Trẻ em ngày càng ít thời gian chơi trò chơi

Trò chơi đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tư duy và học tập của trẻ em. Tuy nhiên, ngày nay trẻ em ngày càng có ít thời gian để vui chơi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được Ángeles Conde Rodríguez-Giáo sư tâm lý và giáo dục thuộc Trường Đại học Vigo, Tây Ban Nha giải thích trên báo Le Point của Pháp mới đây.

“Ta đi chơi nào!” Đây là cụm từ mà nhiều người lớn thường nói khi còn thơ ấu. Ngày nay, chơi trò chơi trở nên hiếm hơn trong cuộc sống hằng ngày của các gia đình. Theo một số nghiên cứu, trẻ em ngày nay chơi ít hơn trước, khoảng 1 giờ 30 phút/ngày và chúng ngừng chơi với đồ chơi truyền thống sớm hơn. Trẻ em từ 7 đến 9 tuổi thường thích các thiết bị điện tử hơn là búp bê, tượng, diều hay ô tô đồ chơi...

Sự xuất hiện của các thiết bị điện tử, cuộc sống ở các thành phố lớn-nơi việc đi chơi ít hơn, kém an toàn hơn, những ngày học kéo dài sau các hoạt động ngoại khóa là những lý do có thể giải thích cho việc trẻ ngày càng ít chơi trò chơi.

 Các trò chơi ngoài trời giúp trẻ phát triển thể chất. Ảnh: Getty

Các trò chơi ngoài trời giúp trẻ phát triển thể chất. Ảnh: Getty

Chơi để học hỏi và phát triển tư duy

Trong nhiều năm, chúng ta biết tầm quan trọng của việc vui chơi đối với sự phát triển tư duy cũng như học tập của trẻ em. Một số nghiên cứu ở Mỹ cảnh báo về mối liên hệ giữa việc giảm thời gian vui chơi với sự gia tăng lo lắng, trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Trò chơi xuất hiện ở mọi nền văn hóa, mọi thời đại với bằng chứng là nhiều di tích khảo cổ học của một số đồ chơi đã được phát hiện. Trẻ sơ sinh trải qua giai đoạn chưa trưởng thành về mặt sinh học khiến chúng phụ thuộc vào người lớn để sinh tồn. Ở giai đoạn này, trẻ dành phần lớn thời gian để chơi.

Sự non nớt này cho phép trẻ hưởng lợi từ việc vui chơi, qua đó trẻ có thể luyện tập hành vi bắt chước người lớn, học cách kiểm soát sự chú ý và cảm xúc cũng như dần dần hòa nhập vào thế giới người lớn.

Những hoạt động này của trẻ em đóng góp tích cực cho sự phát triển con người ở tất cả các khía cạnh, từ thể chất, tâm lý đến phát triển tư duy và sáng tạo…

Trò chơi nhóm, trò chơi vận động, trò chơi trí tưởng tượng...

Có rất nhiều hành vi của con người được nhóm vào thuật ngữ “chơi” và không có gì ngạc nhiên khi mọi lĩnh vực phát triển của trẻ đều có một số hình thức chơi. Tuy nhiên, chúng thường được phân loại thành 5 loại chính: Hoạt động thể chất, chơi với đồ vật, chơi tượng trưng, chơi mô phỏng và tưởng tượng và trò chơi dựa trên quy tắc.

Hoạt động thể chất bao gồm các hoạt động như nhảy, leo trèo, chơi bóng, được bắt đầu từ năm thứ hai của cuộc đời mỗi người. Hoạt động thể chất cũng bao gồm các hoạt động vận động như cắt, tô màu,… hay chơi theo nhóm, đặc trưng của trường mầm non, như đấu vật, đá và đánh nhau, qua đó trẻ học cách kiểm soát sự hung hăng của mình. Những trò chơi này không chỉ thúc đẩy sự phát triển vận động và giác quan mà còn thúc đẩy các kỹ năng gắn bó và hiểu biết về các kỹ năng xã hội và cảm xúc.

Trẻ em ngày nay chơi ít hơn trước, khoảng 1 giờ 30 phút/ngày. Ảnh: Le Point

Chơi với đồ vật được bắt đầu ngay trong những tháng đầu tiên của cuộc đời khi bé có thể nắm và giữ đồ vật. Chúng bắt đầu chà xát đồ vật, đập chúng, làm rơi… cho đến khi chúng có thể sắp xếp, phân loại và xếp hình.... Đây là những hoạt động đóng vai trò là cơ chế để trẻ khám phá thế giới xung quanh.

Trò chơi tượng trưng xuất hiện ở trẻ 2-3 tuổi, tập trung vào việc sử dụng các hệ thống biểu tượng như ngôn ngữ, đọc, vẽ hoặc âm nhạc và thúc đẩy sự phát triển năng lực phản ánh về trải nghiệm, cảm xúc,...

Trò chơi mô phỏng và tưởng tượng, trong đó các đồ vật được biến đổi để đại diện cho người khác (cái chổi tượng trưng cho ngựa, ngón tay giả làm súng,…), xuất hiện ở trẻ 1 tuổi, giúp trẻ phát triển tư duy trừu tượng, có các kỹ năng nhận thức, xã hội và học tập trong tương lai.

Trò chơi dựa trên quy tắc gồm các trò chơi ngoài trời, chẳng hạn như trốn tìm hoặc các hoạt động thể thao, chơi cờ hoặc trò chơi điện tử. Những trò chơi này phát triển sự hiểu biết về các quy tắc và khía cạnh của đời sống xã hội như thay phiên nhau, chia sẻ hoặc hiểu quan điểm của người khác.

Vui chơi, hoạt động xã hội và quyền trẻ em

Trong những thập kỷ gần đây, với việc người dân đổ về thành phố sinh sống, các trò chơi truyền thống và ngoài trời đã giảm dần, nhường chỗ cho các trò chơi có cấu trúc, các hoạt động thể thao và ngoại khóa có tổ chức. Theo kết quả của một số nghiên cứu, trẻ em ngày nay chơi ít hơn so với vài thập kỷ trước. Người ta quan sát sự gia tăng các trò chơi công nghệ (trò chơi điện tử, thực tế ảo...). Thật kỳ lạ, bất chấp những lời chỉ trích, người ta đã quan sát thấy rằng những trò chơi này cung cấp các kỹ năng cần thiết, đáp ứng các đặc điểm của xã hội công nghệ (sự nhanh nhẹn trong việc ra quyết định, giải quyết vấn đề...).

Xét ý nghĩa đối với việc học, vui chơi là một hoạt động không thể thiếu trong thời thơ ấu và được cha mẹ và giáo viên sử dụng như là công cụ giáo dục do tính chất thúc đẩy, vui vẻ và thú vị.

Nói tóm lại, chơi trò chơi không chỉ là hoạt động dành cho trẻ mà còn là một phần quan trọng trong cuộc sống của mọi người ở mọi lứa tuổi. Trò chơi là cơ sở cho sự phát triển các khả năng nhận thức, cảm xúc xã hội và giải quyết vấn đề của con người. Chơi là cần thiết để hoàn thiện con người và được Liên hợp quốc công nhận không chỉ là cơ hội mà còn là một quyền của trẻ em.

PHƯƠNG LINH (theo báo Le Point)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tre-em-ngay-cang-it-thoi-gian-choi-tro-choi-730052