Trẻ vào mùa tựu trường, cha mẹ lưu ý những căn bệnh hay gặp để bé có sức khỏe tốt nhất cho năm học mới

Tháng 9 là thời điểm trẻ quay lại trường. Đây cũng là lúc mà dịch bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát.

Cha mẹ cần làm gì để tránh bệnh cho con?

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, vào tháng 9, trẻ bắt đầu đi học trở lại nên cha mẹ cẩn phải đề phòng nguy cơ bệnh truyền nhiễm đặc biệt là tay – chân – miệng. Bệnh lưu hành quanh năm nhưng tăng mạnh vào tháng 3-5 và tháng 9-10, bệnh lây lan nhanh và dễ trở thành ổ dịch lớn.

Khi trẻ mắc bệnh sẽ có triệu chứng sốt, nổi mụn nước ở vị trí họng, quanh miệng, lòng bàn ta, chân, mông, đầu gối. Đa phần trẻ bị tay – chân – miệng có thể chăm sóc theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế tại nhà. Tuy nhiên, có những trường hợp trẻ mắc bệnh tự diễn biến nặng thì cần phải nhập viện điều trị để tránh biến chứng sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi…

Thường xuyên rửa tay, uống đủ nước, ăn đủ chất giúp trẻ phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả.

“Bệnh tay – chân – miệng hiện nay chưa có vắc xin phòng ngừa, nên ngăn ngừa bệnh bằng cách vệ tay sạch sẽ cho trẻ nhỏ cần phải luôn đảm bảo rửa tay đúng cách cho trẻ nhỏ. Cha mẹ cần phải nhớ rửa tay sạch sẽ cho trẻ trước khi ăn, sau khi từ lớp trở về nhà. Ngoài rửa tay cho trẻ, các bậc phụ huynh cần phải nhớ rửa tay cho bản thân để không truyền mầm bệnh cho trẻ, cần cho trẻ uống đủ nước, ăn đủ dinh dưỡng để có sức đề kháng tốt. Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh để tránh lây lan. Đặc biệt cần lưu ý khi trẻ mắc bệnh cần báo với giáo viên, giáo viên cần phải vệ sinh lớp học”, bác sĩ Khanh nói.

Cảnh giác với biến chứng khi chăm sóc trẻ

Th.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương cho hay: “Khi chăm sóc trẻ bị tay-chân-miệng tại nhà cần phải lưu ý trẻ bị tổn thương niêm mạc miệng nên khi ăn sẽ rất đau, dẫn tới trẻ sợ ăn và ăn kém có thể hạ đường huyết. Cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như cháo loãng, cháo xay, sữa và đảm bảo ăn chín uống sôi, các vật dụng trẻ ăn phải đảm bảo được rửa thật sạch”.

Trẻ bị bệnh vẫn cần phải tắm thường xuyên để tránh bội nhiễm, nên tắm cho trẻ bằng các loại lá có tính sát trùng nhẹ như lá chân vịt, lá chè xanh. Khi trẻ bị mắc bệnh, cha mẹ cần hạn chế người tới thăm hỏi để tránh truyền mầm bệnh và tăng nguy cơ trẻ bị bội nhiễm.

Khi chăm sóc con bị bệnh, nếu thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng sau: quấy khóc dai dẳng, trẻ sốt cao không hạ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt, trẻ có dấu hiệu giật mình cần phải nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Những triệu chứng trên rất có thể báo hiệu trẻ bị tình trạng nhiễm độc thần kinh gây ra. Nếu cha mẹ không phát hiện sớm và đưa trẻ đi điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ thậm chí là tử vong.

Phòng bệnh bằng những cách đơn giản sau:

Người lớn và trẻ nhỏ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày.

Đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh ăn chín, uống sôi. Không dùng chung các vật dụng ăn uống như cốc, bát, thìa, đũa…

Thường xuyên vệ sinh lau sạch đồ chơi, dụng cụ học tập của trẻ

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Ngọc Minh

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/song-khoe/tre-vao-mua-tuu-truong-cha-me-luu-y-nhung-can-benh-hay-gap-de-be-co-suc-khoe-tot-nhat-cho-nam-hoc-moi-20180831134737299.htm