Trẻ em, người lớn, bà bầu ồ ạt nhập viện ở Sài Gòn vì bệnh sởi

Mới chỉ nửa tháng một của năm 2019 nhưng tại các khoa bệnh truyền nhiễm của bệnh viện nhi và bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP.HCM đã quá tải do tình trạng bệnh nhân ồ ạt nhập viện vì mắc bệnh sởi.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện khoa có hơn 60 ca sởi, các bệnh nhi nhập viện phần lớn là ở các tỉnh ngoài TP.HCM, chiếm 70% tổng số các bệnh nhi điều trị nội trú.

Còn tại Khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện đang điều trị nội trú trung bình mỗi ngày cho gần 40 ca mắc sởi, trong đó có khoảng 5 ca phải chăm sóc đặc biệt.

Các bác sĩ chỉ định nhập viện những trường hợp đã mắc biến chứng, số ca nhẹ được hướng dẫn chăm sóc tại nhà, khi có bệnh không thuyên giảm thì đưa vào tái khám và điều trị tại bệnh viện.

Nhiều trẻ nhập viện vì dịch bệnh. Ảnh: NĐ

Không chỉ trẻ em mắc sởi gia tăng mà bệnh nhân là người lớn cũng nhập viện rất nhiều. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, số bệnh nhân là người lớn nằm điều trị vì mắc bệnh sởi chiếm 50% số ca mắc.

Đặc biệt, có nhiều trường hợp thai phụ mắc bệnh sởi. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, tính từ tháng 10-2018 đến nay, đã có 7 thai phụ mắc sởi, trong đó ba trường hợp phải chấm dứt thai kỳ.

Theo BS chuyên khoa Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, số bệnh nhân mắc sởi tăng đột biến so với cùng kỳ. Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới bố trí 2 khoa điều trị Sởi. Một khoa điều trị sởi cho người lớn và 1 khoa điều trị sởi cho trẻ em. Mỗi khoa có 50 giường bệnh, hiện có 67 bệnh nhân/100 giường bệnh ở 2 khoa.

BS Hoa khuyến cáo, 2019 là năm chu kỳ dịch sởi sau 4 năm bùng phát vào 2014. Do đó, người dân không chủ quan khi người bên cạnh mắc bệnh sởi.

Theo y văn, sởi là bệnh truyền nhiễm dễ lây nhất. Bệnh do virus sởi gây ra. Virus này lây lan qua không khí khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi. Bệnh bắt đầu bằng sốt và sau đó xuất hiện các triệu chứng ho, hắt hơi, đỏ mắt và phát ban sau đó.

Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng từ nhẹ như tiêu chảy, viêm tai giữa đến biến chứng nặng nề như viêm phổi, viêm não. Các biến chứng nghiêm trọng này có tỉ lệ tử vong cao.

Mọi người nhiễm virus Sởi đều có biểu hiện lâm sàng, vì thế cách ly triệt để người mắc và nghi ngờ mắc khi có biểu hiện sốt, phát ban sẽ giảm được 50% nguy cơ dịch lan rộng.

Chích ngừa được xem là phương tiện phòng ngừa an toàn và hiệu quả nhất đối với bệnh sởi. Ảnh: NĐ

Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo, các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh Sởi cần lưu ý tuân thủ đúng quy định của Sở Y tế, tránh lây lan và lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Trong trường hợp cho điều trị ngoại trú cần phải tư vấn kỹ cho người bệnh và người nhà việc cách ly và tự cách ly để tránh lây lan trong gia đình và cộng đồng.

Chích ngừa được xem là phương tiện phòng ngừa an toàn và hiệu quả nhất đối với bệnh này. Vắc xin sởi rất an toàn và hiệu quả, và các tác dụng ngoại ý (nếu có) thường nhẹ.

Nếu tất cả người dân được tiêm ngừa đầy đủ, toàn bộ cộng đồng sẽ không có khả năng mắc bệnh. Do đó, khi trẻ và các thành viên trong gia đình được tiêm ngừa đúng lịch, bản thân trẻ, gia đình, và cả cộng đồng sẽ được bảo vệ khỏi bệnh sởi. Khi tỉ lệ tiêm chủng trong cộng đồng cao, bệnh sởi có thể được loại trừ.

Ngô Đồng

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/suc-khoe/tre-em-nguoi-lon-ba-bau-nhap-vien-vi-benh-soi_68245.html