Trên công trường xây dựng các công trình, dự án

Những ngày đầu năm, chúng tôi có dịp trở lại các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu tiến độ xây dựng. Từ công trình xây dựng nhà máy nhiệt điện đến công trình đường giao thông, dự án công nghiệp..., các nhà thầu đang tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành, đưa công trình vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Thi công Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 do liên doanh Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc), đầu tư theo hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), với 2 tổ máy, tổng công suất 1.200 MW. Tổng vốn đầu tư của dự án 2,79 tỷ USD, triển khai thi công từ tháng 8–2018 và dự kiến hoàn thành tháng 7–2022. Được đầu tư xây dựng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế khu vực phía Bắc, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có 2 nồi hơi siêu tới hạn, tua bin hiệu suất cao và hai tổ máy phát điện. Hai tổ máy sẽ được xây dựng song song nhưng độc lập, tạo tính linh hoạt và mang lại hiệu quả cao hơn. Thời gian qua, các nhà thầu đang tập trung thi công các hạng mục chủ yếu của công trình và hiện tiến độ thi công bảo đảm theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Dự án đường từ TP Thanh Hóa nối với đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 được phê duyệt là 499 tỷ đồng; diện tích chiếm dụng của dự án 34 ha; trong đó, phần đất lúa 25 ha. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành. Thực hiện chỉ đạo của chủ đầu tư là Sở Giao thông – Vận tải, khi có mặt bằng đến đâu, các nhà thầu đã huy động nhân lực, thiết bị, xe, máy triển khai thi công ngay đến đó và tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công. Nhà thầu bố trí các mũi thi công trải dài trên địa bàn TP Thanh Hóa, các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn. Hiện khoảng hơn 85% chiều dài tuyến đường đã được các nhà thầu bóc đất phong hóa, đắp đất và lu lèn nền đường. Anh Dương Mạnh Hùng, Giám đốc Xí nghiệp 1, Tổng Công ty CP Đầu tư xây dựng Minh Tuấn, Chỉ huy trưởng công trường, cho biết: Doanh nghiệp trúng thầu thi công 2 gói thầu của dự án đường từ TP Thanh Hóa nối với tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, qua TP Thanh Hóa và huyện Triệu Sơn, giá trị trúng thầu 104,7 tỷ đồng. Khi địa phương bàn giao mặt bằng đến đâu, doanh nghiệp huy động nhân lực, xe, máy, thiết bị thi công 2 gói thầu ngay đến đó và hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng thi công theo đúng thiết kế.

Thi công đường từ TP Thanh Hóa nối với đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn qua huyện Đông Sơn.

Đến hết năm 2019, khối lượng xây lắp dự án đường từ TP Thanh Hóa nối với đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn đạt 58 tỷ đồng/285 tỷ đồng. Vốn đã giao cho dự án 165 tỷ đồng/499 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch; trong đó, phần do Sở Giao thông – Vận tải làm chủ đầu tư 88,6 tỷ đồng/358 tỷ đồng, đạt 24%; đã giải ngân 74,7 tỷ đồng/86,6 tỷ đồng, đạt 86%.

Ngày 24-5-2019 UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án dây chuyền 1 Nhà máy Xi măng Đại Dương, tại xã Tân Trường (Tĩnh Gia). UBND huyện Tĩnh Gia, UBND xã Tân Trường đã triển khai và hoàn thành công tác trích đo bản đồ dự án. Đồng thời, tổ chức họp triển khai dự án đến các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, các đoàn thể chính trị - xã hội của xã Tân Trường. Việc triển khai tích cực của hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cùng xã Tân Trường; sự đồng thuận, ủng hộ của các hộ dân bị ảnh hưởng nên hiện công tác GPMB phục vụ dự án đã cơ bản hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Đồng chí Trần Quốc Thanh, Trưởng Ban Quản lý Dự án Nhà máy Xi măng Đại Dương, cho biết: Nhà máy đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng, công suất 2,3 triệu tấn xi măng/năm. Chủ đầu tư xác định thời gian hoàn thành xây dựng, đưa nhà máy vào sản xuất là 18 tháng. Hiện công tác GPMB phục vụ dự án của huyện Tĩnh Gia đã cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện về mặt bằng để triển khai xây dựng nhà máy. Đi đôi với đó, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đang trình thẩm định thiết kế nhà máy... Chủ đầu tư đang huy động lao động, máy móc thi công 3 ca/ngày san lấp mặt bằng nhà máy để bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Những năm qua, tỉnh luôn ưu tiên thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Trong quá trình đầu tư, các địa phương có dự án xây dựng trên địa bàn đã tuyên truyền, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng sớm bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án bảo đảm hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Bài và ảnh: Xuân Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tren-cong-truong-xay-dung-cac-cong-trinh-du-an/113418.htm