực tuyến điều trị Covid-19: Thường xuyên tổ chức giao ban trực tuyến với các cơ sở có điều trị ca bệnh xác định; định kỳ 2-3 lần/ tuần, đặc biệt các ca bệnh nặng.

> Phương châm “bốn tại chỗ”, tổ chức phân tuyến điều trị: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ và phân tuyến điều trị tại tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh, tuyến Trung ương

> 57 cơ sở khám chữa bệnh đã và đang tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19

> Triển khai 20 lớp tập huấn về phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 cho các cơ sở KCB tuyến quận, huyện tại các tỉnh, thành phố cả nước

> Phát triển hệ thống xét nghiệm trên toàn quốc với 148 phòng xét nghiệm, 91 phòng được cấp phép khẳng định, năng lực xét nghiệm lên tới 40 nghìn mẫu/ngày.

BỐN NỘI DUNG QUAN TRỌNG GÓP PHẦN THÀNH CÔNG TRONG ĐIỀU TRỊ COVID-19

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, trong cuộc chiến với Covid-19, trên mặt trận điều trị có rất nhiều sáng kiến đã được áp dụng. Tiêu biểu như sáng kiến thành lập Trung tâm hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị Covid-19, thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh, phân tuyến điều trị ca bệnh dương tính, xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 và bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Một năm qua, kể từ khi Covid-19 tấn công Việt Nam, ngành y tế Việt Nam đã sớm thành lập Tiểu ban Điều trị. Đã có nhiều sáng kiến, giải pháp hay, khoa học, hiện đại, tiếp cận với các kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới được Tiểu ban Điều trị cập nhật nỗ lực cao nhất để cứu chữa người bệnh. Nhờ đó, tỷ lệ điều trị khỏi cao (hơn 90%), tỷ lệ các ca bệnh nặng, bệnh nền được chữa khỏi cao; khống chế tối đa tỷ lệ tử vong và hạn chế được tỷ lệ lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo ông Khuê, trong suốt một năm qua, chúng ta đã cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bốn lần, xem xét các phương pháp điều trị như sử dụng thuốc kháng virus, thuốc chống sốt rét; sử dụng huyết tương thay thế. Việt Nam cũng đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng khác nhau từ người mắc các bệnh mãn tính, đến hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật và xây dựng 37 tiêu chí bệnh viện an toàn trong phòng, chống Covid-19.

Để ứng phó với tình huống dịch với nhiều ca bệnh nặng, Việt Nam đã thành lập Trung tâm hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị Covid-19 tập hợp và thống nhất đội ngũ chuyên gia giỏi trong hội chẩn bệnh nhân Covid-19 nặng và điều hành khi các bệnh viện bị đóng cửa.

Sự ra đời của Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán điều trị Covid-19 là quyết định hết sức đúng đắn, giúp hỗ trợ về chuyên môn với các tuyến, kể cả vùng sâu, xa. Trung tâm tại Cục Quản lý KCB đã trực tiếp nối tới tất cả các điểm bệnh viện nơi điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân dương tính, đặc biệt đã tập trung tư vấn điều trị cho các bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ chẩn đoán chuyên môn điều trị Covid-19, có bốn nội dung quan trọng góp phần thành công trong điều trị Covid-19.

Việt Nam phân tuyến điều trị hợp lý với bốn tuyến điều trị theo mức độ diễn biến của người bệnh từ tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh đến tuyến Trung ương. Bên cạnh đó, Việt Nam thường xuyên cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và kinh nghiệm điều trị của các nước trên thế giới.

Hệ thống khám chữa bệnh phân tuyến điều trị các ca bệnh Covid-19 theo nguyên tắc ca bệnh nhẹ điều trị ngay tại tuyến dưới. Thiết lập một số trung tâm tập trung điều trị Covid-19 tại tuyến tỉnh và tuyến cuối. Tùy theo cấp độ dịch, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phân công chỉ định bệnh viện tuyến cuối. Khi cấp độ dịch cao hơn, Tiểu ban Điều trị đã chỉ đạo tuân thủ chặt chẽ phương án bốn tại chỗ. Thực hiện tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý ca bệnh và theo dõi cách ly triệt để tại địa phương.

Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán điều trị Covid-19 đã có hơn 100 buổi hội chẩn và họp chuyên môn.

Cho đến nay, Trung tâm đã tổ chức hơn 100 buổi hội chẩn và cuộc họp chuyên môn. Có trên 30 chuyên gia hàng đầu của các lĩnh vực đã trực tiếp đến hội chẩn tại Trung tâm. Nếu tính số lượng chuyên gia mạng lưới của các bệnh viện trên toàn quốc tham gia hội chẩn từ xa thì có đến hơn 100 chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực. Đây chính là nét độc đáo của công tác phòng chống và điều trị Covid-19 của Việt Nam.

Đồng thời, thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân. Đến nay cả nước có hàng trăm đội cơ động phản ứng nhanh, tinh nhuệ, giỏi về chuyên môn sẵn sàng hỗ trợ cho các bệnh viện.

Khi bước sang giai đoạn dịch bùng phát tại Đà Nẵng từ tháng 7-2020, Việt Nam đã mở rộng công tác xét nghiệm. Từ chỗ chỉ có ba đơn vị được xét nghiệm SARS-CoV-2, Tiểu ban Điều trị đã tham mưu mở rộng tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Hiện đã có hơn 50 bệnh viện đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2, góp phần giúp các bệnh viện chủ động trong công tác xét nghiệm, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm quá tải cho hệ thống y tế dự phòng trong xét nghiệm các đối tượng nguy cơ....

Bên cạnh đó, công tác KCB đã thực hiện tốt và phối hợp với toàn hệ thống cơ sở y tế trên cả nước để thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp phòng, chống dịch Covid. Đặc biệt phải kể tới là sự chủ động tích cực và sẵn sàng lao vào tâm dịch để hỗ trợ, chăm sóc, điều trị ca bệnh Covid-19 của đội ngũ cán bộ y tế.

Các "chiến sĩ" trên tuyến đầu chống dịch.

Đội ngũ chuyên gia hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, xét nghiệm,… của các bệnh viện tuyến trên đã thường xuyên liên tục theo dõi sát sao từng ca bệnh tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước. Các chuyên gia và cơ sở y tế tuyến trên cùng hội chẩn và đưa ra hướng điều trị tối ưu cho người bệnh, thông qua hình thức giao ban trực tuyến với các cơ sở điều trị.

Bài học từ Đà Nẵng đã giúp cho công cuộc truy vết, dập tắt ổ dịch tại TP Hồ Chí Minh thành công chỉ sau đúng hai ngày ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nhờ đó, chúng ta chỉ dừng lại ở con số 4 ca mắc Covid-19 và đến nay, Việt Nam đã có 24 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 mới.

CHÚNG TÔI LUÔN SẴN SÀNG VÌ NGƯỜI BỆNH

"Việc chúng tôi hứa với Thủ tướng là “hết dịch mới về”, đó là vì trách nhiệm và mệnh lệnh từ trái tim của những người thầy thuốc", đó là câu nói mà PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Y tế đã nói hộ cho những người mặc áo trắng ở tuyến đầu chống dịch trong cuộc chiến cam go tại Đà Nẵng. Trong suốt gần một năm qua, nhiều nhân viên y tế đã bất chấp nguy hiểm, thậm chí là đối mặt với tử vong để vững vàng, bền chí ở tuyến đầu chống dịch.

Mùng 5 Tết Canh Tý, BS Nguyễn Trung Cấp (Trưởng khoa Cấp cứu, hiện tại là Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) và BS Thân Mạnh Hùng (Phó Trưởng khoa Cấp cứu) quyết định cùng ở lại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đó là thời điểm, Việt Nam phát hiện chùm ca bệnh đầu tiên tại Vĩnh Phúc là những người Việt Nam trở về từ Vũ Hán. Họ biết, mình đang đối mặt với một kẻ thù vô hình, có độc lực cực mạnh, nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Họ không có nhiều thời gian chần chừ. Đó là khoảng thời gian thức ngày đêm, nghiên cứu tài liệu, đọc tin tức trên thế giới để nhận diện virus corona chủng mới.

