Trễ hẹn

Năm 2020, Cơ chế 'Tiếp cận toàn cầu với vắc-xin ngừa Covid-19' (viết tắt là COVAX) ra đời nhằm giúp mọi quốc gia có cơ hội tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng với nguồn vắc-xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, những mục tiêu của sáng kiến nêu trên đang 'lỡ hẹn' bởi thiếu nguồn vốn và sự ích kỷ của một số nước phát triển.

Cơ chế COVAX-19. (Ảnh minh họa: ABC News)

Cơ chế COVAX-19. (Ảnh minh họa: ABC News)

Năm 2020, Cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vắc-xin ngừa Covid-19" (viết tắt là COVAX) ra đời nhằm giúp mọi quốc gia có cơ hội tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng với nguồn vắc-xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, những mục tiêu của sáng kiến nêu trên đang "lỡ hẹn" bởi thiếu nguồn vốn và sự ích kỷ của một số nước phát triển.

Ra đời vào năm 2020, COVAX đặt mục tiêu mua hai tỷ liều vắc-xin để phân phối đến các quốc gia hỗ trợ chống Covid-19 trước cuối năm 2021. Tuy nhiên, kế hoạch tham vọng nêu trên có nguy cơ phá sản khi thống kê cho thấy, đến thời điểm này, mới chỉ có 68 triệu liều vắc-xin từ COVAX được chuyển giao, đạt 3,4% kế hoạch. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 5-2021, đã có 1,5 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 được phân phối trên toàn thế giới, song chỉ khoảng 0,3% trong số đó đến được các nước có thu nhập thấp.

Giới chuyên gia y tế thế giới chỉ ra rằng, kết quả đáng thất vọng nêu trên không phải do những người phụ trách chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không nỗ lực, mà chủ yếu do thiếu nguồn tài trợ, thiếu nguồn cung vắc-xin và các nước giàu không sẵn lòng chia sẻ vắc-xin với các nước nghèo.

COVAX dự định trở thành một cơ cấu thu hút tài chính phi lợi nhuận. Theo đó, các nước giàu đóng góp tài chính để nghiên cứu cùng lúc nhiều vắc-xin khác nhau nhằm tìm ra một số loại vắc-xin hiệu quả, sau đó cung cấp miễn phí cho 92 nước thu nhập thấp không có khả năng mua vắc-xin ngừa Covid-19. Để cơ chế này hiệu quả, cần có đủ số nước giàu tham gia đầu tư và cam kết nhận vắc-xin thông qua COVAX. Tuy nhiên trên thực tế, sáng kiến này không nhận được đủ số vốn cần thiết để phục vụ nghiên cứu và mua vắc-xin trong giai đoạn đầu. Thậm chí, nhiều nước giàu thực hiện hợp đồng mua vắc-xin riêng lẻ với các nhà sản xuất như Pfizer, Moderna, làm chậm tiến độ triển khai các hợp đồng sản xuất lượng lớn vắc-xin trong năm 2021 theo cơ chế COVAX.

Một vấn đề lớn gây cản trở nỗ lực cung ứng vắc-xin của COVAX là nguồn cung vắc-xin khan hiếm. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại Ấn Độ. Nhà cung cấp vắc-xin chính cho COVAX là Viện Serum của Ấn Độ, tổ chức đang sản xuất vắc-xin AstraZeneca. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát mạnh, nguồn cung vắc-xin theo kế hoạch dành cho COVAX đã phải chuyển hướng sang phục vụ nhu cầu trong nước của Ấn Độ.

WHO và Liên minh Vắc-xin toàn cầu Gavi, đại diện các tổ chức khởi xướng Cơ chế COVAX, vừa ra tuyên bố nêu rõ cần huy động thêm hai tỷ USD nhằm tăng mức độ bao phủ của các chương trình tiêm chủng lên gần 30%. Để bảo đảm giao vắc-xin trong năm nay và đầu năm 2022, COVAX cần số tiền nêu trên trước ngày 2-6 để chốt nguồn cung. Theo mục tiêu đề ra ban đầu, COVAX dự kiến cung cấp hai tỷ liều vắc-xin cho các nước trong năm 2021 và 1,8 tỷ liều vào đầu năm 2022. "Nút thắt tài chính" đang cản trở các mục tiêu và nỗ lực phân phối vắc-xin của COVAX. Các nhà quản lý sáng kiến COVAX cũng cảnh báo rằng, nếu không giải quyết tình trạng thiếu hụt khẩn cấp vắc-xin ngừa Covid-19 hiện nay, "hậu quả có thể rất thảm khốc".

Thực tế nêu trên cho thấy, kế hoạch "vắc-xin cho mọi người" và "không bỏ quốc gia nào lại phía sau" của COVAX đang bị trễ hẹn. Đây không chỉ là vấn đề riêng của các nhà sáng lập và quản lý COVAX, mà đang là vấn đề lớn của toàn cầu. Bởi vì, các biến thể của loại vi-rút này và làn sóng dịch mới có thể xâm nhập, bùng phát trở lại ở các nước phát triển bất kể lúc nào. Cách duy nhất để nhân loại cùng chiến thắng đại dịch hiện nay là chính phủ và người dân các nước, nhất là các nước phát triển, san sẻ khó khăn, phân phối vắc-xin hợp lý và chung tay chống Covid-19.

MINH TRUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/tre-hen-648303/