Trẻ hay giật tóc có phải mắc chứng rối loạn tâm lý?

Tật giật tóc ước tính gặp ở 4% dân số, gặp ở cả nam và nữ bất kỳ tuổi nào nhưng ở trẻ em hay gặp hơn, nhất là độ tuổi trước khi đi học và tuổi vị thành niên, dậy thì. Ở độ tuổi càng lớn, bệnh gặp ở trẻ gái nhiều hơn ở trẻ trai.

Tật giật tóc (trichotillomania) là một rối loạn tâm lý đặc trưng bởi hành động tự giật tóc, nhổ tóc do một ý chí thôi thúc không cưỡng lại được. Kết quả dẫn tới rụng tóc.

Nguyên nhân gây tật giật tóc chưa được biết rõ. Có một số điểm chú ý như:

– Thường gặp ở những người có rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

– Căng thẳng, lo âu là các yếu tố khởi phát bệnh.

– Liên quan với các hành vi lặp lại của cơ thể như tật cắn móng, cắn môi, nhai má, véo da.

– Các yếu tố thần kinh có thể liên quan tới tật giật tóc...

Đặc điểm lâm sàng tật giật tóc

Vị trí bệnh hay gặp nhất là vùng da đầu. Ngoài ra, lông ở các bộ phận khác như lông mày, lông mi, chân, vùng mu có thể bị giật. Vị trí tóc bị giật, bị rụng có thể thay đổi theo thời gian. Các sợi tóc trong vùng bị giật tóc có độ dài khác nhau. Người bệnh có hoặc không nhận thức được hành vi của chính họ. Nó thường diễn ra khi người bệnh đang thực hiện các hoạt động khác như xem tivi, đọc sách, học bài, nói chuyện điện thoại. Hoặc có khi hành động giật tóc làm thuyên giảm sự lo âu, rối loạn ám ảnh của họ. Nhiều bệnh nhân có hai khuynh hướng giật tóc này.

Rụng tóc do tật giật tóc có nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ cho tới nhiều, mất hết cả tóc trong vùng bị ảnh hưởng. Khi thăm khácm có thể thấy vùng rụng tóc ranh giới không đều trên da đầu, sợi tóc bị gãy có các kích thước khác nhau. Trẻ em thường giật tóc ở những nơi dễ đưa tay tới và ở bên phía của tay thuận. Vị trí hay gặp nhất là vùng trán - thái dương và vùng đỉnh đầu. Ngoài ra, còn có các dấu hiệu khác như vết xước, bầm máu hoặc đỏ da. Nếu thương tổn nang lông nhiều, lặp đi lặp lại có thể để lại sẹo không hồi phục.

Bé gái 8 tuổi với vùng rụng róc trên đỉnh đầu do giật tóc. Ảnh: BSCC.

Bé gái 8 tuổi với vùng rụng róc trên đỉnh đầu do giật tóc. Ảnh: BSCC.

Các biến chứng của tật giật tóc là nhiễm trùng da tại chỗ, viêm bờ mi, đau mạn tính, hội chứng ống cổ tay.

Chẩn đoán tật giật tóc dựa vào các đặc điểm:

– Thử nghiệm giật tóc âm tính

– Soi dưới đèn Wood không thấy dấu hiệu nhiễm nấm

– Soi da đầu dưới dermatoscope có thể thấy: giảm mật độ tóc, tóc gãy với các độ dài khác nhau, đầu mút của sợi tóc bị chẻ, có bột tóc, các sợi tóc tơ ngắn.

– Hình ảnh mô bệnh học cho thấy sợi tóc ở giai đoạn phát triển (catagen), sợi tóc bị loạn dưỡng, trung bì không bị viêm hoặc chỉ viêm nhẹ, các thân tóc bị gãy, nang lông có các nút có bản chất là mảnh vỡ của chất sừng, chất melanin.

Điều trị tật giật tóc thế nào?

Cần giáo dục, tư vấn tâm lý cho các bệnh nhân có tật giật tóc. Ở trẻ em cần có sự giúp đỡ của bố mẹ: cắt tóc ngắn sát da đầu, đi tất tay, nhẹ nhàng nhắc nhở hành vi khi thấy trẻ giật tóc.

Đối với các trường hợp khó thay đổi hành vi, có thể sử dụng các thuốc chống trầm cảm ba vòng.

Ở những trẻ còn nhỏ, tật giật tóc thường lành tính và có thể tự giới hạn, tự hết. Ở trẻ vị thành niên và ở người lớn, bệnh có xu hướng mạn tính, liên quan tới nhiều rối loạn tâm lý khác.

Cha mẹ khi thấy dấu hiệu bất thường ở trẻ cần cho con đi khám và điều trị kịp thời.

BS. Trần Thị Huyền (Bệnh viện Da liễu Trung ương)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tre-hay-giat-toc-co-phai-mac-chung-roi-loan-tam-ly-n189897.html