Trẻ sơ sinh mắc bệnh hiếm gặp, nguyên nhân do mẹ bầu

Bệnh zona gặp ở trẻ dưới 10 tuổi đã hiếm, nhưng zona ở bệnh nhân 5 tháng tuổi chưa từng mắc và chưa được tiêm chủng thủy đậu là một trường hợp hiếm gặp.

Trẻ so sinh mắc bệnh hiếm gặp, nguyên nhân do mẹ bầu

Trẻ so sinh mắc bệnh hiếm gặp, nguyên nhân do mẹ bầu

Tại BV Da liễu Hà Nội đã ghi nhận trường hợp bệnh nhi mắc bệnh này.

BSCKII. Lê Thị Chi Phương, BV Da liễu Hà Nội cho biết, zona là bệnh do virus Varicella zoster gây nên. Bệnh zona thường gặp ở những người đã từng mắc thủy đậu hoặc nhiễm virus huyết trước đó.

Trong đó, người lớn mắc bệnh là chủ yếu, chiếm tới 90% và hay gặp ở những người có suy giảm miễn dịch. Đặc biệt, bệnh rất hiếm gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi.

Đặc điểm của Zona là tổn thương thường bị lẻ một bên của cơ thể với những mụn nước, bọng nước mọc thành chùm, phân bố theo đường đi của dây thần kinh. Cảm giác đau tại nơi xuất hiện trước khi nổi mụn nước vài ngày.

Bệnh tiến triển lành và khỏi sau khoảng 2 tuần điều trị. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời bệnh biến chứng có thể gặp là đau sau zona, rối loạn và mất cảm giác, sẹo lõm, sẹo xấu…

Trả lời câu hỏi vì sao zona lại có thể gặp ở trẻ nhũ nhi dưới 12 tháng tuổi, BS Lê Thị Phương Chi cho rằng, sau khi sinh ra trẻ bị nhiễm Virus Varicellla Zoster tiên phát nhưng không biểu hiện bệnh hoặc có thể mắc bệnh thủy đậu từ trong bào thai (vì trên cơ thể trẻ có sẹo từ bọng nước cũ).

Theo đó, nếu phụ nữ mang thai 20 tuần đầu mắc thủy đậu có nguy cơ ảnh hưởng nặng và truyền virus cho thai nhi.

“Trẻ bị nhiễm virus huyết bẩm sinh từ mẹ và các virus này nằm ngủ trong các hạch thần kinh của tủy sống. Vì vậy trẻ đẻ ra không có biểu hiện của mắc bệnh thủy đậu nhưng lại có biểu bệnh zona ngay khi sức đề kháng suy giảm tức thời như sốt, tiêu chảy…”, BS Phương Chi giải thích.

Thông thường, khi mắc bệnh zona, trẻ sơ sinh sẽ nổi mẩn đỏ trên mặt, có cảm giác ngứa rát và rất khó chịu, mức độ ngứa và đau tăng dần theo thời gian. Nếu để lâu da trẻ sẽ xuất hiện mụn nước, tập trung thành từng vệt dài có đường kính khoảng 3 – 5 mm, nếu đưa tay gãy hay ấn mạnh vào có thể vỡ ra và để lại sẹo. Một số trẻ còn bị sốt cao (từ 38 – 40 độ), đau nhức toàn thân, chán ăn, mất ngủ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng ăn uống.

Khi mụn nước khô đóng thành vẩy nến, bong tróc ra ngoài sẽ để lại sẹo trên da, dễ gây nhiễm trùng da và máu. Nếu trẻ bị zona ở mắt hoặc vùng mặt, có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm về sau này như giảm thị lực, thính lực, thẩm mỹ khuôn mặt bị ảnh hưởng, tác động đến quá trình phát triển của trẻ.

Bệnh zona thần kinh ở trẻ em có thể để lại những di chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, để lại sẹo lớn… ảnh hưởng tới sức khỏe và ngoại hình của trẻ về sau. Vì thế, bố mẹ nên chủ động phòng bệnh và đưa trẻ đến ngay bác sĩ chuyên khoa khi có dấu hiệu bệnh để được chẩn đoán cũng như điều trị chính xác và hiệu quả nhất.

Theo BS Phương Chi, hướng điều trị thông thường sẽ là vệ sinh hàng ngày tại nơi xuất hiện Zona như bôi thuốc mỡ kháng sinh chống bội nhiễm và tránh để lại biến chứng sẹo lõm.

Đồng thời, các bác sĩ chuyên khoa cũng sẽ kê thuốc kháng virus, tăng sức đề kháng và khuyến cáo gia đình cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng.

Đáng lưu ý, bệnh zona ở trẻ em có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể của trẻ, có thể là liên sườn, đùi, gần mang tai, cổ, vai, bụng, mặt, lưng và thậm chí là hố mắt, gặp những vị trí hiểm thì sẽ gây ra khó khăn cho việc điều trị. Vì khả năng lây nhiễm và lan ra toàn bộ cơ thể của bệnh zona rất cao, do vậy những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Các bác sĩ cũng cảnh báo, gia đình nếu thấy các mụn nước mẩn lên tuyệt đối không chọc vỡ mà cần được đưa trẻ đi khám và theo dõi chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu nặng của bệnh như mụn nước bội nhiễm tấy đỏ, có mủ, xuất huyết và sốt cao…

Mặc dù zona ở trẻ em ít khi khởi phát, thế nhưng không phải vì thế mà phụ huynh có thể chủ quan. Chỉ cần là người đã từng bị thủy đậu thì nguy cơ phát triển thành zona hoàn toàn có thể xảy ra khi cơ thể suy yếu.

Do đó, để phòng ngừa hiệu quả bệnh zona, các bác sĩ khuyến cáo nên tiêm chủng đầy đủ cho trẻ các loại vắc xin cần thiết, đặc biệt là vắc xin phòng bệnh thủy đậu để ngừa zona thần kinh theo đúng độ tuổi cũng như sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa.

Tránh để trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh hay sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, khăn tắm, cốc uống nước, gối,… vì cơ chế bệnh có thể lây qua đường hô hấp và qua các giọt bắn của nước bọt.

Khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên trang bị đầy đủ cho trẻ một số vật dụng che chắn như nón, áo khoác, khẩu trang y tế, nhất là vào mùa mưa.

Ngoài ra, theo BS Phương Chi, phụ nữ có thai nên tiêm phòng Vaccin thủy đậu trước khi mang thai (nếu chưa từng mắc thủy đậu hoặc đã tiêm phòng trước đó 10 năm).

Đặc biệt, phụ nữ có thai không tiêm phòng mà bị mắc bệnh thủy đậu cần được điều trị bằng kháng virus theo đúng phác đồ càng sớm càng tốt để tránh nhiễm Virus cho thai nhi.

Huyền Anh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/vi-sao-tre-so-sinh-lai-co-the-mac-zona-62022.html