Trên 100 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Vĩnh Long hiện có trên 25.000 người dân tộc Khmer sinh sống, tập trung nhiều ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và thị xã Bình Minh. Trong đó, có 2 xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn là xã Tân Mỹ (huyện Trà Ôn) và xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình). Những năm qua, nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách và dự án đầu tư phát triển, đời sống đồng bào Khmer của tỉnh Vĩnh Long đã thay đổi đáng kể.

Những chính sách thiết thực được triển khai kịp thời đã mang lại rõ rệt, đã khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn đóng góp cho địa phương, từ đó góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tính đến cuối năm 2022, theo tiêu chí đa chiều Vĩnh Long còn 5.906 hộ nghèo (chiếm 2,01%), hộ cận nghèo còn 10.046 hộ (chiếm 3,42%); trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 936 hộ (chiếm 10,12 % so với hộ dân tộc thiểu số), hộ cận nghèo dân tộc thiểu số là 886 (chiếm 9,57% so với hộ dân tộc thiểu số).

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh: Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, Vĩnh Long được triển khai thực hiện 8 dự án, với tổng kinh phí thực hiện trên 103 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 83,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương là trên 13 tỷ đồng, vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội là trên 4 tỷ đồng, vốn huy động khác là 2 tỷ đồng.

Tuyến đường nông thôn ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ (huyện Trà Ôn)được bê tông hóa từ nguồn vốn Chương trình 135. Ảnh Phương Nghi

“Chương trình đề ra các mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 2% năm; trên 50% số xã ra khỏi đặc biệt khó khăn; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa; duy trì hộ dân nông thôn (vùng đồng bào dân tộc thiểu số) sử dụng nước hợp vệ sinh trên 99%; 100% người DTTS từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông; có 70% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; có 50% ấp có đội văn nghệ (hoặc câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng...” – bà Quyên Thanh nói.

Bên cạnh những chính sách, chương trình của Trung ương, Vĩnh Long chủ động thực hiện một số chính sách đặc thù của tỉnh từ nguồn kinh phí xã hội hóa, kịp thời giải quyết khó khăn và nhu cầu về nhà ở, vốn sản xuất cho đồng bào DTTS.

Phương Nghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/tren-100-ty-dong-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-i311516/