Trẻ tím tái khi khóc, dễ bị bệnh 10 bé mắc thì có 8 tử vong

Sau khi sinh, bé có biểu hiện tím tái khi quấy khóc, ít ngày sau thì khó thở, thở nhanh, bú kém, gia đình đã đưa bé đến BV. Các bác sĩ xác định bé bị tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn thể trên tim có tắc nghẽn bệnh lý tim mạch phức tạp.

Ngày 22/9, bác sĩ Nguyễn Lý Thịnh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch trẻ em (BV Nhi TƯ) cho biết, Trung tâm vừa cứu sống bệnh nhi P.H.H (2 tháng tuổi, quê ở Thái Bình) bị tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn thể trên tim có tắc nghẽn bệnh lý tim mạch phức tạp. Đây là bệnh lý tim bẩm sinh trầm trọng, nếu không được điều trị, trẻ sẽ sớm tử vong.

Gia đình cho biết, sau khi sinh, bé có biểu hiện tím tái khi quấy khóc nhưng không để ý vì cho rằng trẻ nhỏ ai cũng vậy. Ngày 2/9, thấy bé khó thở, thở nhanh, bú kém, gia đình đã đưa bé đến BV Đa khoa Thái Bình. Sau khi thăm khám, BV xác định bé có bệnh lý về tim bẩm sinh rất nặng nên chuyển cháu lên BV Nhi TƯ.

 Bệnh nhi đang được chăm sóc tại BV nhi TƯ

Bệnh nhi đang được chăm sóc tại BV nhi TƯ

Tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ tiến hành khám tim mạch và siêu âm tim. Bé được chẩn đoán tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn thể trên tim có tắc nghẽn nên chỉ định phẫu thuật.

Sau 4 tiếng thực hiện, ca mổ đã thành công. Một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhi đã được rút nội khí quản. Trẻ tự thở, bú tốt, các chỉ số về mạch trong giới hạn cho phép.

Bác sĩ Trường cho biết, bệnh tĩnh mạch phổi trở về bất thường hoàn toàn là bệnh lý nghiêm trọng. Phần lớn bệnh nhi không có biểu hiện bất thường khi chào đời, khoảng 50% sẽ xuất hiện các triệu chứng trong tháng đầu đời và hầu như tất cả trẻ sẽ có biểu hiện khi trên 1 tuổi.

Khi bị bệnh, trẻ có triệu chứng bệnh bao gồm: Suy tim ứ huyết (thở nhanh, ra mồ hôi, uể oải, cáu gắt, ăn kém, tăng trưởng kém) và xanh tím nhẹ ở môi và đầu ngón tay. Tắc nghẽn trên đường trở về của tĩnh mạch phổi có thể dẫn đến những rắc rối nặng về hô hấp như suy hô hấp, phù phổi.

Hiện nay, giải pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật tim hở. Thời điểm phẫu thuật phụ thuộc một phần vào việc có tắc nghẽn hay không. Nếu có tắc nghẽn, phẫu thuật phải được thực hiện ngay sau khi có chẩn đoán. Nếu không có tắc nghẽn, phẫu thuật nên được tiến hành trong 6 tháng đầu đời.

Nếu không điều trị, chỉ có khoảng 20% bệnh nhi sống đến 1 tuổi và 50% trong số này sống được trên 3 tuổi.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/khoe/tre-tim-tai-khi-khoc-de-bi-benh-10-be-mac-thi-co-8-tu-vong-post33002.html