Trên 70% điều dưỡng bị bạo hành tại nơi làm việc

Đây chỉ là nghiên cứu thực trạng bạo lực bệnh viện đối với điều dưỡng và một số yếu tố ảnh hưởng tại BV Nhi Trung ương năm 2017. Nghiên cứu này phần nào phản ánh thực trạng bạo hành nhân viên y tế hiện nay.

Điều dưỡng chịu nhiều áp lực trong công việc

Theo nghiên cứu thực trạng bạo lực bệnh viện đối với điều dưỡng và một số yếu tố ảnh hưởng tại BV Nhi Trung ương năm 2017: 72,7% điều dưỡng bị bạo lực trong 12 tháng qua; 65,3% điều dưỡng bị bạo lực lời nói và 23,7% điều dưỡng bị bạo lực thể chất. Đặc biệt, 42% điều dưỡng viên của bệnh viện bị mắc stress vì công việc.

Nghiên cứu được khảo sát trên 300 đối tượng là các điều dưỡng làm việc tại các khoa lâm sàng của BV Nhi Trung ương.

Kết quả nghiên cứu nhận được nhiều chia sẻ của điều dưỡng như: "Từ ngày đi làm, tôi chủ yếu thấy nhân viên bị chửi bới, đe dọa thôi" hoặc một điều dưỡng khác thì nói "Tôi thấy đa phần người nhà bệnh nhân chửi bới là chính" hoặc "Tôi thấy khu vực cấp cứu và khu phòng khám hay bị hành hung và chửi bới lắm"...

Ngoài nỗi lo bạo hành, điều dưỡng còn gặp phải vấn đề về stress. Có tới 42% điều dưỡng viên của bệnh viện bị mắc stress. Đáng chú ý, tỷ lệ điều dưỡng viên tại BV Nhi Trung ương bị mắc stress theo nghiên cứu này cao so với một số bệnh viện tại khu vực Hà Nội cũng như trên cả nước. Các điều dưỡng viên làm việc tại các khu vực khám bệnh và chịu đựng độ ồn cao hơn so với các điều dưỡng viên khác.

Điều dưỡng hiện là một ngành chịu nhiều áp lực cả trên phương diện thể chất và tinh thần. Tỷ lệ mắc stress ở điều dưỡng viên cao không chỉ làm suy giảm sức khỏe của điều dưỡng viên về thể chất lẫn tinh thần mà còn có thể gây ra một số hành vi không tốt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh.

Bà Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam - từng chia sẻ: Nhân viên y tế gặp rất nhiều áp lực, về chuyên môn, luôn phải tỉ mỉ, chính xác, đảm bảo an toàn và tính mạng cho người dân. Cần có sự vào cuộc tích cực hơn của các cấp các ngành; đồng thời, người dân cũng cần nâng cao ý thức để cán bộ y tế được làm việc trong một môi trường an lành.

Ths Cao Hưng Thái - Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho rằng: Về tình trạng bạo hành nhân viên y tế, nguyên nhân hết sức quan trọng là nhận thức và văn hóa ứng xử của cả nhân viên y tế và người nhà là không đẹp. Cơ sở vật chất của các cơ sở y tế vẫn còn khó khăn, trong khi đó mong muốn của người bệnh là được điều trị nhanh hơn. Đối tượng phục vụ của nhân viên y tế hết sức đa dạng. Nhân viên y tế phải làm quá sức, thêm giờ, nên hết sức mệt mỏi. Khi xảy ra những vụ việc như vậy, nhân viên y tế là người yếu thế, họ chẳng có gì trong tay. Ngoài ra còn ra hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có những chế tài đủ sức để răn đe.

L.Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/tren-70-dieu-duong-bi-bao-hanh-tai-noi-lam-viec-600167.ldo