Trẻ phải được sống bình yên dưới mái nhà

Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Thế nên, từ năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 28/6 là Ngày gia đình Việt Nam, với ý nghĩa nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống của gia đình, tăng cường bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Nhiều năm qua, hàng triệu đứa trẻ đã lớn lên, trưởng thành từ những mái nhà hạnh phúc. Thế nhưng, không ít trẻ em lại phải sống trong cảnh nơm nớp sợ hãi vì đòn roi, bạo hành. Chúng lớn lên với tâm hồn khuyết tật khi các đối tượng bạo hành lại chính là những người thân.

Đủ kiểu bạo hành trẻ em

Cách đây đúng 1 tháng, đầu giờ chiều ngày 28/5, mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh người phụ nữ bạo hành dã man một bé trai 5 tuổi đang nằm dưới nền nhà. Dư luận càng bức xúc hơn khi người phụ nữ này vừa đánh bé vừa chửi thề, trong khi cha của cậu bé ngồi cạnh không có biểu hiện can ngăn. Chỉ trong thời gian ngắn, video này được cộng đồng mạng lan truyền nhanh chóng kèm sự phẫn nộ, lên án hành vi tàn bạo của người phụ nữ.

Nguyễn Thị Liên bạo hành dã man cháu bé (ảnh cắt từ clip).

Nguyễn Thị Liên bạo hành dã man cháu bé (ảnh cắt từ clip).

Sau khi xem xong clip, chị Bùi Thị Nga (27 tuổi, ngụ TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) bức xúc: "Cũng là phụ nữ, tôi không nghĩ họ lại bạo hành đứa bé dã man như vậy. Nhiều gia đình hiếm muộn mong muốn có được một đứa con để nuôi nấng mà không được. Có trường hợp phải chạy khắp nơi để xin một đứa con về nuôi cũng rất khó khăn. Dẫu biết rằng, người này không phải mẹ ruột của cháu bé nhưng cũng không thể hành xử nhẫn tâm với bé".

Trao đổi với chúng tôi, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Giáo (Bình Dương) đã thông tin chính về quá trình điều tra ban đầu vụ việc cháu bé bị người tình của cha ruột bạo hành gây xôn xao dư luận. Công an huyện Phú Giáo xác định, cháu bé trong đoạn clip là Nguyễn Văn T. (sinh năm 2015), con của anh Nguyễn Văn H. (sinh năm 1990, ngụ xã An Bình, huyện Phú Giáo), còn người đánh cháu T. là Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1986, người sống chung với anh H. như vợ chồng).

Anh H. cho biết, anh đã có một đứa con riêng. Sau đó, anh H. tiếp tục kết hôn với chị N. (sinh năm 1993) và có với nhau 2 con là cháu T. và 1 người em của T. Đầu năm 2019, chị N. bỏ nhà đi, để lại 2 con cho anh H nuôi dưỡng.

Đến tháng 4/2019, anh H. lại tiếp tục chung sống như vợ chồng với Liên cho đến nay. Ngày 25/5, do tức giận việc cháu T. không chịu ngủ trưa nên Liên đã dùng tay, chân đánh cháu T. Nhìn thấy sự việc nên người con riêng của anh H. đã dùng điện thoại quay lại toàn bộ sự việc. Sau đó, đoạn clip này được chia sẻ đến nhiều người và được đăng lên mạng xã hội facebook.

Qua trưng cầu giám định, Trung tâm giám định pháp y tỉnh Bình Dương xác định tỷ lệ thương tích của cháu T. là 5%. Làm việc với cơ quan Công an, Liên thừa nhận hành vi đánh đập cháu T. Theo xác minh của Công an huyện Phú Giáo, đối tượng đang được UBND xã An Bình và UBND huyện Phú Giáo xét duyệt hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo diện đối tượng bị bệnh tâm thần nặng từ năm 2008 cho đến nay. Công an huyện Phú Giáo đã ra Quyết định trưng cầu giám định về thần kinh của Liên để củng cố hồ sơ, xử lý vụ việc nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Không chỉ người tình của cha, có trường hợp chính mẹ ruột cũng "tra tấn" dã man con của mình. Cách đây hơn 3 tháng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh năm 1989, ngụ thị xã Tân Uyên, Bình Dương) do có hành vi ngược đãi và bạo hành con ruột.

Nguyễn Thị Thanh Thúy bạo hành dã man con ruột. (ảnh cắt từ clip).

Trước đó, tối 31/1, trên mạng xã hội facebook xuất hiện một đoạn clip một người phụ nữ mặc quần áo màu hồng dùng sợi dây thừng bạo hành một bé trai khoảng 3 tuổi khiến bé trai đau đớn, sợ hãi, khóc thảm thiết. Sau đó, cô ta tiếp tục đập phá đồ đạc và cự cãi với người nhà.

Qua điều tra, Công an TP Thủ Dầu Một xác định, vào ngày 24/1, bà Lư Thị N. (sinh năm 1960) là mẹ ruột của Thúy mua 2 sợi dây chuyền vàng cho 2 con của Thúy đeo trong những ngày tết.

Ngày 25/1, Thúy cùng 2 con đến nhà bà N chơi tết. Trong lúc ngồi nói chuyện, bà N nói với Thúy qua tết thì trả lại 2 sợi dây chuyền vàng của bà mua cho con của Thúy. Nghe vậy, Thúy tức giận dẫn 2 con bỏ về nhà ở phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một.

