Trẻ mắc sởi hầu hết do chưa tiêm phòng

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh sởi vừa qua là do không tiêm hoặc chưa được tiêm vaccine đầy đủ nên chưa đủ miễn dịch.

Trong thời gian gần đây, số lượng trẻ sốt cao, nổi mẩn, nghi sởi đến khám và điều trị ở Khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E có chiều hướng tăng mạnh. Các ca mặc bệnh chủ yếu tập trung ở các quận nội thành như Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm. Đối tượng mắc chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, trong đó nhóm dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Tuy nhiên, chưa có trường hợp bị biến chứng nặng, dẫn tới tử vong.

BS Trương Văn Quý cho biết, hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do không tiêm hoặc chưa được tiêm vaccine đầy đủ nên chưa có đủ miễn dịch. Các trẻ chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ đều có khả năng bị bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây. Ngoài ra, ThS Quý lo ngại, gần đây số ca mắc sởi thường nặng hơn vì nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi, suy hô hấp…

Bệnh do virus sởi gây ra và thường truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc dịch tiết mũi họng của người bệnh. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng, nên có thể gây dịch lớn. Vì thế, việc trẻ nhỏ 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi chưa được tiêm phòng sởi đầy đủ thì khả năng mắc bệnh rất cao.

BS Quý khuyến cáo, cách để phòng bệnh tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất. Hiện nay, Khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E đang tổ chức tư vấn và tiêm chủng cho trẻ nằm trong diện tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh theo đúng quy định.

Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, trong 7 tháng qua, bệnh viện đã tiếp nhận 34 trẻ mắc bệnh sởi, hầu hết các bé dưới 5 tuổi ở nhiều tỉnh, thành như Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Tĩnh…

Theo PGS, TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các bệnh nhi ở Hà Nội tập trung ở các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai. Đáng lưu ý là 100% các cháu đều chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, do đến tuổi tiêm thì trẻ ốm hoặc có trường hợp mẹ sợ nguy hiểm nên không cho con tiêm. Đặc biệt, có 2 bé song sinh 11 tháng tuổi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị viêm phổi nặng do sởi biến chứng hiện đang điều trị tại bệnh viện và có tiên lượng nặng.

Khi trẻ mắc sởi, có nhiều cha mẹ có cách chăm sóc không khoa học, dẫn tới những biến chứng nặng hơn do sởi. “Nhiều gia đình kiêng cho trẻ ăn, kiêng gió và kiêng nước cho trẻ. Trong khi, lúc trẻ bị sởi sẽ rất mệt mỏi, thiếu sức đề kháng nên nếu mẹ vì lo khó tiêu hóa mà kiêng cho con ăn các chất dinh dưỡng, chỉ cho ăn cháo trắng, sẽ khiến cơ thể trẻ bị suy nhược, thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng. Sức đề kháng của trẻ vì thế mà giảm đi, kéo theo thời gian điều trị kéo dài hơn và dễ lây nhiễm các bệnh khác…”, BS Bùi Vũ Huy nói.

BS Huy khuyến cáo, để phòng bệnh sởi cho trẻ, các gia đình cần chủ động đưa con đi tiêm phòng theo đúng độ tuổi, đúng lịch. Các trường hợp mắc sởi cần phải được ở phòng thoáng, đủ ánh sáng, nghỉ ngơi, ngủ đủ, vệ sinh răng miệng. Tuyệt đối tránh các tập tục kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn.

* Bệnh sởi gia tăng với nhiều biến chứng nguy hiểm

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/37301902-tre-mac-soi-hau-het-do-chua-tiem-phong.html