Trẻ sốt sau tiêm vaccine ComBE Five là phản ứng thông thường

Đó là nhận định của bác sĩ BẠCH THÁI BÌNH, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai khi trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về tình hình tiêm phòng vaccine ComBE Five định kỳ cho trẻ em vừa được triển khai trên địa bàn Đồng Nai từ ngày 5 đến 10-1-2019.

Trẻ được tiêm vaccine ComBE Five tại Trạm y tế phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa. Ảnh: N.LIÊN

* Thưa bác sĩ, Đồng Nai vừa triển khai xong đợt tiêm chủng định kỳ cho trẻ. Đây là lần đầu tiên vaccine ComBE Five được đưa vào sử dụng thay thế vaccine cũ, bác sĩ có thể cho biết tình hình tiêm chủng vaccine trên địa bàn tỉnh diễn ra như thế nào?

- ComBE Five là loại vaccine 5 trong 1 do Ấn Độ sản xuất và được Bộ Y tế đưa vào sử dụng thay thế vaccine Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. ComBE Five phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Vaccine ComBE Five có thành phần và kỹ thuật tiêm giống như vaccine Quinvaxem trước đây nên cũng không có vấn đề quá đặc biệt khi triển khai trên địa bàn Đồng Nai.

Bác sĩ Bạch Thái Bình cho biết bạch hầu, ho gà là những bệnh rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Dù không có nguy cơ gây dịch bệnh quy mô lớn nhưng nếu có nhiều trẻ không được tiêm ngừa vaccine thì có thể sẽ bùng phát những dịch bệnh nhỏ. Do đó, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe cho bé.

Tuy nhiên, do là nhà sản xuất khác nên ngay từ đầu Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương có sự chuẩn bị kỹ. Sở Y tế đã có kế hoạch triển khai vaccine mới từ tháng 1-2019. Trước khi thực hiện tiêm vaccine mới cho trẻ, chúng tôi tổ chức tập huấn lại cho các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, cán bộ chuyên trách tiêm chủng mở rộng của các huyện; đồng thời chỉ đạo các trung tâm y tế huyện tập huấn cho các xã, phường, thị trấn về kỹ thuật tiêm cũng như phác đồ xử lý sốc phản vệ. Đây là những kỹ năng được tập huấn từ lâu, tuy nhiên để bảo đảm an toàn khi triển khai vaccine mới ngành Y tế vẫn tổ chức tập huấn lại.

Trong những ngày triển khai tiêm vaccine cho trẻ vừa qua, chúng tôi luôn có đoàn kiểm tra, giám sát tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh. Trước khi tiêm cho trẻ, các bác sĩ đều khám và tư vấn, hướng dẫn phụ huynh rất kỹ cách theo dõi, xử lý nếu trẻ có những biểu hiện phản ứng sau tiêm.

* Những trẻ được tiêm vaccine mới đến thời điểm này như thế nào, thưa bác sĩ?

- Tỉnh Đồng Nai được cấp 14,7 ngàn liều cho đợt tiêm chủng tháng 1-2019, đợt này chúng tôi ưu tiên cho 3 nhóm trẻ là 2, 3 và 4 tháng tuổi tiêm mũi ComBE Five đầu tiên, dự kiến có khoảng 13 ngàn trẻ cần tiêm trong đợt này.

Tất cả trẻ sau tiêm đều được giữ lại trạm để theo dõi 30 phút mới về nhà, đồng thời dặn dò phụ huynh tiếp tục chú ý theo dõi từ 24-48 tiếng nếu có biểu hiện bất thường thì đưa trẻ đến trạm y tế hoặc bệnh viện gần nhất.

Sau khi kết thúc đợt tiêm chủng vừa qua, ghi nhận sơ bộ có khoảng 8 ngàn trẻ được tiêm. Số trẻ được tiêm ít hơn dự kiến là do phụ huynh còn e ngại đối với vaccine mới và nhiều trường hợp trẻ được phụ huynh đưa đi tiêm dịch vụ.

Qua đợt tiêm chủng đầu tiên, có trên 170 trường hợp trẻ bị sốt sau tiêm, trong đó có 1 trường hợp sốt trên 39OC. Đây là những phản ứng thông thường, đều nằm trong khuyến cáo cũng như dự kiến của nhà sản xuất như: bị sưng vùng tiêm, sốt, quấy khóc. Tất cả những trường hợp sốt sau tiêm đều đã ổn định sức khỏe, không ghi nhận trường hợp nào đến mức nghiêm trọng (sốc phản vệ).

* Trước khi Đồng Nai triển khai tiêm vaccine ComBE Five, đã có rất nhiều thông tin trong cả nước về vaccine mới cũng như một số trường hợp phản ứng sau tiêm tại một số địa phương khiến phụ huynh e ngại trong việc cho trẻ tiêm vaccine mới. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

- Sau 30 năm thực hiện chương trình tiêm chủng quốc gia, chúng ta đã đạt được những kết quả rất tốt. Một số bệnh gần như được thanh toán là: bại liệt, uốn ván. Một số bệnh như: ho gà, bạch hầu… có số người mắc giảm xuống mức thấp nhất, cụ thể như bệnh ho gà chỉ ghi nhận một vài trường hợp/năm. Như vậy, nếu tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng cao thì sẽ không lây lan thành dịch, ngược lại nếu tỷ lệ miễn dịch cộng đồng thấp thì 1 ca bệnh có thể lây sang nhiều trường hợp khác thành dịch.

Theo đánh giá của ngành Y tế, muốn tiến tới loại trừ hoặc hạn chế các bệnh thì vẫn phải duy trì việc tiêm chủng. Do đó, để bảo vệ trẻ cũng như cộng đồng thì phụ huynh có con em trong độ tuổi tiêm chủng cần phải đưa đến các cơ sở y tế để được tiêm chủng. Nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng thấp thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại sẽ rất cao. Ví dụ đã có thời điểm bệnh sởi bùng phát trở lại, nguyên nhân là do tỷ lệ tiêm chủng giảm vào thời gian trước đó.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Ngọc Liên (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201901/tre-sot-sau-tiem-vaccine-combe-five-la-phan-ung-thong-thuong-2929359/