Trên đường chạy Kenya

Tiết trời se lạnh, còn mặt trời đang dần hé trên thung lũng Rift, Kenya. Một ngày lý tưởng. Nhưng Eliud Kipchoge, vận động viên đã thay đổi lịch sử marathon, vẫn buộc phải chờ đợi.

Một cơn mưa ào đến tối qua khiến đường chạy của anh trở nên gồ ghề vì những vũng nước. Trong lúc chờ sức nóng mặt trời hong khô đường chạy, anh cùng những vận động viên khác tranh thủ khởi động và trò chuyện với nhau. Một ngày của những vận động viên marathon tại Kenya bắt đầu như thế…

Vùng đất lạ

Eliud Kipchoge, vận động viên điền kinh xuất sắc nhất năm 2019, là người đầu tiên chạy full marathon dưới hai giờ trong lịch sử nhân loại. Không bất ngờ khi Kipchoge tiết lộ: Anh đến từ Kenya. Nếu nói Kenya là cường quốc thể thao thì hoàn toàn không đúng. Nhưng nếu coi Kenya là vua trên đường chạy thì chẳng sai.

Trong nhiều thập kỷ, các vận động viên Kenya và Ethiopia âm thầm thống trị các cuộc đua marathon trên thế giới. Theo Business Insider, từ năm 1968 trở đi, các vận động viên Kenya đã trở thành một "thế lực" trong làng điền kinh quốc tế.

Năm 2019, người chiến thắng cuộc đua New York Marathon, cả hạng mục nam và nữ, đều đến từ Kenya. Lịch sử đường chạy Kenya, theo NPR, được bắt đầu bởi vận động viên "vô danh" Kip Keino, người mở ra một thời đại mới cho điền kinh Kenya, khi anh giành được huy chương vàng hạng mục chạy nam 1.500 m tại Thế vận hội năm 1968, mặc dù thời điểm đó, anh đang bị nhiễm trùng túi mật.

Đó là tấm huy chương đầu tiên trong số hàng loạt huy chương giành được bởi các vận động viên đến từ Kenya, mà cụ thể là từ Thung lũng Rift. Theo Business Insider, khi Keino bắt đầu tập luyện để trở thành một vận động viên chạy bộ marathon, ai cũng cho rằng anh "không bình thường".

Hàng xóm và đồng nghiệp của anh từng nghĩ, hoặc anh đang đuổi theo những thứ vô nghĩa, hoặc anh là một kẻ điên. Chỉ mình Keino hiểu rõ anh đang làm gì. Nhiều năm miệt mài chạy trên những con đường phủ đầy bụi đất trong Thung lũng Rift với không một dụng cụ bổ trợ chuyên nghiệp nào trong tay đã giúp Keino làm nên điều kỳ diệu.

Năm 1972, anh tiếp tục giành được huy chương vàng tiếp theo, mở đường cho làng chạy Kenya vươn ra thế giới. Những đồng nghiệp của anh như Peter Koech, Joshue Kipkemboi, Pamela Jelimo đã lần lượt làm nên lịch sử. Từ năm 1988 đến 2012, 20 trong số 25 nhà vô địch của giải chạy Boston Marathon đều đến từ Kenya.

Sự hưng thịnh của bộ môn chạy tại Kenya khiến thế giới tò mò. Dư luận dần kháo nhau về câu thần chú: "Hãy đến thung lũng Rift để chạy đua".

Thung lũng Rift, hình thành khoảng 40 triệu năm trước với độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, được biết đến với địa hình bằng phẳng và khí hậu ôn hòa quanh năm.

Đây là điều kiện hoàn hảo cho việc tập chạy marathon. Đặc biệt, thị trấn Iten trong thung lũng Rift của Kenya đã sản sinh ra rất nhiều vận động viên marathon, đến nỗi được gọi là "thị trấn của những nhà vô địch".

"Chào mừng đến với Iten", tấm biển hiệu được đặt ngay ngắn phía trước thị trấn nhỏ ở rìa cao nguyên trên thung lũng Rift ở Kenya như mời gọi bất cứ ai ghé đến, và mở ra bí mật phía sau câu thần chú kỳ diệu kia.

Huyền thoại Kipchoge cùng những chàng trai trẻ trong một buổi tập luyện. Ảnh: NN Telegraph.

Huyền thoại Kipchoge cùng những chàng trai trẻ trong một buổi tập luyện. Ảnh: NN Telegraph.

Đi tìm lý do

Người ta tin rằng, dù bạn là ai, chỉ cần bạn đến Thung lũng Rift chạy đua, bạn sẽ không thể thua trên đường đua nào khác. Năm 1990, Trung tâm Nghiên cứu Cơ bắp Copenhagen đã thực hiện phép so sánh giữa những chàng trai tại thị trấn Iten và tuyển quốc gia Thụy Điển.

