Trẻ em làm phim: Gửi thông điệp bằng nghệ thuật

10 phim ngắn, 2 phóng sự do trẻ em của 12 xã thuộc ba tỉnh Bắc Cạn, Hòa Bình, Cao Bằng tự thực hiện từ A đến Z để nói lên những suy nghĩ, cảm nhận, nỗi niềm, ước muốn của tuổi thơ.

Cùng học cách chọn bối cảnh

Cùng học cách chọn bối cảnh

Thông qua những góc nhìn chân thực, giản dị và cảm động, các em đã gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về một cuộc sống an toàn, tốt đẹp mà mọi trẻ em cần.

Thu cuộc sống vào ống kính

10 phim ngắn, 2 phóng sự do 12 nhóm trẻ em và thanh - thiếu niên trong độ tuổi 8 - 16 đến từ các xã thuộc huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn), Kim Bôi (Hòa Bình) và Quảng Uyên (Cao Bằng) thực hiện vừa được trình chiếu trong chương trình Kết nối trẻ em “Ươm mầm lãnh đạo - Hướng tới tương lai”.

Qua lăng kính tuổi thơ, 12 tác phẩm đã thể hiện những góc nhìn chân thực xoay quanh tình cảm gia đình, tình bạn trong trẻo, ước mơ, hoài bão và nghị lực vươn lên và cả những quan sát tinh tế về góc khuất đời sống với những khó khăn các em đang phải đương đầu.

Bộ phim ngắn “Tại sao không ai quan tâm em?” của nhóm ở xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn kể về một câu chuyện có thật, nhiều cảm xúc. Đó là một cô bé cùng người mẹ nỗ lực vượt qua những tổn thương tinh thần khi bị người cha nghiện rượu, hắt hủi, bạo lực do mang nặng những định kiến về giới. Ở trường, cô bé phải vượt qua sự ganh tỵ, bắt nạt của bạn học chỉ vì thành tích học tập vượt trội.

Bộ phim “Tình cha”, “Mẹ luôn là tất cả với con” đã trả lời câu hỏi điều gì sẽ biến giấc mơ của mỗi trẻ em thành hiện thực? Khi nào thì gia đình thực sự là mái ấm che chở, yêu thương?

“Hãy đừng xa lánh em”, “Có phải tôi đã sai” đề cập đến sự kì thị, phân biệt đối xử bắt nguồn từ những quan niệm sai lầm và sự thiếu hiểu biết đã gây tổn thương và dẫn đến những hệ lụy không hay cho trẻ em như thế nào? Thầy cô, bạn bè và cộng đồng có phải là những người cần bên em, yêu quý và trân trọng em?

“Kết bạn ảo, hậu quả thật”, “Bí mật của Nhẫn” (nhóm trẻ em xã Kim Truy, huyện Kim Bôi và Nhóm trẻ em Trường TH&THCS Nà Khoang, huyện Ngân Sơn) đã gián tiếp đưa ra lời cảnh báo của chính các cô, cậu bé đang mê mẩn với thế giới rộng mở trên mạng xã hội.

Khi thực hiện bộ phim các em không chỉ tự bồi đắp thêm kiến thức, hiểu biết của bản thân, hiểu được giá trị to lớn, nhiều tiện ích mà mạng internet mang lại cho đời sống mà còn thấm thía tác động của “con dao hai lưỡi” này. Đưa ra những cảnh báo về cạm bẫy, nguy cơ bị xâm hại bằng câu hỏi: “Làm thế nào để sử dụng Internet một cách thông minh và an toàn?” chính là hiệu ứng lan tỏa mà nhóm làm phim hướng tới bạn bè và cộng đồng.

Với “Bài học nhớ đời”, “Chuyện của Hoàng” (Nhóm trẻ em - thanh thiếu niên xã Cuối Hạ và xã Kim Truy, huyện Kim Bôi) lại khắc họa đôi ba lát cắt về cuộc sống có nhiều điều mới lạ bên ngoài gia đình, trường học hoặc những tệ nạn xã hội tấn công môi trường học đường đã tác động tiêu cực cho HS và ảnh hương không tốt tới học tập.

Lợi đơn, lợi kép…

Những tác phẩm điện ảnh nhỏ do chính các em thực hiện từ khâu lên kịch bản, quay phim, đóng phim và biên tập hậu kỳ. Sự kiện thuộc Chương trình “Kết nối tiềm năng lãnh đạo” do ChildFund Việt Nam triển khai tại ba tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng và Hòa Bình từ năm 2016 tới nay. 240 trẻ em và thanh - thiếu niên dân tộc thiểu số đã trực tiếp tham gia vào các hoạt động của dự án trong 3 năm qua và đã có nhiều thay đổi vượt bậc trong nhận thức cũng như hành động.

Sự trưởng thành của chính các đạo diễn, biên kịch, diễn viên, nhà quay phim nhí sau khi tham gia dự án đã được trả lời đầy thuyết phục qua phóng sự “Ngày ấy bây giờ” do nhóm trẻ em xã Độc Lập, huyện Quảng Uyên thực hiện.

Lời tâm sự chân thành của các cô bé, cậu bé, về sự ngây ngô, rụt rè, thụ động thiếu các kỹ năng sống cần thiết trước khi được tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng làm phim: “Chúng tôi vẫn nghĩ mình thật là thiệt thòi. Và chúng tôi thường nói với nhau “giá như… giá như”.

Và điều “giá như” ấy đã thành hiện thực khi chúng tôi được tham gia các hoạt động của dự án “Kết nối tiềm năng lãnh đạo”. Chúng tôi hiểu biết hơn, vui vẻ, hào hứng trong học tập và cuộc sống. Bây giờ chúng tôi khác trước nhiều rồi”.

“Chúng em đã học được rất nhiều điều khi tham gia dự án này. Không chỉ được nâng cao kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, phân tích vấn đề, ra quyết định… mà còn được hướng dẫn sử dụng thành thạo các trang thiết bị hiện đại và thực hành mọi khâu, từ cách chọn đề tài, trình bày ý tưởng xây dựng kịch bản, biên kịch, tìm bối cảnh, dựng phim, quay phim, diễn xuất”, Vi Văn Cường phấn khích chia sẻ sau khi nhận giải thưởng “đạo diễn xuất sắc”.

Ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn chia sẻ cảm nhận: Tôi rất xúc động khi xem phim các em làm. Trao cho các em quyền tham gia, các cấp, các ngành và các địa phương cần thay đổi tư duy hành động trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, cần biết khai thác tiềm năng của lớp trẻ để xây dựng những chính sách thiết thực, hiệu quả phù hợp giúp các em phát triển.

Ông Phạm Văn Vinh - Quản lý Văn phòng phát triển vùng của ChildFund tại Bắc Cạn chia sẻ: “Làm phim là cách dễ lôi cuốn trẻ em nhất, thông qua đó trang bị các kỹ năng nền tảng, cần thiết để giúp các em có cái nhìn tích cực vào tương lai và truyền cảm hứng cho các bạn cùng trang lứa.

Khi cảm thấy các ý kiến, quan điểm của mình được tôn trọng và ghi nhận, các em sẽ có ý thức trách nhiệm cao hơn trong hành vi ứng xử với bản thân và cộng đồng. Lắng nghe và thay đổi hành động vì trẻ em là cách hữu hiệu nhất để chúng ta tạo dựng những giá trị nền tảng và quý báu cho xã hội”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/tre-em-lam-phim-gui-thong-diep-bang-nghe-thuat-4006813-b.html