Trên 70 nghìn tỷ đồng cam kết đầu tư vào Đắk Lắk

(ĐCSVN) – Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung tuy có nhiều lợi thế, song đến nay vẫn còn là địa bàn khó khăn, nhiều lĩnh vực vẫn còn ở mức tiềm năng chứ chưa hiện thực hóa trở thành động lực phát triển. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành hoàn thiện thể chế pháp luật, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp…

Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019, diễn ra tại TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sáng 10/3.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Đắk Lắk là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là trung tâm vùng Tây Nguyên, có diện tích đứng thứ 4 cả nước với hơn 370 ngàn ha đất đỏ bazan phì nhiêu thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu; là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng trong và ngoài nước.

Cùng với đó, Đắk Lắk có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào với hơn 1,1 triệu lao động; đồng thời, đây cũng là địa phương có cộng đồng dân tộc giàu bản sắc văn hóa với 47 dân tộc anh em cùng chung sống và tài nguyên du lịch đa dạng.

Bên cạnh những tiềm năng và thuận lời trên, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, địa phương này còn có kết cấu hạ tầng giao thông khá đồng bộ, kết nối với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, giúp cho việc giao thương của Đắk Lắk ngày càng thuận lợi hơn.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Trong những năm qua, Đắk Lắk đã đạt được những thành tựu kinh tế- xã hội rất đáng ghi nhận. Đặc biệt, địa phương đã vượt qua những khó khăn, hạn chế nội tại; trong đó từ năm 2014 đến nay, Đắk Lắk đã thu hút được 294 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 25 ngàn tỷ đồng. Hầu hết các dự án được đầu tư đều đúng trọng điểm, đúng định hướng về phát triển nông nghiệp, năng lượng tái tạo, hạ tầng đô thị và phát triển các cơ sở giáo dục, y tế. Sự thành công trong thu hút đầu tư đã góp phần vào tăng trưởng bình quân các năm gần đây của địa phương đạt khoảng 8,5 đến 9%.

Theo ghi nhận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, năm 2018 tình kình kinh tế- xã hội của Đắk Lắk tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, chuyển biến tích cực và đạt kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tăng trưởng kinh tế đạt 7,82%, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước thực hiện trên 51 nghìn tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,1 triệu đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, tăng 21,73% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 600 triệu USD, tăng 4,35% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Có 950 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới, tăng 3,37% so với cùng kỳ. Đến năm 2018, toàn tỉnh có 8.200 doanh nghiệp đang hoạt động. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 2,51% so với cuối năm 2017…

Thay mặt Đảng, Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã biểu dương, đánh giá cao những cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk; đồng thời hoan nghênh sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư vào Đắk Lắk. Trên cơ sở những kết quả kể trên, đồng chí Trương Hòa Bình cũng bày tỏ kỳ vọng vào sự quyết tâm đầu tư của các doanh nghiệp và sự hợp tác của tỉnh. “Đây là chìa khóa để Đắk lắk tiếp tục vươn lên, đạt nhiều thành tựu mới về kinh tế- xã hội trong thời gian tới”- Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình bày tỏ.

Khẳng định về định hướng phát triển của Đắk Lắk trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đặt ra câu hỏi: “Đắk Lắk cần phải làm gì để thu hút đầu tư hướng tới trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu vùng Tây Nguyên ?”.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng cho rằng: “Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững và hiện đã trở thành thủ phủ về cà phê của Tây Nguyên, là trọng điểm cho phát triển công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng đang còn nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp tái tạo, du lịch, dịch vụ… Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thực tế, hiện Đắk Lắk vẫn là một tỉnh còn khó khăn trong lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lựu, thu hút đầu tư… Đặc biệt, hiện địa phương cũng đang đứng trước thách thức lớn về biến đổi khí hậu trong khi nguồn lực cho phát triển rất hạn chế”.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn, sắp tới Đắk Lắk phải tiếp tục đổi mới tư duy cùng với tầm nhìn mới và trên hết là khát vọng, nhiệt huyết vươn lên phải được lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc địa phương, qua đó tạo nguồn sinh khí mới, bứt phá, đổi mới sang tạo, tạo xung lực mới để túc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, dứt khoát không để tụt hậu so với cả nước; song song với việc khai thác, phát huy hiệu quả những tiềm năng to lớn về điều kiện tự nhiên, con người Đắk Lắk.

“Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là Đắk Lắk cần phải khẳng định lại mình, với tâm thế là một tỉnh lớn của cả nước, là thủ phủ cà phê nổi tiếng không chỉ của Việt Nam mà cả với thế giới. Đắk Lắk phải nỗ lực vươn lên với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn mức tăng trưởng của cả nước; với thu nhập bình quân đầu người ngang bằng cả nước nhưng phải bảo đảm bền vững không để quên vấn đề là an sinh xã hội. Để đạt được mục tiêu này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk cần phải luôn tự tìm tòi, sáng tạo, học hỏi để có cách làm mới quyết liệt, tạo nên những bứt phá mạnh hơn”- Phó Thủ tướng lưu ý.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị, đại diện các Bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện các doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khao học, doanh nhân trong và ngoài nước đã có nhiều ý kiến trao đổi, đề xuất những chủ trương, chính sách giúp Đắk Lắk và Tây nguyên đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển toàn diện và bền vững trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương và vùng.

Đồng thời, Hội nghị cũng đã chứng kiến đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương ký kết các văn bản ghi nhớ, hợp tác đầu tư vào Đắk Lắk; đồng thời, đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cũng đã trao quyết định đầu tư cho 13 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 14 ngàn tỷ đồng; trao 19 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào Đắk Lắk với tổng giá trị cam kết trên 57 nghìn tỷ đồng./.

Đình Tăng

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/tren-70-nghin-ty-dong-cam-ket-dau-tu-vao-dak-lak-515655.html