Kết quả cho thấy, những chân chạy Iten thậm chí còn chạy tốt hơn dân chuyên nghiệp. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, người dân thuộc bộ lạc Kalenjin ở Kenya có thể chạy nhanh hơn 90% dân số toàn cầu. Thực tế là, khoảng 73% người chiến thắng huy chương Olympic của Kenya là người thuộc bộ lạc Kalenjin.

Nghiên cứu này sau đó đã gây nhiều tranh cãi khi kết luận thành công của các vận động viên Kenya là do di truyền. Huyền thoại chạy bền Keino đã lên án nghiên cứu này là phân biệt chủng tộc. "Chẳng có cách nào khác trên thế giới này, trừ khi bạn làm việc chăm chỉ, mới giúp đạt được vị trí mà bạn mong muốn, và vì vậy tôi nghĩ chạy bộ là vấn đề thuộc về ý chí", ông nói.

O'Connell, người được mệnh danh là "cha đỡ đầu" của bộ môn chạy tại Kenya, đã tiết lộ: "Bí mật duy nhất là không có bí mật nào cả". "Không chỉ riêng yếu tố nào, mà là tổng hòa của các yếu tố kết hợp với nhau tại Thung lũng Rift của Kenya, khiến người dân nơi đây có thế mạnh về chạy", O'Connell nói.

Ông cũng không ngần ngại thừa nhận rằng, chạy không phải là một môn thể thao đắt tiền. "Bạn không cần bất cứ thứ gì để trở thành một vận động viên chạy bộ. Thậm chí những đứa trẻ còn chạy trên đôi chân trần, thì bạn đâu cần những đôi giày cơ chứ", ông đã thốt lên trong một bài phỏng vấn với BBC.

Trên những con đường đất, giữa những ngọn đồi thoai thoải, những chân chạy miệt mài luyện tập, vượt qua những địa hình đầy thách thức dài đằng đẵng. Vận động viên Farah từng mô tả với The Guardian rằng, chạy trong Thung lũng Rift giống như "lái xe trên địa hình gập ghềnh nhất".

"Thay vì đi với tốc độ 50mph, ở đây bạn chỉ có thể đi với tốc độ 25mph và cầm lái trên những con đường gồ ghề, tới mức chân và toàn cơ thể bạn có thể cảm thấy được", ông nói.

Địa hình khó khăn có lẽ đã rèn luyện những nhà vô địch. Thói quen sinh hoạt dường như cũng quyết định sự thành công của các vận động viên chạy tại Kenya.

Trong bức ảnh từng được Getty chụp lại, trên bức tường của các vận động viên ở Thung lũng Rift là những tờ giấy dán đè lên nhau ghi lại thời gian biểu tập luyện dài dằng dặc, với khẩu hiệu được ghi trên biển lớn: "5-6 bài tập mỗi ngày".

Một vận động viên có tên Justin Kipchumba từng nói với The Guardian, việc tập luyện đã trở thành phong cách sống của anh. "Tôi ngủ, tôi chạy, tôi ăn. Một ngày nào đó tôi sẽ giành chiến thắng trên đường chạy lớn", anh nói, khi vừa hoàn thành gần 29 km chạy đường dài vào lúc 8h sáng.

Đâu chỉ có mình Kimchumba, bao năm qua, trong Thung lũng Rift đã có hàng chục, hàng trăm Kipchumba ôm quyết tâm như thế. Họ chạy để nổi tiếng, hay họ chạy khỏi đói nghèo?

Nhà sinh vật học tiến hóa thuộc Đại học Harvard Daniel Lieberman cũng đồng tình rằng, việc định lượng điều gì khiến người này chạy giỏi hơn người khác là không thể, bởi nó là sự cộng hưởng của quá trình đào tạo, văn hóa, sinh học và sự quyết tâm. Trong đó, quyết tâm là thứ mà Lieberman nhấn mạnh.

Trong bài chia sẻ với NPR, ông từng nói, những người trẻ trong Thung lũng Rift chỉ có hai sự lựa chọn: Một là làm nông, hai là chạy bộ. Và ngay cả khi họ lựa chọn trở thành vận động viên chạy bộ, công cuộc tập luyện của họ cũng chẳng dễ dàng.

"Không đồ bảo hộ, không gel, không đồ uống thể thao", ông nói. Cái họ nhận được, là nhìn thấy những huyền thoại marathon đã, đang và sẽ cùng tập luyện trên đường chạy đầy nắng và gió ở Thung lũng Rift mỗi ngày.