Sáng 26/1, Thúy đem 2 sợi dây chuyền vàng trả lại cho bà N. rồi trở về nhà. Do tức giận, Thúy đánh con không thương tiếc. Trong lúc Thúy đánh con, có anh Võ Văn D. (sinh năm 1987, ngụ An Giang) là người đang sống như vợ chồng với Thúy chứng kiến nhưng D. không can ngăn mà dùng điện thoại quay clip lại sau đó đăng lên mạng xã hội. Trước đó, Thúy đã từng bị Công an phường Hòa Phú (TP Thủ Dầu Một) xử phạt vi phạm hành chính về hành vi bạo hành con năm 2018.

Thực tế có rất nhiều dạng bạo hành trẻ em. Không chỉ trong gia đình mà ở ngoài cộng đồng, tình trạng bạo hành về cả tinh thần lẫn thể xác vẫn diễn ra hàng ngày. Thậm chí gần đây còn có vụ việc xảy ra trong nhà chùa. Vậy, làm thế nào để ngăn chặn thực trạng đáng lo ngại này?

Làm gì để phòng ngừa tội phạm bạo hành trẻ em?

Tiến sỹ Nguyễn Đức Bằng, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II, phân tích: Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ, cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và các cá nhân có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em… Mặc dù vậy, hiện nay tình trạng tội phạm bạo hành trẻ em vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.

Công an lấy lời khai đối tượng Thúy.

Qua thống kê, có thể thấy một số nguyên nhân chủ yếu của tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em như sau: Thứ nhất, do các bậc cha mẹ, gia đình, người chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý trẻ em, thiếu nhận thức về nguy cơ, thiếu sự quan tâm chia sẻ với trẻ em.

Từ đó, dẫn tới các em thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, về kiến thức, kỹ năng phòng tránh bạo hành. Thứ hai, do sự phân hóa giàu nghèo với những chênh lệch về điều kiện sống, những rạn vỡ trong gia đình và sự xói mòn những giá trị truyền thống đã dẫn tới con số trẻ em bị bỏ rơi, bị xao nhãng, bị bạo hành, lạm dụng và bóc lột ngày càng tăng. Trẻ em bị bạo hành thường xảy ra nhiều ở địa bàn có nhiều dân nhập cư, phòng cho thuê, khu vực đông người lao động nghèo và địa bàn vắng.

Mặt khác, công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội chưa bao phủ được hết các địa bàn, đối tượng; số người thực hiện được nghiệp vụ truyền thông, tư vấn còn hạn chế nên chất lượng truyền thông trực tiếp chưa cao; các sản phẩm truyền thông sản xuất với số lượng ít, chưa đến tay các gia đình... dẫn đến nhận thức, trách nhiệm, năng lực bảo vệ chăm sóc trẻ em của các cấp chính quyền, đặc biệt kỹ năng về bảo vệ trẻ em, thực hành quyền trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn thiếu hụt.

Do tác động của phim ảnh bạo lực, những thông tin độc hại không được kiểm soát lan tràn trên mạng internet... cũng dẫn đến các hành vi lệch chuẩn ở người lớn.

Ngoài ra, do nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; khả năng nhận thức, phòng vệ và tự vệ của nạn nhân còn non nớt; công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có cả thái độ bất hợp tác từ phía nạn nhân và gia đình nạn nhân; một số tội danh chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe tội phạm, nhiều khi không tương xứng với hành vi bạo lực cần xử lý cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng này.

Theo một Điều tra viên Công an tỉnh Bình Dương, để bảo vệ an toàn sức khỏe cho trẻ em trong gia đình, nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, an toàn trên môi trường mạng là vấn đề cấp bách được đặt ra và cần sự chung tay của toàn xã hội để giải quyết thông qua một số giải pháp.

Trước tiên, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại sức khỏe trẻ em và hậu quả của nó.

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật này phải có kế hoạch, chương trình ngắn hạn, dài hạn cụ thể, trong đó chú trọng đến việc lồng ghép nội dung truyền thông vào trong sinh hoạt của thôn, ấp, tổ dân phố; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp để từ đó nâng cao ý thức tự bảo vệ trẻ trước những nguy cơ bị bạo hành, xâm hại. Đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo hành.

Tập trung hoạt động truyền thông - giáo dục vào những phường, xã trọng điểm, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và những nhóm đối tượng còn hạn chế trong thực hiện trách nhiệm của mình đối với trẻ em. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững. Để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm bạo hành gây nên, cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ với con em mình.

Đồng thời gia đình cũng cần phải trang bị cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện bạo hành, xâm hại. Tránh bạo lực khi con có sai phạm, phải nâng đỡ, tôn trọng ý kiến của con, phải biết kiềm chế khi gặp phản ứng trước những căng thẳng khó kiểm soát của con. Cha mẹ luôn cố lắng nghe con nói, hiểu ngôn ngữ của con theo nhóm tuổi, trẻ em càng nhỏ càng khó giải thích nỗi đau. Không chủ quan giao con còn nhỏ cho người khác.

Đối với các nhà trường, cần tổ chức nói chuyện chuyên đề về bạo hành trẻ em cho học sinh thường xuyên. Thầy cô cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung, cần lắng nghe và quan tâm đến học sinh yếu kém, ít chơi đùa cùng bạn. Thầy cô cần sẵn sàng nói chuyện, trao đổi riêng với các em…

Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, là mầm xanh cần được bảo vệ, bồi dưỡng. Một tác động tiêu cực dù là nhỏ nhất cũng có thể để lại nhiều hậu quả khôn lường. Do vậy, vấn đề an toàn cho trẻ em, nhất là nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, an toàn trên môi trường mạng cần phải được xem là trọng tâm cần tập trung để kiềm giảm tội phạm bạo hành trẻ em.

An Bình

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/tre-phai-duoc-song-binh-yen-duoi-mai-nha-601128/