Trẻ em với YouTube: Cần vẽ đúng đường cho hươu chạy!

Không biết từ bao giờ, YouTube trở thành công cụ đắc lực giúp các bậc phụ huynh dỗ trẻ nín khóc, bắt trẻ ngồi yên, cho mình thêm thời gian riêng làm công việc. Đó cũng chính là lúc kẻ xấu có cơ hội đến gần hơn, biến con thành phương tiện để trục lợi

Xin lỗi con, vì bố mẹ quá bận!

Theo thống kê mới nhất năm 2017, thế giới có 1,3 tỷ người sử dụng YouTube. Khoảng 300 giờ video được up lên mỗi phút và trung bình gần 5 tỷ video được xem một ngày. Mảnh đất màu mỡ ấy thu hút các bạn nhỏ bởi ở độ còn ít tuổi, đây là nơi duy nhất giúp chúng thỏa mãn trí tò mò bản thân.

YouTube giao tiếp với con bằng cách đáp ứng những sở thích tức thời, như nghe một bài hát, xem một đoạn phim, cho đến việc học tiếng Anh hay tra cứu thông tin.

Không biết từ bao giờ, nó cũng trở thành công cụ giúp các bậc phụ huynh dỗ trẻ nín khóc, bắt trẻ ngồi yên, để cho mình thêm thời gian riêng làm công việc. Trong thời đại này, thật khó đẩy xa các thiết bị công nghệ ra khỏi tầm tay trẻ nhỏ ngay khi chúng biết cầm nắm và khám phá iPad, iPhone. Nhưng giống như một con dao hai lưỡi dễ dàng cứa đứt vùng an toàn, chỉ một chút lơ là, bố mẹ sẽ không còn kiểm soát được nội dung con cái họ đang xem.

Từ trường hợp một cậu bé 12 tuổi người Anh được tìm thấy trong tình trạng mất ý thức dẫn đến tử vong vì trò chơi nghẹt thở (Choking Game) đến đứa trẻ 7 tuổi tự thiêu ở Mỹ khi thách thức với lửa (Fire Challenge), hay thiếu niên có tên Skylar Fish phải khâu 48 mũi vào đầu bởi bắt chước bạn bè dán băng keo khắp người (The duct tape challenge) đều là những trào lưu nguy hiểm được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội - YouTube.

Tháng 1 năm 2017, tại Việt Nam xuất hiện các video cosplay có nội dung liên quan tới Spiderman và Elsa đầy bạo lực, dung tục và phản cảm khiến công chúng đặc biệt là các bậc phụ huynh phẫn nộ. Những video này đến từ chủ sở hữu kênh "Spiderman Frozen Marvel Superhero Real Life" và được đề xuất nội dung trên mạng xã hội - YouTube.

Các bậc phụ huynh luôn nói việc họ cho con xem YouTube chỉ vì muốn trẻ được giải trí sau giờ học căng thẳng, đồng thời tăng thêm khả năng ngôn ngữ và vốn hiểu biết.

Thế nhưng rõ ràng, đó cũng chỉ là lời ngụy biện cho việc bạn không thể dành nhiều thời gian bên trẻ. Nên chăng bố mẹ cần nói với con một lời xin lỗi: Xin lỗi con vì chúng ta quá bận!

Những đứa trẻ sống trong "văn hóa Bedroom"

Việc tiếp xúc với nhiều ứng dụng của Internet là tiền đề hình thành nên văn hóa Bedroom - làm cho những đứa trẻ thu mình lại, chỉ thích và vừa lòng sống trong không gian tù túng chật hẹp như hộp kín.

Chúng ngại giao tiếp, chia sẻ, thổ lộ và thể hiện cảm xúc với thế giới bên ngoài nhưng lại có đời sống cực kỳ phong phú trên mạng xã hội khi trước mặt là bàn phím và được thỏa thích gõ lạch cạch trên mười đầu ngón tay.

Cuộc sống qua màn hình vi tính vì thế trở nên dễ thở hơn khi trẻ che đậy được những tổn thương về mặt tâm lý, những nỗi sợ hãi vô hình đang bủa vây. Cứ thế, khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình xa dần và cơ hội cùng ngồi lại với nhau ngày càng giảm đi.

