Trẻ em dễ béo phì nếu cha mẹ thường xuyên bị căng thẳng

Trẻ em có cha mẹ thường xuyên bị căng thẳng tâm lý dễ bị phát triển béo phì ngay từ những năm đầu đời.

Cuộc sống phát triển giúp điều kiện sinh hoạt và chế độ ăn uống cho trẻ tốt hơn. Tuy nhiên, cũng vì thế mà tỷ lệ béo phì ở trẻ em ngày càng tăng khiến mọi người lo ngại về sức khỏe của trẻ.

Một nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ lớn lên với cha mẹ thường xuyên bị căng thẳng có nhiều khả năng trở nên béo phì. Trẻ em tăng cân nhiều hơn trong độ tuổi từ 5 đến 14 nếu cha mẹ của trẻ bị lo lắng sau khi sinh con. Cân nặng của các bé gái dường như cũng bị ảnh hưởng bởi sự lo lắng của cha mẹ nhưng điều này lại không ảnh hưởng đến các bé trai.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học College London nói rằng, cần phải tiến hành theo dõi nhiều hơn nữa để xác định lý do cho mối liên hệ có thể xảy ra này. Họ cảnh báo những bậc cha mẹ hay căng thẳng có thể cho con ăn quá nhiều hoặc không cho chúng tự do vận động cần thiết.

Những lo ngại của cha mẹ vô tình ảnh hưởng đến trẻ, chúng có thể chuyển sang ăn uống thoải mái như một cơ chế đối phó. Hoặc những lo lắng xuất phát từ tình trạng thiếu thốn trong xã hội và không đảm bảo việc làm, có thể ảnh hưởng đến chất lượng chế độ ăn uống và lối sống của trẻ.

 Trẻ có cha mẹ thường xuyên lo lắng khi chúng 9 tháng - 3 tuổi có khả năng bị béo phì cao hơn ngay từ những năm đầu đời.

Trẻ có cha mẹ thường xuyên lo lắng khi chúng 9 tháng - 3 tuổi có khả năng bị béo phì cao hơn ngay từ những năm đầu đời.

Nhà tâm lý học Kristiane Tommerup đã phân tích dữ liệu của hơn 6000 trẻ em sinh ra ở Anh từ năm 2000 đến năm 2002. Những nhà nghiên cứu đã hỏi các phụ huynh có bị căng thẳng khi con họ được 9 tháng tuổi và 3 tuổi hay không.

Họ cũng ghi nhận sự tăng cân và chất béo của trẻ em từ 5-14 tuổi. Khoảng 10% các bà mẹ cho biết họ bị đau khổ về mặt cảm xúc khi con được 9 tháng và 3 tuổi. Tỷ lệ ở các ông bố đã tăng từ 6% lên 10% trong giai đoạn này.

Tình trạng cảm xúc tiêu cực của các ông bố được báo cáo khi con được 9 tháng có liên quan đến sự gia tăng mạnh hơn về chỉ số khối cơ thể (BMI) và lượng mỡ cơ thể dư thừa ở cả bé gái và bé trai. Trong khi đó, sự lo lắng của các bà mẹ được báo cáo ở 9 tháng và 3 tuổi có liên quan đến việc chỉ số BMI và mỡ thừa cơ thể tăng cao hơn ở những bé gái.

Ngoài ra, gần 1/4 trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì vào thời điểm bắt đầu học tiểu học ở Anh. Trẻ em khoảng 5 tuổi sống ở các khu vực thiếu thốn của Vương quốc Anh có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao gấp đôi so với những trẻ sống ở các khu vực khá giả hơn.

Tommerup nói: “Chúng tôi biết những năm đầu đời rất quan trọng đối với sự phát triển cân nặng lành mạnh, tuy nhiên chúng tôi không biết chính xác những tiếp xúc tâm lý và xã hội nào trong những năm đầu khiến một số trẻ có nguy cơ bị thừa cân cao hơn trong thời thơ ấu.

Phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh việc thiếu hỗ trợ xã hội, sức khỏe tâm thần và kinh tế xã hội dành cho cha mẹ có thể có những tác động lâu dài về sức khỏe đối với con cái họ như thế nào.

Có vẻ như tâm lý bất ổn của những người làm cha mẹ có thể khiến con họ có nguy cơ bị thừa cân tăng lên. Điều này nhấn mạnh vai trò quan trọng của cha mẹ trong việc hình thành sự phát triển lành mạnh của con cái ngay từ khi mới chào đời.

Để bảo vệ sức khỏe của trẻ em, cần phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ sức khỏe tâm thần và phúc lợi cho cả cha và mẹ trong những năm đầu, cũng như giải quyết các nguyên nhân xã hội rộng hơn gây ra bất bình đẳng về sức khỏe tâm thần. Cần có những nghiên cứu sâu hơn để khám phá các cơ chế sinh học, xã hội và hành vi nằm bên dưới những mối liên hệ này”.

Hương Giang (theo: dailymail)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tre-em-de-beo-phi-neu-cha-me-thuong-xuyen-bi-cang-thang-d186976.html