Trẻ răm rắp nghe lời là ẩn chứa những vấn đề tâm lý

Trẻ nghịch ngợm luôn sống thật với bản năng hồn nhiên, trong khi những đứa trẻ ngoan luôn răm rắp tuân lệnh, ngồi im một chỗ, lại ẩn chứa vấn đề tâm lý do cách giáo dục của bố mẹ.

“Nếu người nuôi dạy có thói quen la rầy trẻ mỗi khi trẻ tự ý làm (đặc biệt là hành vi đó có gây hậu quả dù nhỏ), trẻ sẽ phát sinh tâm lý sợ sai, sợ bị la mắng, dần dần triệt tiêu tính chủ động, dám thử, dám làm ở trẻ”, GS Nobuyoshi Hirai viết trong cuốn Giáo dục không la mắng.

Đòn roi, mắng nhiếc là biểu hiện của chủ nghĩa huấn luyện

Hãy thử tưởng tượng: Bạn trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, bỗng bắt gặp những dấu X thật lớn bằng mực đỏ vẽ đầy trên cửa ra vào, bạn sẽ giật mình chứ? Và khi biết rằng “chủ nhân” của những dấu X ấy là đứa trẻ trong nhà mình, bạn sẽ phản ứng ra sao?

Ngọn nguồn của những chữ X đầy táo bạo ấy bắt nguồn từ một câu chuyện trong Nghìn lẻ một đêm, kể về một người thông minh đã nhận ra dấu X mà tên cướp để lại trên một ngôi nhà nên đã đánh dấu X lên tất cả những căn nhà khác.

Nhiều phụ huynh rất có thể sẽ lập tức la mắng con mình đã bôi bẩn nhà cửa. Nhưng GS Nobuyoshi Hirai - tác giả của cuốn Giáo dục không la mắng - lại không làm vậy. Thay vào đó ông dành sự thấu hiểu và điều chỉnh hành vi để trẻ không lặp lại. Đó là cách ứng xử tiêu biểu cho phương pháp giáo dục trong cuốn sách của ông: Một gia đình không la mắng sẽ nuôi dưỡng tinh thần tích cực hành động cho trẻ.

 Sách Giáo dục không la mắng.

Sách Giáo dục không la mắng.

Hầu hết cha mẹ đều mong muốn con cái trở nên tự tin, đầy trách nhiệm, có chính kiến. Những phẩm chất quan trọng này, theo GS Nobuyoshi Hirai, đều liên quan đến tinh thần tích cực hành động, hay chính là sự hăng hái và động lực.

Trong Giáo dục không la mắng, tác giả chỉ ra rằng đòn roi, mắng nhiếc, cấm đoán, và cả việc ép trẻ vào khuôn khổ bằng kỉ luật đều là biểu hiện của chủ nghĩa huấn luyện, góp phần bóp nát hạt mầm hiếu kì nơi trẻ. Trong khi đó, lòng hiếu kì lại chính là động lực cho tinh thần tích cực hành động, và không thể được khơi lên trong những gia đình quá khắt khe với con cái.

Cuốn sách là lời giải thấu đáo cho những bậc cha mẹ đang băn khoăn về hành vi của con. Một căn phòng bừa bộn đồ chơi, một thùng rác bị dốc ngược, một cánh cửa đầy dấu X, đều có thể là biểu hiện của sự phá phách trong mắt cha mẹ. Những đứa trẻ như vậy hay bị gọi là hư, phiền phức, nhưng thực chất, những hành động đó đều chỉ xuất phát từ tính hiếu kì vốn có của trẻ em từ khi ra đời.

Khi khám phá thế giới bằng hành động nghịch ngợm, các em không hề muốn gây bực bội cho người khác mà chỉ đang háo hức nuôi lớn hạt mầm hiếu kì trong mình. Hiểu được bản chất hành động của trẻ, người lớn sẽ có cái nhìn bao dung hơn.

