Trẻ hóa 'lực lượng' uống rượu bia, người chết vì rượu cũng trẻ hóa!

Sau 10 năm, lượng sử dụng cồn ở VN tăng 118% trong khi thế giới tăng 4,4%. Tốc độ trẻ hóa độ tuổi sử dụng rượu bia cũng tăng gần 10%. Cứ 2 em thì có 1 em uống rượu bia trước 14 tuổi và cứ 5 em thì có 1 em đã say ít nhất 1 lần....

Trung bình, cứ 2 em ở độ tuổi vị thành niên thì có 1 em uống rượu bia trước 14 tuổi và cứ 5 em thì có 1 em đã say ít nhất 1 lần

Xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm là một xã cuối cùng của tỉnh Hà Nam, nơi tiếp giáp với tỉnh Ninh Bình. Ở xã này, tình trạng lạm dụng rượu bia đang rất phổ biến.

“Ở đây là địa bàn nông thôn, chủ yếu là uống rượu, mà đã uống là phải uống hết tầm, uống say thì thôi chứ không có tư tưởng uống 1-2 chén. Đã ngồi là phải uống hết, nâng chén là phải cạn, dính một tí là phạt. Ông nào uống say được khen ngợi là nhiệt tình, hết lòng vì bạn bè.” – Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Thanh Hải Trịnh Đức Sĩ kể.

Đặc biệt, ông Sĩ lo ngại trước tình trạng “trẻ hóa “lực lượng uống rượu”, và vì thế, cũng “trẻ hóa” những người chết vì rượu.

“3 năm nay tôi thấy cứ mỗi năm có khoảng 14 – 15 hội viên Hội Cựu chiến binh qua đời. Những người tuổi cao thì không nói, nhưng chỉ ngoài 40 mỗi năm cũng có tới 4-5 người qua đời. Khi đi nắm tình hình thì đều được trả lời là uống rượu nhiều quá. Lúc nào cũng thấy mặt đỏ tía tai nhưng ai gọi vào vẫn uống tiếp. Chết trẻ của lực lượng cựu chiến binh 3 năm gần đây tương đối nhiều.” – ông Sĩ than thở.

Đấy là chết vì bệnh, còn tai nạn giao thông cũng rất nhiều. “Các anh chị mà về quê hương bây giờ sẽ thấy tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia rất nhiều, đặc biệt trong ngõ xóm. thanh niên uống rượu vào phóng vù vù, nhìn thấy là phải tránh thôi. Có nhiều vụ tai nạn thương tâm, người chết rồi không nói, nhưng người bị thương sau khi chữa chạy về hỏi thì họ không biết nguyên nhân là mình uống như thế nào, ai đưa mình về và mình về nhà bằng cách nào, không biết tại sao bị ngã… Có người 3 lần đi uống rượu say lao xuống cống, mương, mỗi lần hơn chục triệu chữa bệnh, nhưng khỏi lại uống tiếp.” Ông Sĩ kể.

Rượu bia liên quan chặt chẽ với trình trạng bạo lực gia đình. Những năm gần đây, ở xã Thanh Hải, tình trạng bạo lực đã có phần nào giảm, nhưng không đánh vợ thì các ông quay sang trút giận vào… tài sản.

“Uống rượu bia về đến nhà nếu vợ con để yên cho ông muốn uống bao nhiêu thì uống, rủ bạn bè về uống ay, chiều thích đi làm thì đi, không thích thì nghỉ. Nếu cứ kệ thì không sao, mà nếu gàn vào là chết, các ông ấy sẽ quay sang đập phá đồ đạc, rồi sau sắm lại…” – bức tranh tệ nạn bia rượu ở nông thôn tiếp tục được ông Sĩ làm rõ.

Một chuyện có lẽ phải đưa vào dạng “chuyện thật như bịa”, đó là ở xã Thanh Hải, hầu hết các thôn xóm đều tổ chức ra một hội mà theo quy định, trong xóm nếu vợ chồng có xích mích cãi nhau thì phải nộp phạt tối thiểu một thùng bia cho hội này. Sau khi can thiệp chuyện xích mích vợ chồng, các “hội viên” lại ngồi uống với nhau, thiếu thì lại mua tiếp!

