Trẻ tự kỷ cần gì ở chúng ta?

GN - Hoang mang, lạc lõng, mơ hồ, ... là những cảm giác mà bất kỳ gia đình nào có con em bị tự kỷ đều phải trải qua. Trong suốt hành trình khó khăn đó, các bậc phụ huynh không ngừng đặt ra những câu hỏi: Phải làm sao, phải như thế nào để con mình tiến bộ?

Đó là nội dung buổi tọa đàm nhỏ được tổ chức tại Hội quán Các bà mẹ (số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM). Tại đây, những bậc phụ huynh trẻ có con tự kỷ, với sự dẫn dắt của Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Tuyết Nhung - chuyên viên ngữ âm trị liệu, dạy trực tiếp cho trẻ tự kỷ, tăng động và rối loạn ngôn ngữ đã trải lòng và cùng tìm đáp án cho hành trình nuôi dạy con.

Chìa khóa yêu thương

“Là người làm cha mẹ có con tự kỷ, mong ước mang đến thứ tốt đẹp nhất cho con mình, nhưng trước ‘bể thông tin’ rộng lớn, không biết đâu mới là điều tốt” - đây là nỗi lòng chung được không ít các phụ huynh chia sẻ.

Trước câu hỏi đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nhung đã nói về những giai đoạn mà mỗi phụ huynh có trẻ tự kỷ phải trải qua trong quá trình đồng hành cùng con. Đó là những cảm xúc từ hoang mang khi xác định và chấp nhận vấn đề của con, bối rối khi tìm kiếm phương pháp can thiệp phù hợp, cho đến lo lắng khi con bắt đầu xuất hiện sự thoái lui trong khi can thiệp. “Dù trong giai đoạn nào, phụ huynh cũng cần trang bị đúng kiến thức về các giai đoạn phát triển của con mình”, chị Nhung nhấn mạnh.

Những định hướng tốt cho con cũng được nêu ra trong cuộc thảo luận. Khi xác định được rằng con khác so với những trẻ khác, thay vì hoang mang, dành quá nhiều thời gian vào cảm xúc tiêu cực, “đào bới” những vấn đề như: “vì sao điều này lại xảy ra?”, trẻ tự kỷ cần cha mẹ của mình đưa đi sàng lọc sớm, để nhanh chóng tiến hành quá trình can thiệp. Đặc biệt, cha mẹ không nên nghe theo lời người xung quanh và tự chẩn đoán cho con tại nhà.

Thực trạng “có không ít trường hợp trẻ tự kỷ đến tham gia can thiệp đều mang tâm trạng rất xấu, xuất phát từ sự căng thẳng và áp lực của chính cha mẹ” được chị Nhung nhiều lần nhắc đến. Tâm lý chung của các phụ huynh bao giờ cũng muốn con mình trở nên tốt hơn nhưng lại không nắm được đúng mức độ tương tác với con, có người phó mặc con cho giáo viên can thiệp, người thì dành toàn bộ thời gian cho con để rồi nôn nóng, sốt ruột khi thấy con tiến bộ chậm, không được như bạn bè.

Từ đó, Thạc sĩ Tuyết Nhung chia sẻ kỹ năng: “Để can thiệp cho trẻ tự kỷ có rất nhiều phương pháp nhưng không có phương pháp nào là duy nhất, bởi điều áp dụng tốt cho trẻ này chưa chắc đã phù hợp với trẻ khác. Trẻ tự kỷ cần nhất là một cường độ can thiệp đúng và đủ, được cha mẹ trao cho khoảng không để tiến bộ. Trong khoảng không ấy không có bất kỳ sự gò bó, mong chờ hay kỳ vọng nào mà chỉ có lòng yêu thương, kiên nhẫn và lắng nghe vô hạn của cha mẹ”.

Hãy “khiêu vũ” cùng con

Nói về quá trình đồng hành cùng trẻ tự kỷ, anh Tấn Đạt - một người có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ tự kỷ chia sẻ về nguyên tắc khung mà bản thân anh đã đúc kết được. Nguyên tắc này được tạo thành bởi năm chữ cái, lần lượt tương ứng với “khám phá”, “hạnh phúc”, “thấu hiểu”, “niềm tin” và “gắn kết”.

Ở nguyên tắc đầu tiên - “khám phá”, anh Đạt cho rằng, thay vì bi quan hay trốn tránh trách nhiệm, phụ huynh nên chọn cách khám phá thế giới của trẻ tự kỷ, khám phá con đường mà mình sẽ đồng hành với con.