Vận động viên Kip Keino trước giờ phút chạm tay vào tấm huy chương Vàng cao quý. Ảnh: Getty.

Hơn cả câu trả lời

Khi bắt đầu sự nghiệp chạy đua của mình, các vận động viên Kenya luôn hy vọng rằng bằng cách giành được chiến thắng trong các cuộc đua marathon hoặc huy chương Olympic, họ có thể kiếm đủ tiền để đảm bảo tương lai của gia đình, trang trải học phí cho trẻ em hoặc mua đất đai để canh tác nông nghiệp. Nhưng, hy vọng đó không hoàn toàn thực tế.

Theo tờ New York Times, trong khi các vận động viên trẻ ngày đêm tập luyện với ước mơ mang lại cho bản thân và gia đình một cuộc sống tốt hơn, thì thực tế là có rất ít người thực sự có thể sống an nhàn trọn đời nhờ thành tích mà họ đạt được.

Vận động viên Welsey Korir là một ví dụ. Anh đã giành chiến thắng tại giải đua Boston Marathon 2012. Anh cũng là một trong những vận động viên hàng đầu của Kenya. Chính điều đó khiến áp lực trên đôi vai anh trở nên trĩu nặng, khi anh chịu trách nhiệm cho việc chi trả học phí cho 300 trẻ em, và hỗ trợ 2.000 người nông dân tại Kenya thoát nghèo.

Các vận động viên vô địch thế giới như Korir, theo nhà văn Malcolm Gladwell, được người Kenya thần tượng như cách người Mỹ thần tượng các ngôi sao nhạc rock. Vì thế, trách nhiệm và áp lực mà họ phải gánh vác cũng nhiều hơn.

Korir từng nói với The Guardian rằng: "Nếu tôi thắng một cuộc đua, những đứa trẻ sẽ được đến trường vào năm tới. Nếu tôi thua, lũ trẻ sẽ ở nhà". Người ta gọi những vận động viên như thế là "thiên thần", họ dành cả thanh xuân để tập chạy trên đôi chân trần, và dành cả cuộc đời để nâng bước tương lai cho biết bao đôi chân trần khác.

Nhưng, không phải nhà vô địch nào cũng là thiên thần. Moses Tanui, người đã 2 lần giành chiến thắng tại Boston Marathon, từng trải lòng với New York Times: "Khi bạn uống nhiều rượu, bạn trở nên ngu ngốc - bạn không biết mình đang làm gì. Việc kiếm được nhiều tiền cũng như vậy".

Duncan Kibet là một ví dụ. Anh giành chức vô địch tại giải chạy Rotterdam Marathon năm 2009 với phần thưởng là 180.000 USD. Nhưng, số tiền thưởng bốc hơi sau chỉ 2 năm, khi anh hoàn thành việc trang trải học phí cho người thân, mua một ngôi nhà cho mẹ, rồi đốt số tiền còn lại vào xe hơi và quần áo.

Từ đỉnh cao sự nghiệp, Kibet lại trắng tay. Những thiên thần trên đường chạy Kenya cũng luôn vướng vô vàn nghi án về việc sử dụng doping khi thi đấu và luyện tập. Từ năm 2004 đến 2018, theo Bursiness Insider, 138 vận động viên Kenya đã cho kết quả dương tính với các chất bị cấm.

Dick Pound, điều tra viên người Nga về doping, năm 2015 từng khẳng định: "Khá rõ ràng rằng Kenya đã đạt được thành công lớn trong các cuộc chạy marathon. Và cũng khá rõ ràng rằng có rất nhiều loại thuốc tăng cường hiệu suất đang được sử dụng ở quốc gia này".

Một khi bị phát hiện sử dụng doping, sự nghiệp của những chân chạy Kenya sẽ chấm hết. Nhưng một vận động viên giấu tên đã tiết lộ với Al Jazeera rằng, đôi khi, họ buộc phải sử dụng, vì "chúng tôi phải chăm sóc gia đình của mình, bằng bất cứ giá nào, bởi đây chính là cuộc sống".

Lý do để những chàng trai Kenya chạy, và chạy rất nhanh, theo vận động viên Korir, thực ra vô cùng đơn giản: "Chúng tôi chạy để thoát khỏi đói nghèo".

Mặt trời đã lên cao trên thung lũng Rift, đường chạy cũng đã dần khô. Trong không gian mênh mang chỉ còn vang tiếng thở đều, và nhịp bước chân đập xuống nền đất đỏ. Huyền thoại Kipchoge bền bỉ chạy bên những chàng trai trẻ. Trong số những chàng trai trẻ ấy, ai sẽ là huyền thoại tiếp theo?

An Nhiên

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/tren-duong-chay-kenya-598957/