Giai đoạn 1 có vẻ tạm ổn, thì chỉ chừng sau đó hơn nửa tháng, Việt Nam bước vào giai đoạn 2 đầy khốc liệt với chủng virus mới từ châu Âu, Nam Mỹ trở về. Độc lực mạnh hơn, chủng virus biến đổi, bệnh nhân nguy kịch tăng lên. Virus SARS-CoV-2 lúc này thật sự nguy hiểm hơn những gì Việt Nam đã trải qua.

Những bác sĩ đầu tiên đã nhiễm Covid-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đó là ngày 21-3, chỉ sau khi dịch giai đoạn 2 bùng phát 12 ngày. Hai bác sĩ, một nam, một nữ làm việc tại khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã mắc bệnh trong quá trình can thiệp đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân Covid-19.

Tâm lý hoang mang bắt đầu lan tỏa. Nỗi sợ hãi vô hình đã thành sự thật. Lúc đó, tại Trung Quốc, một bác sĩ khỏe mạnh cũng đã tử vong. Không một ai dám nói ra, nhưng trong lòng trĩu nặng. Quy trình thăm khám bệnh nhân và tiếp xúc giữa nhân viên y tế với nhau được thắt chặt thêm một bước.

BS Thân Mạnh Hùng kể lại, những ngày nằm ở khu cách ly, hai bác sĩ nhiễm Covid-19 chỉ đau đáu một điều xem có đồng nghiệp nào tiếp tục là bệnh nhân. “Thay vì lo cho sức khỏe, các bạn chỉ lo lây cho người khác. Đó là tình đồng đội rất cảm động”, BS Hùng kể.

Cùng với đó, ở “chiến tuyến” miền nam, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã có những ngày Tết không yên ả khi hai bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam là hai cha con người Trung Quốc điều trị tại đây.

Tháng 4-2020, BS trẻ Ngô Việt Anh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy chính thức “đóng quân” tại BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Lần này, các anh phải đối mặt với một bệnh nhân có phản ứng mạnh với virus và nguy cơ tử vong hơn 90% - nam phi công người Anh. Câu chuyện về bệnh nhân 91 đã được cập nhật rất nhiều, thậm chí còn được ghi dấu ấn là một kỳ tích đối với thế giới khi Việt Nam đã mang bệnh nhân từ cõi chết trở về.

BS Ngô Việt Anh bấy giờ được cử sang BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để can thiệp ECMO cho bệnh nhân. Anh đã có gần một tháng cùng các bác sĩ tại đây chung lưng đấu cật để đối phó với những diễn biến bất thường đến từng giờ của bệnh nhân 91.

Sau khi được trở về nhà, anh lại chuẩn bị hành trang cho một cuộc chiến mới được đánh giá là “khốc liệt” tại Đà Nẵng. Anh tiếp tục có gần hai tháng trực chiến ở vị trí tiên phong, trực tiếp điều trị những ca bệnh nặng nhất, phải hồi sức cấp cứu, được chuyển từ Đà Nẵng ra Huế.

Trong cuộc chiến Covid-19, mặc dù đã có những nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19, nhiều bệnh viện bị phong tỏa, nguy cơ lây nhiễm với lực lượng y tế luôn ở mức cao nhất, nhưng tại các tuyến đầu điều trị như BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Chợ Rẫy, BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, BV Đà Nẵng, BV Trung ương Huế... các giáo sư, thầy thuốc, nhân viên y tế không quản ngại hiểm nguy, gian khổ đối mặt với căn bệnh chết người, ngày đêm vất vả, chấp nhận cách ly xã hội để miệt mài, sáng tạo, quyết tâm cứu chữa bệnh nhân.

Tính đến ngày 25-12, Việt Nam đã có 24 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Gần 100 ngày qua, các bệnh nhân được ghi nhận tại Việt Nam đều có diễn biến nhẹ, không có ca bệnh nặng. Mặt trận điều trị đang ở giai đoạn tạm ổn. Và lúc này đây, Việt Nam đã tự tin hơn rất nhiều vì đã vượt qua những giai đoạn thách thức nhất, cam go nhất để giành được những chiến thắng.

Tổ chức nội dung: NGỌC THANH - HỒNG MINH

Thực hiện: THIÊN LAM

Đồ họa: MẠNH TRẦN

Ảnh: TƯ LIỆU

Ngày xuất bản: 25-12-2020

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/tren-mat-tran-dieu-tri-covid-19-629144/