Trẻ từng ăn 'thịt bẩn, gà thối' ở trường mầm non Bắc Ninh: Phụ huynh bật khóc khi cả hai con nhiễm sán lợn

Sau xét nghiệm, đã có tổng cộng 57 trẻ ở xã Thanh Khương dương tính với sán lợn.

Liên quan đến sự việc hàng trăm học sinh mầm non trên địa bàn hai xã Mão Điền và Thanh Khương (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) xuống Hà Nội thăm khám, xét nghiệm vì nghi ăn phải thịt lợn nhiễm sán, chiều 15/3, các cơ sở y tế đã có thông tin chính thức về vấn đề này.

Theo thống kê tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tính đến thời điểm 15h chiều 15/3 đã có 44/173 trẻ tại hai xã trên đến khám cho kết quả dương tính với sán lợn.

Còn tại Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương (Viện Ký sinh trùng), ông Nguyễn Quang Thiều – Phó viện trưởng cho biết, trong ngày hôm nay có 135 cháu ở 2 xã trên đến khám và có 13 cháu dương tính với kháng thể sán lợn. Như vậy, cả 2 cơ sở khám chữa bệnh trên xác định có tổng cộng 57 cháu có dương tính với sán lợn.

Đông trẻ nhỏ và phụ huynh tập trung tại sảnh khu khám bệnh của Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương chờ kết quả xét nghiệm. (Ảnh: Phạm Quý)

Đông trẻ nhỏ và phụ huynh tập trung tại sảnh khu khám bệnh của Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương chờ kết quả xét nghiệm. (Ảnh: Phạm Quý)

Đưa con đến Viện Ký sinh trùng khám từ 4 giờ sáng, chị H. (26 tuổi, trú tại xã Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh) bàng hoàng khi kết quả cho thấy cả hai con đều có kết quả dương tính với sán lợn.

“Tôi thực sự sốc và hoang mang với kết quả này. Thân phụ nữ một thân một mình chăm ba đứa con, chồng lại đi làm tận trong Nam, giờ đây hai còn đều dương tính, tôi không biết phải làm sao”, chị H. vừa khóc vừa nói.

Nhiều trẻ mệt mỏi, ngủ luôn trên tay bố mẹ. (Ảnh: Phạm Quý)

Cũng có cháu bị dương tính với sán lợn, ông D.V.K. tỏ ra khá lo lắng khi cầm giấy xét nghiệm trên tay.

“Tay chân tôi run lên. Mặc dù trước đó hy vọng cháu sẽ không phải nhận kết quả này, nhưng quả thực là quá sốc, ngoài sức tưởng tượng. Tôi không biết phải làm thế nào để chữa trị cho cháu nhà tôi để cháu không bị ảnh hưởng tới sức khỏe sau này”, ông K. lo lắng nói.

Theo các bác sĩ, việc nhiễm sán lợn có nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau, nhưng đều thông qua đường ăn uống. Đó là ăn rau sống có ấu trùng sán lợn và ăn thịt tái, sống có sán lợn trưởng thành.

Để điều trị đối với những trường hợp dương tính với sán lợn, các bác sĩ sẽ tùy vào tình trạng bệnh và thể trạng của từng bệnh nhân để cho thuốc về điều trị hoặc cho điều trị nội trú.

Nhằm đảm bảo tốt công tác khám bệnh và giúp đỡ, phục vụ nhân dân, theo ông Nguyễn Quang Thiều – Phó Viện trưởng Viện Ký sinh trùng cho biết, ngay hôm nay, viện đã bố trí thêm nhân lực gồm 6 bác sĩ và một số các nhân viên, y tá túc trực hỗ trợ cho nhân dân tới thăm khám, thuận tiện.

Tuy nhiên, do có quá đông số trẻ đến khám, nên kết quả sẽ có muộn hơn mọi ngày. Dự kiến số lượng người dân đến khám sẽ còn gia tăng trong những ngày tới, vì thế lãnh đạo viện đã có chỉ đạo tăng cường nhân lực và thiết bị để sẵn sàng phục vụ người dân kể cả vào ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật.

Cũng theo ông Thiều, người dân không nên quá lo lắng, chỉ cần vệ sinh sạch sẽ, ăn chín, uống sôi, tránh xa đồ tái, chín, kể cả rau sống là có thể phòng bệnh một cách tốt nhất

Ngoài ra, đối với những loại thịt lợn mắc bệnh, nếu có chứa ấu trùng sán lợn nhưng được nấu chín thì cũng không thể nhiễm sán lợn được.

“Sán lợn sẽ bị tiêu diệt khi được nấu chín ở nhiệt độ cao trên 80 độ C. Vì thế, nếu thịt lợn bệnh được nấu chín với nhiệt độ cao thì sán cũng bị tiêu diệt”, ông Thiều nói.

Video: Nghi nhiễm sán lợn, hơn 400 học sinh trường mầm non ở Bắc Ninh lên Hà Nội khám

Phạm Quý

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tre-tung-an-thit-ban-ga-thoi-o-truong-mam-non-bac-ninh-phu-huynh-bat-khoc-khi-ca-hai-con-nhiem-san-lon-d463265.html