Trẻ suýt tử vong vì dây nhựa quấn cổ, bác sĩ cảnh báo an toàn

Một bé trai tại Hà Nội mới đây đã suýt mất mạng chỉ vì nghịch vòng dây nhựa cho vào cổ và bị thắt chặt.

Báo Dân trí dẫn thông tin từ BSCKI Lưu Công Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, bệnh nhân là bé trai 6 tuổi (ở Thanh Trì, Hà Nội) được cô giáo và nhà trường đưa đến viện trong tình trạng tím tái, khó thở, vật vã kích thích.

Đáng nói, trên cổ của bệnh nhi có vết hằn đỏ và vẫn còn nguyên một dây nhựa thắt chặt vào cổ gây suy hô hấp cấp. Rất nhanh chóng các bác sĩ can thiệp cắt đứt vòng dây nhựa bé mới khỏi hoảng loạn và thở được bình thường.

Cũng theo bác sĩ Chính: "Tình trạng suy hô hấp do vòng dây thắt chặt này có thể khiến trẻ mất mạng vì không thở được”.

Cậu bé đã suýt mất mạng chỉ vì nghịch dại làm dây nhựa thắt cổ

Cô giáo đưa bệnh nhi đi cấp cứu cho biết, cô phát hiện khi thấy bé trai và các bạn học hoảng loạn vì bé bị vòng dây nhựa thắt chặt vào cổ. Nghe các bạn kể, trên đường đi học bạn trai này nhặt được một vòng dây nhựa và mang đến lớp. Sau đó, trẻ nghịch ngợm cho vòng dây vào cổ và bị thắt chặt cổ.

Khi đó, quá hoảng sợ, bé trai cùng các bạn càng cố gắng kéo dây thì dây càng thắt chặt khiến cậu bé khó thở, hoảng loạn, tím tái.

Bác sĩ Chính thông tin thêm, sau khi cắt đứt chiếc dây nhựa, giải phóng đường thở và cho trẻ thở oxy, trẻ tỉnh táo, ổn định ngay sau đó và được ra viện chiều cùng ngày.

Qua trường hợp trên, BS Chính cảnh báo, đặc điểm của vòng dây nhựa này là càng kéo càng thắt chặt, không thể nới lỏng và rất khó cắt dây nên càng cuống, càng dãy thì vòng dây càng thít chặt. Nếu gặp tình huống tương tự, phải bình tĩnh để cắt dây. Chú ý cắt đằng sau gáy để trẻ không hoảng loạn. Quan trọng nhất, mọi người nên nói chuyện, giúp trẻ nhận biết các nguy cơ để không nghịch dại, trong nhiều tình huống không cấp cứu kịp có thể đe dọa tính mạng trẻ.

Báo Tiền Phong đưa tin, tình trạng trẻ gặp tai nạn về đường thở từ trước tới nay không phải là hiếm gặp, nhất là hóc dị vật. Do đó, đối với tai nạn đường thở nói chung, cha mẹ nên biết rằng, khi trẻ bị tắc đường thở thường xuất hiện dấu hiệu tím tái, ho sặc sụa, trào nước mắt nước mũi, không phát âm hoặc không thể khóc thành tiếng, trẻ phải nắm lấy cổ của mình. Tình hình nguy cấp hơn nếu thấy môi và lưỡi trẻ bắt đầu tím tái và trẻ có thể bất tỉnh nếu vật tắc không lấy được ra. Ngay lúc này, các bậc cha mẹ cần bình tĩnh giúp trẻ thoát khỏi dị vật và áp dụng biện pháp sơ cấp cứu sau đó nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để khắc phục kịp thời.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tre-suyt-chet-vi-day-nhua-quan-co-bac-si-canh-bao-an-toan-d151782.html