Trẻ mắc sởi có thể bị 'cam tẩu mã' nếu chăm sóc không đúng

Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi của Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong 7 tháng qua, BV đã tiếp nhận 34 trẻ mắc bệnh sởi, hầu hết các bé dưới 5 tuổi ở nhiều tỉnh, thành như Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Tĩnh…

Các bệnh nhi ở Hà Nội tập trung ở các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai. Đáng lưu ý là 100% các cháu đều chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, do đến tuổi tiêm thì trẻ ốm hoặc có trường hợp mẹ sợ nguy hiểm nên không cho con tiêm. Đặc biệt, có 2 bé song sinh 11 tháng tuổi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị viêm phổi nặng do sởi biến chứng hiện đang điều trị tại BV và có tiên lượng nặng.

PGS.TS Bùi Vũ Huy lưu ý là khi con bị bệnh sởi có nhiều bà mẹ do thiếu hiểu biết đã chăm sóc trẻ rất không khoa học như kiêng cho trẻ ăn, kiêng gió và kiêng nước cho trẻ. Trong khi, lúc trẻ bị sởi sẽ rất mệt mỏi, thiếu sức đề kháng nên nếu mẹ vì lo khó tiêu hóa mà kiêng cho con ăn các chất dinh dưỡng, chỉ cho ăn cháo trắng, sẽ khiến cơ thể trẻ bị suy nhược, thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng. Sức đề kháng của trẻ vì thế mà giảm đi, kéo theo thời gian điều trị kéo dài hơn và dễ lây nhiễm các bệnh khác… Đã vậy việc kiêng gió và nước khi trẻ bị sởi, dẫn đến trẻ không được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, nên tỷ lệ viêm phổi của trẻ tăng lên. Vì kiêng gió, cha mẹ thường ủ kín cho con trong khi trẻ sốt cao, toát mồ hôi tại các vết ban gây ngứa ngáy, gãi trợt da gây nhiễm trùng.

Từng có nhiều trẻ nhập viện do sởi biến chứng

Chính vì bị kiêng cữ quá dẫn đến trẻ không được vệ sinh răng miệng sạch sẽ, khiến vi khuẩn ăn hết xương hàm, toàn bộ răng của trẻ bị rụng, miệng bốc mùi hôi khó chịu...PGS. TS Bùi Vũ Huy không thể quên được một trường hợp mà ông từng gặp là một bệnh nhi mắc sởi và bị "cam tẩu mã” rất nặng do vi khuẩn ăn hết xương hàm, khiến toàn bộ răng của trẻ rụng, chỉ vì cha mẹ kiêng nước, không vệ sinh răng miệng khi con mắc sởi. Mà, cháu bé mắc sởi bị “cam tẩu mã” lại là con của một bà mẹ sống ở nơi ngay trung tâm đô thị hiện đại, trong khi trước đây chuyện này chỉ xảy ra với trẻ bị sởi ở vùng sâu, vùng xa vì cha mẹ không hiểu biết nên không được chăm sóc và vệ sinh cẩn thận.

“Khi tôi vào buồng bệnh thăm bệnh nhi, ngửi thấy mùi rất hôi ở trong phòng, giống như mùi chuột chết, cóc chết nhưng khi tìm theo hướng mùi phát ra thì lại là từ giường cháu bé. Ngay lập tức tôi chỉ định cho đi kiểm tra răng hàm mặt, tai mũi họng. Sáng hôm sau khi kiểm tra miệng của cháu, bác sĩ đụng đến đâu là xương hàm bệnh nhi mủn đến đó, kéo đến tận xương quai hàm, chỉ còn trơ mỗi lưỡi. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi bị “cam tẩu mã” do vi khuẩn fussobacterium, prevotella vv…. khác gây nên khi cơ thể suy giảm miễn dịch, cộng thêm thiếu dinh dưỡng, vệ sinh răng miệng kém. Lúc này gia đình bệnh nhi mới nhận ra cách chăm sóc con sai lầm thì đã muộn...”- PGS. Huy cho hay.

Bệnh “cam tẩu mã” xuất hiện rất đột ngột và diễn biến vô cùng nhanh. Người mắc chứng bệnh này thường có thấy mệt mỏi, suy nhược, sốt cao, nướu răng chảy máu, viêm loét và có dấu hiệu hoại tử. Khi nướu và viêm mạc bị viêm loét rộng hơn, hơi thở sẽ có mùi hôi, mô hoại tử chuyển thành màu xám đen xung quanh nướu. Cuối cùng, bệnh phá hủy các mô mềm và xương, gây biến dạng và rụng răng.

Theo BS Huy, chăm sóc trẻ bị sởi rất cần sự sáng suốt của bà mẹ, tuy nhiên không phải bà mẹ nào cũng làm được điều này, do đó, khi có trẻ vào nhập viện điều trị bệnh sởi, đặc biệt là trường hợp đã biến chứng, ngoài việc thăm khám, điều trị theo phác đồ, chúng tôi còn phải làm cả công tác truyền thông, hướng dẫn bà mẹ chăm sóc trẻ ra sao để trẻ đủ dinh dưỡng, để trẻ được vệ sinh cá nhân sạch sẽ...

Ngoài ra, để phòng bệnh sởi cho trẻ, các gia đình cần chủ động đưa con đi tiêm phòng theo đúng độ tuổi, đúng lịch. Các trường hợp mắc sởi cần phải được ở phòng thoáng, đủ ánh sáng, nghỉ ngơi, ngủ đủ, vệ sinh răng miệng. Tuyệt đối tránh các tập tục kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn. . Bệnh sởi rất dễ lây. Vì vậy, phụ huynh không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Khi trẻ mắc bệnh sẽ chán ăn, vì vậy nên để trẻ ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu, kết hợp tăng cường dinh dưỡng bằng các thức ăn giàu vitamin A. Nhỏ mũi, mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi 3-4 lần/ngày.

Trẻ cũng cần uống đủ nước, nước oresil hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy còn phải bổ sung nước hoặc cho bú nhiều hơn. Khi phát hiện các dấu hiệu bệnh nặng như mệt, li bì, kém ăn, sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/tre-mac-soi-co-the-bi-cam-tau-ma-neu-cham-soc-khong-dung-505297/