Cha mẹ nên im lặng, không ra lệnh, không góp ý

Theo tác giả, cách thức ứng xử phù hợp chính là không la mắng trẻ. Khi bị mắng mỏ, trách phạt, trẻ sẽ sợ hãi, dần mất đi tự do thể hiện mình, trở thành đứa trẻ ngoan luôn nghe theo phụ huynh sai bảo. Tuy vậy, khi tính hiếu kì bị đè nén, trẻ sẽ trở nên thụ động, mất đi tính sáng tạo, thậm chí giả vờ ngoan trước mặt bố mẹ nhưng lại bày trò gây ảnh hưởng người khác khi ở bên ngoài.

Theo quan niệm của tác giả, trẻ hư thực chất lại là trẻ ngoan bởi chúng luôn sống thật với bản năng hồn nhiên, trong khi những đứa trẻ ngoan luôn răm rắp tuân lệnh, ngồi im một chỗ, lại ẩn chứa vấn đề tâm lý do cách giáo dục của bố mẹ.

GS Nobuyoshi Hirai đưa ra khái niệm “tốt nghiệp” cho hành vi trẻ nhỏ: Khi trẻ được thỏa sức với một trò nghịch, thì sự tò mò chỉ kéo dài 1-2 tháng; Khi đã hiểu rõ, trẻ sẽ không lặp lại nữa, đồng thời khả năng vận động, tính chủ động cũng được bồi đắp.

Để giáo dục con theo phương pháp này, cha mẹ luôn cần thật sự kiên nhẫn, thay vì nổi nóng thì cứ đợi con “tốt nghiệp”. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng cung cấp phân tích chi tiết về tâm lý, thói quen của trẻ theo từng thời kì nhằm giúp cha mẹ hiểu rõ gốc rễ hành vi của con.

Trẻ nghịch ngợm, phá phách là biểu hiện của hành động khám phá thế giới, chưa hẳn là hư đốn.

Bằng trải nghiệm cá nhân và những nghiên cứu, dự án xã hội, GS Nobuyoshi Hirai giúp người đọc thấu hiểu sự tổn thương mà bạo lực thể chất, tinh thần gây ra cho trẻ nhỏ. Sự la mắng gay gắt cho những hành vi tưởng chừng phá phách nhưng thực chất lại là sự phát triển bình thường, cho những lần con không nghe theo mong muốn của bố mẹ, đều để lại những vết thương lâu dài.

Làm sao những đứa trẻ thường xuyên bị áp đặt, kìm hãm ý kiến cá nhân lại có thể trưởng thành như những công dân chủ động, đầy tự tin của đất nước?

Phương pháp giáo dục không la mắng khuyến khích phụ huynh trao tự do cho trẻ, để trẻ thỏa sức khám phá, tự nghĩ trò chơi, tự kiểm soát việc học… Cha mẹ nên sử dụng phương pháp “im lặng”: Không góp ý, không ra lệnh.

Theo tác giả, tự do không đồng nghĩa với rũ bỏ trách nhiệm mà chính là trao quyền chủ động cho con, cha mẹ chỉ tham gia khi hành vi của con gây tổn hại đến người khác.

Trẻ em không cần được huấn luyện như binh sĩ, mà cần được tự do phát triển với trái tim trong sáng. Nuôi dưỡng trẻ thơ giống như cần mẫn vun trồng một vườn hoa, không chỉ cần hàng ngày tưới nước, cung cấp dinh dưỡng mà còn phải thường xuyên nói lời tích cực, đối xử bằng tình yêu thương.

Với niềm tin vào tính thiện của mỗi đứa trẻ từ khi sinh ra, Giáo dục không la mắnglà cẩm nang hữu ích cho những cha mẹ đang trên hành trình nuôi dạy con thành những công dân sáng tạo, biết cảm thông, đầy nghị lực, và quan trọng nhất là, hạnh phúc.

Tác giả Nobuyoshi Hirai (1919-2006) tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Tokyo và Khoa Y, Đại học Tohoku. Ông là giáo sư danh dự Đại học nữ Otsuma, là tiến sĩ y khoa, Hội trưởng Hội nghiên cứu Nhi đồng học tại Nhật Bản.

Khánh Huyền

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tre-ram-rap-nghe-loi-la-an-chua-nhung-van-de-tam-ly-post1060214.html