“Đừng xem tự kỷ là một cuộc đua, hãy xem nó là một điệu khiêu vũ mà chúng ta không thể nhảy một mình” - anh Đạt chia sẻ thêm. Đã là một điệu khiêu vũ thì tất nhiên không phải lúc nào cũng thẳng, sẽ có những lúc chúng ta sẽ xoay vòng, quay sang trái, sang phải, đôi khi sẽ là lùi lại, cũng giống như “giai đoạn thoái lui can thiệp” trong quá trình điều trị. Và chìa khóa ở đây nằm ở việc phụ huynh cần thực sự “khám phá” thế giới của con, để con trở thành người dẫn dắt trong điệu nhạc khiêu vũ.

"Mỗi đứa trẻ tự kỷ đều có một nhịp điệu riêng. Điều con cần là phụ huynh đồng hành cùng con trong điệu khiêu vũ đó bằng tất cả tình thương, sự bao dung, nhẫn nại" - Lê Tấn Đạt.

Mặt khác, cha mẹ không thể khiêu vũ trong sự lo lắng và bi quan. Con cần cha mẹ “hạnh phúc”, đó cũng là nguyên tắc thứ hai. Ngay khi bồng con trên tay thì điều đầu tiên mọi cha mẹ mong muốn là con sẽ hạnh phúc, vậy thì chính phụ huynh, những người sẽ đồng hành cùng con trên quãng đường dài phía trước cũng cần phải hạnh phúc, cần phải “thấu hiểu” và đặt “niềm tin” nơi con.

Trẻ tự kỷ có thế giới của mình, và với những hạn chế riêng, trẻ không thể nào tự mình kết nối bản thân với thế giới còn lại mà cha mẹ cần trở thành “cầu nối” cho trẻ. Sự gắn kết này không dừng lại ở việc giúp con hòa nhập vào cộng đồng mà còn gắn kết con với các điều kiện cần thiết để phát triển, gắn kết các bậc phụ huynh để học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau. Tất cả sẽ là nguồn hỗ trợ tuyệt vời cho quá trình can thiệp của trẻ.

Mở ra “chương sau” cho trẻ tự kỷ

Những phụ huynh có con bị tự kỷ cũng chia sẻ về cách khuyến khích con hòa nhập cộng đồng. Một phụ huynh trẻ tuổi đã trải lòng về quá trình đồng hành cùng con: “Tình thương của mình là nhẫn nại hướng dẫn con trong mọi việc. Khi con có thể pha các loại nước uống, vợ chồng mình tạo điều kiện để con kinh doanh một quầy nước nhỏ, cho con được học nghề. Những điều ấy có thể không phải là thành tựu lớn lao nhưng chính bản thân con trẻ đã tạo dựng được một giá trị của riêng mình, đã bắt đầu những bước tiến lớn trong hành trình phát triển”.

Chị Trần Thị Phương Hoàng, người mẹ có con mắc chứng tự kỷ 18 năm động viên, tiếp sức tinh thần đến các ông bố, bà mẹ:“Hồi xưa mình là một người nóng tính nhưng chính con lại dạy ngược cho mình, suốt một quá trình dài, con mình đã dạy cho mình về sự kiên nhẫn, yêu thương”.

Chị Trần Thị Phương Hoàng, người mẹ có con mắc chứng tự kỷ 18 năm, chia sẻ về phương pháp trị liệu cho con

Chị Trần Thị Phương Hoàng, người mẹ có con mắc chứng tự kỷ 18 năm, chia sẻ về phương pháp trị liệu cho con

Chia sẻ từ người trong cuộc tại buổi trò chuyện cũng giúp một số phụ huynh thông suốt và nhận ra vấn đề của mình, và sau đó thay đổi, chấp nhận cho con bước vào môi trường hòa nhập với cộng đồng. Có thể phụ huynh vẫn còn hoang mang nhưng chí ít, đã thấy lối ra, từ việc phải che giấu, để con ở trong nhà, mọi người dần trở trở nên cởi mở hơn, bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu nhiều phương pháp khác nhau để từng bước đưa con bước ra xã hội bên ngoài.

Điều quan trọng hơn sau tất cả, các phụ huynh được củng cố niềm tin, trẻ em tự kỷ hoàn toàn có cơ hội được hòa nhập cộng đồng, có được môi trường sinh hoạt, giao tiếp, hoạt động tiệm cận với trẻ em bình thường, và có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng. Nhờ đó mà cánh cửa hy vọng để trẻ tự kỷ có môi trường hòa nhập tốt đã được rộng mở hơn.

Một phụ huynh trẻ xin được giấu tên đã bộc bạch rằng: “Rất cần những buổi chia sẻ, giao lưu, truyền đạt kinh nghiệm như thế này. Dù cho chặng đường đi đến tương lai đó là năm năm, mười năm, hai mươi năm hay thậm chí là hơn thế, chỉ cần có người đồng hành và sự chia sẻ của xã hội, tôi tin những phụ huynh trẻ như tôi sẽ có động lực để chiến đấu cùng con đến cùng tận”.

Hải Hà - Hà Duyên

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/tre-tu-ky-can-gi-o-chung-ta-post56081.html