Trẻ 5 tuổi cũng mua được rượu bia

Theo ông Sĩ, chỉ riêng trong xã Thanh Hải đã có đến 100 cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm… và 100% các cửa hàng này đều bán rượu bia. Các hàng quán ở đây phục vụ rất “tận tình”, bất kể ngày, đêm, mua bia rượu lúc nào cũng được; từ trẻ em 5-6 tuổi cũng có thể mua bia rượu cho bố, cho ông mà “không ai ngăn cản và cũng không ai được phép ngăn cản".

Trong khi đó, tình trạng nấu rượu ở xã này cũng phổ biến. “Nhà nào có chồng uống được rượu thì nhà đó có khả năng nấu được rượu vì họ cho rằng uống như thế sẽ yên tâm, lại rẻ, lại còn dùng bã chăn nuôi. Mỗi nhà tháng nấu 1-2 nồi là phổ biến. Nấu thì tự do, không ai ngăn cấm.” – Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh cho biết.

Bác sĩ Đinh Hồng Tảo, trạm trưởng trạm y tế xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm cho rằng, việc dễ sản xuất, dễ mua rượu bia ảnh hưởng đến việc tăng sử dụng rượu bia.

“Tôi tư vấn cho bệnh nhân hạn chế rượu bia để chữa bệnh nhưng họ hứa rồi lại không bỏ được, dẫn đến bệnh nặng rồi tử vong. Có trường hợp xơ gan, kiên trì bỏ rượu, dùng thuốc thì khỏe mạnh lao động bình thường. Nếu không có biện pháp, thay đổi hành vi uống rượu thì khó giữ sức khỏe.” – Bác sĩ Đinh Hồng Tảo nói và cho biết, tuyến y tế cơ sở “cực kỳ khó khăn” trong việc tuyên truyền cũng như phòng chống tác hại của rượu bia. “Chúng tôi không có cán bộ chuyên trách, không có phương tiện kỹ thuật, không có chi phí cho việc này nên rất khó khăn” – Bác sĩ Tảo nói.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Hà Nam nhận xét: “Nam giới uống nhiều nhưng gánh nặng lại do phụ nữ và trẻ em chịu đựng. Họ phải chịu tổn thương lớn về tinh thần cũng như sự phát triển của trẻ em. Cùng với đó là tình trạng xâm hại trẻ em diễn ra ngày càng nhiều. Nhưng đơn phương thì Hội không thể ngăn chặn được tác hại của rượu bia.”

Theo báo cáo của sở Công Thương tỉnh Hà Nam, tỉnh này có hơn 80 vạn dân thì hiện có 2 doanh nghiệp sản xuất rượu, cồn công nghiệp với quy mô gần 3 triệu lít/năm và 1 doanh nghiệp sản xuất bia với trên 50 triệu lít/năm, 1 cơ sở sản xuất bia tươi quy mô 100.000 lít/năm.

Ngoài ra, tỉnh này cũng có 12 cơ sở sản xuất rượu thủ công được cấp phép trong khi trên thực tế, có khoảng 900 cơ sở nấu rượu thủ công đang hoạt động. Cùng với đó, có 5 doanh nghiệp kinh doanh bán buôn rượu và 120 tổ chức, cá nhân được cấp phép bán lẻ rượu.

Theo Thạc sĩ Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Viện chiến lược và chính sách Y tế, sau 10 năm, lượng sử dụng cồn ở Việt Nam tăng 118% trong khi thế giới chỉ tăng 4,4%.

Tốc độ trẻ hóa độ tuổi sử dụng chất có cồn cũng tăng gần 10%. Trung bình, cứ 2 em ở độ tuổi vị thành niên thì có 1 em uống rượu bia trước 14 tuổi và cứ 5 em thì có 1 em đã say ít nhất 1 lần.

Trong khi đó, ở hộ gia đình, cứ 10 hộ thì có 8 hộ có người sử dụng rượu bia trong tháng qua, cứ 2 hộ thì có 1 hộ có người uống ở mức nhiều.

Đáng chú ý, trong khi mức sử dụng bình quân đầu người thấp hơn một số nước như Úc, Cananda, Ấn Độ, Lào, Thái Lan… nhưng tỷ lệ người lớn, phụ nữ đã kết hôn và trẻ em chịu tác hại từ việc sử dụng rượu bia của người khác trong 12 tháng qua lại thuộc nhóm nước cao nhất.

Hoàng Hải

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201809/tre-hoa-luc-luong-uong-ruou-bia-nguoi-chet-vi-ruou-cung-tre-hoa-613310/