'Trên dưới không thông', doanh nghiệp gặp khó

Sau khi được chính quyền địa phương ký hợp đồng cho thuê mặt bằng để kinh doanh, doanh nghiệp xúc tiến đi vào hoạt động thì UBND tỉnh yêu cầu không cho mở rộng, chỉ cho thuê mặt bằng năm một. Việc làm này khiến doanh nghiệp gặp vô cùng khó khăn.

Từ năm 2016, nhận thức được Khu du lịch Điệp Sơn là một điểm du lịch lý tưởng nên Công ty THHH Đầu tư và Du lịch Nha Trang Đông Đô (Gọi tắt Công ty Nha Trang Đông Đô) đã xin khai thác Khu du lịch Điệp Sơn tại hai điểm Hòn Ó và Hòn Quạ. Tại Hợp đồng số 04/UBND ký ngày 29/6/2017, UBND xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh-Khánh Hòa) đã ký cho Công ty Nha Trang Đông Đô thuê mặt bằng gần 20 ha, bao gồm đất đồi dốc và diện tích mặt nước để kinh doanh du lịch tại Nam Hòa Quạ và Bắc Hòn Ó, thời hạn từ ngày 1/7/2017 đến 1/7/2022.

Tuy nhiên, ngày 15/9/2017 UBND tỉnh Khánh Hòa có Văn bản 8439 yêu cầu UBND huyện Vạn Ninh không cho các phương tiện thủy đón trả khách xếp dỡ hàng hóa tại những bến thủy nội địa không được cấp phép và chủ trì phối hợp với các ban ngành tính vị trí để xây dựng bến thủy nội địa dùng chung cho toàn khu vực Điệp Sơn. Đến ngày 27/10/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa lại ban hành Thông báo số 729 TB/UBND KH chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh điều chỉnh phương án tạm thời về phối hợp quản lý khai thác du lịch Điệp Sơn. Tại Thông báo 729, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa có ý kiến cụ thể: “chỉ sử dụng bến đò dân sinh hiện có để vận chuyển khách du lịch không cho thuê mặt bằng để làm cầu đò thứ 2 và tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh chỉ cho thuê mặt bằng hàng năm thay vì thời hạn 5 năm như trước đây”. Ngày 22.6.2018, UBND huyện Vạn Ninh ra công văn số 1700/UBND-QLĐT với nội dung "dừng khai thác bến nổi tự phát tại Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh".

Do biệt lập với hòn Bịp, nơi có bến đò dân sinh duy nhất, Công ty Nha Trang Đông Đô phải dựng một bến tạm để đưa đón khách.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên thì quan điểm của các cơ quan tham mưu ở địa phương khi đề xuất với cấp trên lại không đồng thuận. Tại Văn bản số 671/QLĐT của Phòng Quản lý đô thị huyện Vạn Ninh cho rằng, hiện nay tại thôn đảo Điệp Sơn có 01 cầu đã được Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cấp phép hoạt động phục vụ cho việc đi lại của nhân dân thôn đảo Điệp Sơn với đất liền. Bến này cách điểm du lịch của Công ty CP Sơn Nam khoảng 1000m, cách điểm du lịch của Công ty Nha Trang Đông Đô khoảng 3.900m; 02 doanh nghiệp trên đang thực hiện hợp đồng quản lý, khai thác điểm du lịch Điệp Sơn tại 02 hòn đảo: Công ty CP Sơn Nam tại đảo Hòn Bíp, Công ty Nha Trang Đông Đô tại đảo Hòn Duốc. 02 hòn đảo này có đại hình riêng biệt, cách nhau khoảng 1900m, không có đường bộ đi tới, do đó không thể dùng bến chung được. Mặt khác là loại hình du lịch đảo, do đó phải có bến để khách lên đảo cắm trại, nghỉ ngơi, vui chơi... Hàng ngày có khoảng 30 lượt tàu chở khách du lịch tại Điệp Sơn, tương ứng với 500 khách, thời kỳ cao điểm lên tới hàng nghìn khách. Như vậy không thể ngừng hoạt động du lịch tại Điệp Sơn được.

Trên cơ sở đó, Phòng Quản lý đô thị huyện Vạn Ninh đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho xây dựng 02 bến thủy nội địa tạm thời tại khu du lịch Điệp Sơn (tại đảo Hòn Bịp và đảo Hòn Duốc).

Văn bản 671 của Phòng Quản lý đô thị huyện Vạn Ninh

Tại Văn bản số 760 ngày 28/3/2018, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa gửi UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, thực tế địa phương đã ký hợp đồng cho Công ty Nha Trang Đông Đô thuê mặt bằng tại Bắc Hòn Ó vag Nam Hòn Quạ để kinh doanh du lịch. Theo đó, công ty đã tiến hành đầu tư, khai thác hoạt động du lịch tạm thời tại vùng đất được thuê và doanh nghiệp đã tự làm bến thủy nội địa tạm thời (xếp bằng đá) tại Bắc Hòn Ó để đưa đón khách du lịch lên đảo.

Vì vậy, nếu không cho phép làm thêm bến thủy nội địa thứ hai tại Hòn Ó thì buộc phải chấm dứt hoạt động du lịch của Công ty Nha Trang Đông Đô tại Bắc Hòn Ó và Nam Hòn Quạ.

Xuất phát từ thực trạng nêu trên, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch khi đã được địa phương đồng ý cho thuê đất, nhưng vẫn đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, Sở Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh cho phép Công ty Nha Trang Đông Đô sử dụng bến thủy nội địa tự làm tại Hòn Ó để đưa đón khách lên đảo, phù hợp với thời gian thực hiện thuê mặt bằng giữa địa phương với doanh nghiệp.

Văn bản số 760 của Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa

"Chúng tôi nhận thấy việc xây dựng các cầu cảng tạm để đưa đón khách du lịch là một việc làm nhằm tạo thuận lợi hơn cho du khách tham quan du lịch Điệp Sơn, theo chu kỳ của thủy triều và vị trí địa lý của khu vực. Vì toàn khu vực Điệp Sơn chỉ làm một cầu cảng đón khách du lịch tại Hòn Điệp thì các du khách muốn đến tham quan Hòn Ó, Hòn Quạ cùng các điểm du lịch khác sẽ không có đường đi khi thủy triều lên", bà Đào Thị Long, chủ doanh nghiệp Công ty Nha Trang Đông Đô chia sẻ.

Bà Long trao đổi thêm, trong khi công ty bắt đầu chính thức khai thác du lịch vào tháng 9/2017, đến cuối tháng 10/2017 UBND tỉnh Khánh Hòa ra thông báo số 729 TB/UBND chỉ đạo không cho sử dụng bến tạm vào khu du lịch mà yêu cầu các Công ty du lịch phải đón trả khách tại bến đò dân sinh Hòn Bịp tại khu du lịch Điệp Sơn, gây khó khăn trong hoạt động du lịch của doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh Khánh Hòa cần có điều chỉnh phù hợp để các doanh nghiệp du lịch tại Điệp Sơn hoạt động hiệu quả và tạo thuận lợi cho việc đưa đón khách đến tham quan du lịch ngày càng phát triển góp phần nâng cao đời sống nhân dân địa phương.

TẤN NGHĨA-NGỌC MINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/can-cho-xay-dung-cau-cang-tam-de-dua-don-khach-du-lich-o-diep-son-d76080.html