Đừng biến con thành những đứa trẻ sống trong hộp (Ảnh minh họa )

Chị Đỗ Vân Nguyệt - Giám đốc trung tâm Live& Learn cũng cung cấp thêm những nguy cơ mà trẻ phải đối mặt trên YouTube:

“Thứ nhất, tâm lý trẻ dễ bị ảnh hưởng đối với những thông tin chỉ lướt qua trong các clip, bình luận mang thiên hướng bạo lực.

Thứ hai, quảng cáo được chèn thêm vào trong clip có nội dung chủ đích hoặc không chủ đích tác động rất lớn đến hành vi của trẻ.

Thứ ba, ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ mắc các bệnh liên quan đến thị giác, năng lực vận động kém phát triển, hay cáu kỉnh, khó tiếp thu kiến thức hiệu quả.

Chính vì thế tôi luôn khuyến cáo đối với phụ huynh trẻ từ 2 đến 6 tuổi chỉ nên cho tiếp xúc với màn hình vi tính không quá 2 tiếng một ngày”

Tiến sỹ tâm lý Trần Thành Nam - hiện đang là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “YouTube là một cửa sổ để những kẻ ấu dâm thu hút và dụ dỗ trẻ em. Chỉ cần tung một vài clip mồi nhử, chúng có thể lợi dụng để tiến hành các hoạt động trao đổi, mua bán hình ảnh các em một cách bất hợp pháp. Chưa kể đến những thử thách gây chết người, cổ vũ hành hạ thể xác và cuối cùng là tự tử. Các video liên chia sẻ rộng rãi trên YouTube giúp kẻ trục lợi bình thường hóa trào lưu xấu”

YouTube là cánh cửa mở ra thế giới rộng lớn hay đóng chặt con trẻ trong những chiếc hộp kín? Định nghĩa về một đời sống lành mạnh chưa bao giờ đi chung với các thiết bị công nghệ, cũng giống như trẻ em không nên sống quẩn quanh trên những cái chạm lướt màn hình vô tri.

Dắt tay con trên Youtube

Con ở trước mắt không có nghĩa là con đã an toàn, việc bố mẹ chấp nhận thực tế này cũng quan trọng như cách dắt tay con lựa chọn hướng đi đúng đắn.

Trẻ em ở độ tuổi tiền tiểu học có xu hướng nghe theo những yêu cầu của người lớn một cách tích cực, đó là lý do vì sao phụ huynh nên dành thời gian bên cạnh con cái, cùng chia sẻ và lắng nghe.

Khi bé bắt đầu có thiên hướng muốn tự chủ trong việc chọn lựa cái để xem, mọi hành động nghiêm cấm đều trở nên vô nghĩa trước sự tò mò.

Thời điểm này khá thuận lợi để dạy con các từ khóa tốt và không tốt, cách chọn lọc thông tin và thẳng thắn trao đổi về những mặt tối của Youtube.

Những trải nghiệm đầu đời sẽ giống như kháng thể chống lại những con virus đến từ không gian mạng. Lứa tuổi vị thành niên sẽ là giai đoạn khó khăn khi con thay đổi tâm tính, để giúp con tránh khỏi những cái bẫy chết người trên YouTube và nguy cơ bị xâm hại tình dục trên Internet, hãy mạnh dạn sẻ chia, và đừng bao giờ để con phải đơn độc trên thế giới ảo.

Hiện nay, Google cũng đã xây dựng ứng dụng riêng dành cho trẻ em co tên Youtube Kid, với giao diện thiết kế phù hợp tâm lý cùng các nội dung chỉ xoay quanh giáo dục, âm nhạc và hoạt hình, bộ lọc tự động loại bỏ những video không thân thiện với trẻ em khiến bố mẹ có thể yên tâm khi cho con trẻ giải trí.

YouTube Kids được xây dựng với bốn thẻ gồm Shows, Music, Learning, Explorer và khu vực tìm kiếm, cài đặt.

Những đứa trẻ của thế hệ Z - thế hệ “netizen” (công dân số) vốn đã quen với màn hình điện thoại, vi tính, khi mạng xã hội chiếm thế thượng phong và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống đô thị.

Cũng giống như lần đầu tập đi, bước chân đầu đời chập chững bước vào thế giới mạng cần bố mẹ nắm thật chặt tay.

Hương Giang

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tre-em-voi-youtube-can-ve-dung-duong-cho-huou-chay-post257485.info