Trẻ mắc cúm A hàng loạt, bác sĩ chuyên khoa cảnh báo nguy cơ biến chứng nguy hiểm

Trước khi vào viện, bệnh nhi sốt 3 ngày ở nhà. Khi vào viện khám và làm xét nghiệm bệnh nhi dương tính với cúm A kèm biểu hiện viêm cơ không thể tự đi lại được.

TS. BS Ngô Thị Thu Hương, Phó Khoa Nhi tổng hợp – Bệnh viện Xanh Pôn khám cho bệnh nhi

TS. BS Ngô Thị Thu Hương, Phó Khoa Nhi tổng hợp – Bệnh viện Xanh Pôn khám cho bệnh nhi

Trẻ đi lớp rất dễ lây

Đưa con trai 5 tuổi đi khám, chị Nguyễn Thu Trang (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, con húng hắng ho, chảy nước mũi mấy ngày nhưng chủ quan nên chị vẫn cho con đi mẫu giáo như bình thường.

Hai hôm nay, thấy lớp con có đến 10 bạn nghỉ học do sốt, chị Trang thoáng chút lo lắng nhưng không có người trông nên chị vẫn đưa con đi học. Sáng nay, cô giáo hớt hải gọi điện thoại báo chị đến đón con.

Đến nơi chị phát hoảng khi thấy con mình sốt cao kèm theo biểu hiện co giật. Rất may, trường học gần bệnh viện nên chỉ mất hơn 10 phút, chị không phải chứng kiến cảnh con co giật từng hồi nữa.

Trao đổi với phóng viên vào sáng 15/12, TS. BS Ngô Thị Thu Hương, Phó Khoa Nhi tổng hợp – Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, thời tiết giao mùa nên tỷ lệ bệnh nhi đến khám do sốt và các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp tăng lên rất rõ rệt.

“Từ Trung tâm công nghệ cao đến phòng khám của bệnh viện số lượng bệnh nhi đến khám tăng lên gấp 2- 3 so với ngày thường. Trong đó bệnh hay gặp nhất là cúm mùa: cúm A, cúm B đặc biệt cúm A tỷ lệ tăng lên rất rõ rệt. Tình trạng này đã được ghi nhận ở tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội”, TS. BS Ngô Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Theo TS. BS Thu Hương, biểu hiện ban đầu của các con vẫn là sốt cao kèm ho khò khè đặc biệt với cúm A trẻ thường có biểu hiện sốt rất cao, có thể chảy nước mắt, mũi viêm kết mạc mắt. Với những trẻ nhỏ mắc cúm A có nguy cơ sốt cao kèm co giật cũng như sốt cao, rét run nhưng rất khó hạ sốt... Bên cạnh đó một số bệnh nhi mắc cúm A còn kèm theo ho và biểu hiện viêm đường hô hấp trên rõ rệt.

Ngoài viêm phế quản, phổi trẻ có thể bị biến chứng viêm cơ

Theo các bác sĩ, biến chứng của cúm A với trẻ nhỏ từ 6 tháng đến dưới 3 tuổi trong trường hợp bố mẹ để bé sốt cao quá thường kèm co giật. Với những trẻ có bệnh nền, cơ địa có sức đề kháng kém thì rất dễ biến chứng viêm phế quản, phổi.

“Cúm A gây tổn thương rất nhiều, hiện tại trong khoa đang có 20 bệnh nhân viêm phổi, viêm phế quản phổi do cúm A. Ngoài ra, bên cạnh đó có một số bệnh nhân có một số biến chứng khác có biểu hiện như viêm cơ.

Hiện tại khoa đang điều trị cho một bệnh nhi bị cúm A kèm viêm cơ. Bệnh nhi N. V. L (6 tuổi, ở Hà Nội), vào viện hôm 14/12. Trước khi vào viện, bệnh nhi sốt 3 ngày ở nhà, nhiệt độ cao nhất là 39 độ, kèm hắt hơi, chảy mũi. Khi vào viện khám và làm xét nghiệm bệnh nhi dương tính với cúm A với biểu hiện viêm cơ, không thể tự đi lại được”, TS. BS Thu Hương thông tin.

Đây là bệnh nhân theo BS Hương trẻ nhập viện trong tình trạng đau cơ, không đi lại được, khi làm xét nghiệm cho kết quả men cơ tăng cao (CK trên 2000).

Mặc dù còn phải cần làm thêm các xét nghiệm khác để loại trừ, tuy nhiên các bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng bệnh nhân bị cúm A biến chứng viêm cơ. Bởi trước khi nhập viện, bệnh nhi hoàn toàn bình thường. Biểu hiện đau cơ, viêm cơ xuất hiện đồng thời với cúm A.

“Với trường hợp bệnh nhi này, hiện chúng tôi điều trị phác đồ thông thường của cúm và theo dõi các diễn biến. Nếu đây là biến chứng của cúm thì khi tình trạng cúm ổn định, tình trạng viêm cơ cũng sẽ giảm”, TS. BS Hương nhấn mạnh.

Vị bác sĩ chuyên khoa nhi này cũng nhấn mạnh, trong mùa cúm có thể gặp các biến chứng ngoài viêm phế quản phổi ra thì viêm cơ cũng là những biến chứng mà khoa đã từng gặp.

Chính vì thế để tránh các biến chứng có thể xảy ra, TS. BS Hương khuyến cáo, các gia đình cần chú ý theo dõi sát nhiệt độ của con, sử dụng các biện pháp hạ sốt thông thường như dùng các dòng thuốc hạ sốt như paracetamol. Bên cạnh đó các bố mẹ nên thực hiện việc chườm cho trẻ nếu bị sốt tránh tình trạng để trẻ sốt cao gây hiện tượng rét run hoặc co giật.

“Đây là bệnh do vi – rút nên để phòng tránh việc đầu tiên nên làm là tiêm phòng cúm hàng năm. Đây là cách tốt nhất làm giảm yếu tố nguy cơ khi bị nhiễm.

Ngoài ra, trong cộng đồng trong mùa dịch, người dân nên tự bảo vệ bản thân mình bằng cách giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người có nguy cơ mắc cúm. Người lớn nói chung đặc biệt trẻ nhỏ nói riêng nên ăn nhiều hoa quả, tăng sức đề kháng. Các bậc phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ và vệ sinh mũi, họng bằng các dung dịch nước muối sinh lý để tránh khả năng lây nhiễm vi – rút khi xâm nhập vào cơ thể”, TS. BS Hương nhấn mạnh.

Mùa đông xuân cũng là thời điểm bệnh bùng phát dịch cúm, đặc biệt với trẻ đi lớp rất dễ bị lây nhiễm. Do đó, TS. BS Hương khuyến cáo, khi đi học hoặc ra ngoài cộng đồng trẻ nhỏ nên được đeo khẩu trang tránh tiếp xúc gần với người có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi và viêm đường hô hấp trên.. Ngoài ra, ở lớp học các lớp cần lưu ý không nên để phòng quá bí.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/tre-mac-cum-a-hang-loat-bac-si-chuyen-khoa-canh-bao-nguy-co-bien-chung-liet-co-272385.html