Trẻ lệch lạc giới tính: Thiếu sót từ nhà trường

Thời gian qua, dư luận “dậy sóng” vì clip nam sinh cấp 2 chui đầu vào áo bạn nữ ngay tại trường học. Bàn tới câu chuyện này, nhiều chuyên gia cho rằng, nhận thức về giới tính của một bộ phận giới trẻ đang bị lệch lạc, trong khi đó chương trình giáo dục trong nhà trường lại chưa có sách giáo khoa cụ thể về môn học này.

Nam sinh cấp 2 chui đầu vào áo bạn nữ ngay tại trường học thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh cắt từ clip

Nên bắt đầu từ... mầm non

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình năm 2015, mỗi năm cả nước vẫn còn gần 6.000 ca nạo phá thai tuổi vị thành niên. Mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm gần đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai. Ước tính, khoảng 1/5 phụ nữ trẻ có chồng và sinh con trước tuổi 19, phổ biến ở vùng nông thôn. Ngoài ra, cứ 100 bé gái thì có gần 3 bé mang thai ở tuổi vị thành niên gây mất an toàn sức khỏe cho bé gái cũng như thiệt thòi cho đứa trẻ sinh ra.

Ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em bày tỏ: Việt Nam có 2 "chợ" phá thai một cách ghê sợ nhất, đó là ở đường Giải Phóng (Hà Nội) và đường Cống Quỳnh (TP Hồ Chí Minh). Đây là sự nguy hiểm lớn với cộng đồng. Trong khi nhà trường - nơi dạy kiến thức cho học sinh thì không có một hệ thống sách giáo khoa cụ thể về môn học này.

“Thực tế hiện nay, giáo dục giới tính (GDGT) đã đưa vào từ năm lớp 5, nhưng đến lớp 7, lớp 8 học sinh hỏi cô giáo về vấn đề này cô giáo vẫn “đỏ mặt tía tai”, không giải thích rõ ràng, hời hợt và không đi vào cụ thể”, ông An chia sẻ.

Ông An cho rằng, sai lầm của chúng ta là đưa chương trình GDGT vào quá muộn, coi GDGT là "vẽ đường cho hươu chạy". Để “hươu chạy đúng đường”, ông An khẳng định, phải GDGT càng sớm càng tốt, nên bắt đầu từ lứa tuổi mầm non.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thành Nam (giảng viên chuyên ngành Tâm lý học Lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nên GDGT cho trẻ từ mẫu giáo. "Trẻ lên 3 có xu hướng khám phá bộ phận sinh dục. Bố mẹ có thể bắt đầu dạy con những khái niệm cơ bản về giới tính ở thời điểm này. Đây cũng là độ tuổi mà nhiều nước Bắc Âu, Hà Lan, hay Bắc Mỹ bắt đầu dạy về giới tính cho trẻ", TS Nam nói.

Nhầm lẫn GDGT và giáo dục tình dục

GDGT muộn, lại lẫn lộn khái niệm với giáo dục tình dục, là một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên có dấu hiệu gia tăng.

Theo các chuyên gia, chúng ta đang nhầm lẫn GDGT và giáo dục tình dục. GDGT nên bắt đầu từ tuổi lên 3, khi ấy trẻ bắt đầu có xu hướng khám phá bộ phận sinh dục và bố mẹ có thể giới thiệu cho các con biết khái niệm cơ bản về giới tính, việc nhận biết cơ thể, cấu tạo của các bộ phận... Lớn hơn đến lúc các con dậy thì, đã nhận biết hấp dẫn về giới tính, lúc ấy bắt đầu giáo dục tình dục, quan hệ tình dục an toàn.

"Khi trẻ dậy thì, chủ động hỏi bố mẹ là lúc muộn nhất để giáo dục tình dục. Bởi giai đoạn này trẻ bị hấp dẫn và có nhu cầu về giới tính, tình dục, theo bản năng. Nếu không được chuẩn bị kiến thức đầy đủ, chính xác từ trước, dễ dẫn đến những hệ lụy đáng buồn", TS Nam khẳng định.

Năm nào cũng có học sinh nghỉ học vì nạo phá thai

Trên cương vị một nhà quản lý, ông Vũ Khắc Sáng, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Thành II (Hải Dương) cho biết một thực tế đáng buồn, 25 năm làm giáo dục, năm nào ông cũng chứng kiến học sinh trường mình phải bỏ học vì nạo phá thai, sinh con ngoài ý muốn. Đấy là chưa kể trường hợp giấu, tự đi xử lý. Nguyên nhân là nhận thức về giới tính của học sinh, đặc biệt ở nông thôn rất yếu, vì không được tuyên truyền giáo dục đúng đắn.

"Biết vậy, nhưng tôi rất buồn vì tại trường tôi quản lý hiện cũng không dạy GDGT cho học sinh vì nội dung này nằm ngoài chương trình học phổ thông. Có chăng các thầy cô chỉ lồng ghép vào môn sinh học, tiết chào cờ… nhưng cũng chẳng thể bài bản, chính xác", ông Sáng nói.

Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đưa GDGT, giáo dục tình dục trở thành một môn học riêng biệt cho các em học sinh tìm hiểu, đặc biệt là đối với các học sinh đang độ tuổi dậy thì, độ tuổi học THPT.

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/tre-lech-lac-gioi-tinh-thieu-sot-tu-nha-truong_t114c8n111446