Trẻ em: Hóa ra bố cũng có quyền được khóc và xúc động

'Con tâm đắc với quyền của bố, bố cũng có quyền được khóc và được xúc động', một bạn nhỏ bày tỏ tại tọa đàm: Chuyện gia đình thời hiện đại Ai cũng có quyền diễn ra sáng 6-11.

Sự kiện do Nhà xuất bản Kim Đồng với sự phối hợp của L’Espace tổ chức, nhân dịp ra mắt bộ sách Tuyên Bố Về Quyền.

Bộ sách gồm 4 cuốn: Tuyên Bố Quyền Của Mẹ, Tuyên Bố Quyền Của Bố, Tuyên Bố Quyền Của Con Trai, Tuyên Bố Quyền Của Con Gái.

Tuyên Bố Về Quyền là bộ sách Pháp làm thay đổi suy nghĩ và những định kiến vốn có về quyền của mỗi người trong cuộc sống.

Tại tọa đàm, TS Giáo dục Nguyễn Thị Bích Thủy (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu thực tế có những quyền mà trong xã hội hiện đại rất đề cao như quyền tôn trọng đời sống riêng tư hay quyền được học tập, được tự do ngôn luận.

Tuy nhiên theo TS Thủy, những quyền này ở trong gia đình, đặc biệt là với lứa tuổi học sinh tiểu học, nhiều gia đình hoặc nhiều bậc phụ huynh chưa quan tâm đến.

“Ví dụ như con viết nhật ký hay con có những ý kiến, quan điểm riêng thì bố mẹ hay nhìn hay đánh giá bằng nhận thức và tư duy của người lớn và cho rằng nhu cầu, quan điểm của con là không phù hợp, không chính xác”- TS Thủy nêu dẫn chứng.

Các diễn giả trao đối tại tọa đàm. Ảnh V.T

Các diễn giả trao đối tại tọa đàm. Ảnh V.T

Theo TS Thủy, bố mẹ không biết được rằng chính chúng ta đang vi phạm quyền của con.

“Môi trường xã hội chúng ta khác xã hội phương Tây, phương Tây đề cao quyền cá nhân, còn Việt Nam xã hội phương Đông đề cao tính cộng đồng. Do đó khi cá nhân trong gia đình chúng ta thực hiện nhu cầu, thực hiện mong muốn thì cần đạt sự tương thích với nhu cầu và quyền của những thành viên khác trong gia đình. Dù là xã hội Việt Nam truyền thống hay xã hội Việt Nam hiện đại thì vẫn phải đảm bảo quyền tương thích với chuẩn mực văn hóa của xã hội”- TS Thủy nói.

Tuy nhiên, TS Thủy cũng đề cập đến việc xã hội Việt Nam đã có những thay đổi, đã có sự bình đẳng hơn giữa mỗi người. Tuy nhiên chị cho hay, bình đẳng không có nghĩa là cào bằng, bình đẳng là mỗi người biết được vị trí vai trò của nhau để tôn trọng, để tạo điều kiện cho nhau thực hiện.

Theo chị, khi gia đình xây dựng trên nền tảng yêu thương tôn trọng và chia sẻ mọi người đều được thực hiện yêu cầu của mình thì gia đình sẽ bền vững hạnh phúc.

TS Võ Khánh Linh (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cũng cho rằng, giá trị của quyền không dừng lại ở việc luật quy định và ghi nhận trẻ em có quyền mà còn ở vấn đề được biết về quyền của mình và được bố mẹ tạo điều kiện thực hiện quyền của mình.

“Nếu không đó chỉ là quyền hình thức và có hay không không quan trọng”- TS Linh nêu ý kiến.

Một trong những cuốn sách trong bộ sách "Tuyên Bố Về Quyền".

Tại tọa đàm, nhiều em nhỏ sau khi được tiếp cận các quyền của mình hay quyền của bố mẹ cũng đã bày tỏ quan điểm cá nhân mình. Một bạn nam bày tỏ, mình rất ấn tượng với quyền của bố: “Bố cũng có quyền được khóc, bố cũng có quyền được xúc động”- bạn nam nói.

Trong khi đó, một bạn nữ thì bộc bạch: Hóa ra con trai cũng có quyền được chơi búp bê như con gái.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-tri/xem-nghe-doc/tre-em-hoa-ra-bo-cung-co-quyen-duoc-khoc-va-xuc-dong-948456.html