Trên đỉnh Pò Hèn

Vượt gần 400km từ Thủ đô Hà Nội theo đường tuần tra biên giới từ Cửa khẩu Bắc Phong Sinh trong cơn mưa phùn và cái lạnh se sắt của những ngày đầu đông, chúng tôi tìm đến thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái (Quảng Ninh).

Những mệt mỏi của hành trình dài như tan biến khi chúng tôi gặp nụ cười đôn hậu và tràn đầy nhiệt huyết của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn (đồn Pò Hèn), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ninh. Đây là đồn biên phòng có vị trí đóng quân xa nhất trên tuyến biên giới Quảng Ninh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn hội ý, thống nhất công tác đón tiếp khách đến thăm viếng Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn. Ảnh: BẢO LINH

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn hội ý, thống nhất công tác đón tiếp khách đến thăm viếng Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn. Ảnh: BẢO LINH

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là thăm viếng Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử đồn Pò Hèn. Quyện trong khói hương thành kính là lời kể đầy tự hào của Thiếu tá Mai Văn Thể, Chính trị viên đồn Pò Hèn về thành tích, chiến công của đồng đội. Trong suốt 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đồn Biên phòng Pò Hèn (1959-2019), có không ít tập thể, cá nhân tiêu biểu, lập nhiều chiến công xuất sắc. Những cái tên như: Trung úy, Phó đồn trưởng Ðỗ Sĩ Họa; Hạ sĩ, Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Chuyên; Binh nhất Nông Văn Điều, Hoàng Văn Lò... đã đi vào lịch sử của đơn vị bởi quyết tâm, lòng dũng cảm và bản lĩnh anh hùng cách mạng.

Sau này, đồn Pò Hèn chuyển địa điểm đóng quân. Tại vị trí cũ, trên tổng diện tích 86.304m2, Khu di tích lịch sử đồn Pò Hèn được xây dựng để ghi dấu một sự kiện không thể nào quên cách đây 40 năm. Đồng thời, đây cũng là nơi khắc ghi, tôn vinh những chiến công của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Quảng Ninh, những công nhân lâm trường Hải Sơn, nhân viên thương nghiệp cụm Pò Hèn đã sẵn sàng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ. Di tích lịch sử đồn Pò Hèn được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 23-1-2004. Sau nhiều lần cải tạo, nâng cấp, đặc biệt là nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống BĐBP (3-3-1959 / 3-3-2019), 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3-3-1989 / 3-3-2019), bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, khu di tích đã được tôn tạo lớn, gồm nhiều hạng mục, như: Cổng chào, nhà đón tiếp, cảnh quan xung quanh... và trung tâm là Ðài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn bên Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: VIỆT HÀ

Ðài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn có kiến trúc đài tháp với đường nét, kiểu dáng hiện đại trong không gian linh thiêng. Mặt đài quay về phương Bắc, cách Cửa khẩu Hải Sơn khoảng 100m theo đường chim bay. Đài cao 16m bằng bê tông, ốp đá xung quanh với hình tượng ba bàn tay chụm vào nhau, tượng trưng cho ba dân tộc Kinh, Dao, Sán Chỉ cùng sinh sống tại đây. Hai bên đài tưởng niệm là hai nhà bia bằng đá xanh nguyên khối, khắc tên 86 cán bộ, chiến sĩ, người lao động đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Bà Lại Thị Hẹn (sinh năm 1952), nguyên là thanh niên xung phong Trung đoàn 371, hiện sinh sống tại thôn Pò Hèn cho biết: “Năm 1978, tôi rời quê hương Thủy Nguyên, Hải Phòng lên đây công tác rồi gắn bó với mảnh đất này từ đó. Tận mắt chứng kiến những gian khổ, hy sinh của BĐBP, của bạn bè tôi ở đơn vị trong quá khứ và hiện tại, tôi càng quyết tâm bám đất, bám vùng biên. Hằng năm, thấy nhiều đoàn khách từ Trung ương đến địa phương về dâng hương tưởng niệm, tôi tin rằng những gian lao, vất vả của chúng tôi luôn được tri ân và trân trọng”.

Đồn Biên phòng 209 năm xưa-Khu di tích lịch sử đồn Pò Hèn hôm nay là một trong những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc. Đại úy, Phó đồn trưởng Hoàng Minh Tuấn cho biết: “Hiện nay, khu di tích là một trong 12 điểm du lịch của TP Móng Cái. 40 năm nay, chúng tôi đã chăm sóc, nhang khói cho đồng đội, nghĩa tình sâu đậm”.

Được biết, hằng ngày, đồn Pò Hèn đều cử cán bộ, chiến sĩ chốt trực đêm ngày tại căn nhà nhỏ nằm trong khuôn viên khu tưởng niệm và dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ngày Rằm, mồng Một hằng tháng hoặc dịp lễ, tết. Ngắm nhìn khu tưởng niệm khang trang, cây cỏ cắt tỉa gọn gàng, hai hàng tùng xanh tươi từ cổng vào như hai hàng tiêu binh mới thấy công sức của cán bộ, chiến sĩ đồn Pò Hèn. Chúng tôi tin rằng dù còn gian khó, nhưng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn sẵn sàng khắc phục, nỗ lực vượt qua để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước vì sự bình yên, no ấm nơi địa đầu biên cương cực Bắc này.

BÍCH TRANG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tren-dinh-po-hen-566412