Trẻ em đang bị xâm hại tình dục như thế nào trên mạng

Đại biểu Quốc hội cho rằng tình hình xâm hại trẻ em trên môi trường mạng đang diễn biến phức tạp. Kẻ xấu có nhiều thủ đoạn để lợi dụng trẻ em.

Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Sau khi nghe báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, Quốc hội dành phần lớn thời lượng buổi sáng để lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh những ý kiến về việc xâm hại trẻ em tại các không gian ở ngoài xã hội, trong gia đình, ở trường học, các đại biểu cũng đề cập đến việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Tạo tài khoản mạo danh để xâm hại trẻ em

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, sự phát triển của Internet và mạng xã hội khiến trẻ em trở thành công dân số từ rất sớm. Sự phát triển của mạng đã tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức các em giao tiếp với xã hội.

Theo báo cáo của các cơ quan tổ chức hữu quan tại Hội thảo của Đoàn giám sát tổ chức đầu năm nay, mỗi ngày, hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em bị đưa lên mạng với hầu hết hình ảnh bạo lực, xâm hại tình dục.

Kết quả khảo sát cho thấy, cứ 4 trẻ được khảo sát thì 1 trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng. Số trẻ em gái bị bắt nạt cao gấp 3 lần so với trẻ em nam.

"Về thủ đoạn phạm tội, qua nghiên cứu các vụ án thấy rằng, với công nghệ, chưa bao giờ việc tiếp cận và xâm hại trẻ em lại xảy ra dễ dàng đến như vậy", bà Thủy cho biết.

 Đại biểu Quốc hội cho biết các đối tượng xâm hại trẻ em trên mạng có nhiều thủ đoạn để lợi dụng các em. Ảnh minh họa.

Đại biểu Quốc hội cho biết các đối tượng xâm hại trẻ em trên mạng có nhiều thủ đoạn để lợi dụng các em. Ảnh minh họa.

Theo đó, thủ đoạn kẻ xấu thường dùng là lập các phòng chat ảo, thiết lập hoặc tham gia các trang web, các diễn đàn trên mạng để tìm kiếm trẻ em và thả tin nhắn, lời thoại làm quen.

Các đối tượng luôn lấy tên tuổi hình ảnh giả và tạo ấn tượng ban đầu với các em là người có học thức, có điều kiện kinh tế khá giả, hiểu tâm lý sở thích của trẻ em và luôn sẵn sàng chia sẻ.

Sau một thời gian trò chuyện, bọn chúng chuyển chủ đề từ học hành sở thích sang chủ đề về giới, về tình dục, lôi kéo trẻ cùng xem phim, xem các hình ảnh khiêu dâm trên mạng. Bước tiếp theo, các đối tượng này dụ dỗ trẻ, phơi bày các bộ phận cơ thể, tạo dáng, biểu diễn tình dục trước máy quay giống như trong phim.

Khi đã có những hình ảnh, đoạn phim của trẻ thì các đối tượng ép trẻ phải quan hệ tình dục, nếu không sẽ phát tán hình ảnh trên mạng.

Ngoài ra, các đối tượng cũng có thể giả làm người cùng giới với trẻ. Chúng lấy ảnh đại diện là bé gái 14-15 tuổi, rồi nhắn tin, kết bạn, làm quen, trò chuyện về sự phát triển các bộ phận trên cơ thể. Sau đó là gạ gẫm, chụp cho nhau xem. Nhiều em nghĩ rằng là bạn cùng giới nên đã mất cảnh giác gửi hình ảnh cho chúng.

Nhiều vụ án, các đối tượng sử dụng các đoạn phim này để khai thác thương mại.

Kiến nghị đưa hướng dẫn sử dụng mạng an toàn vào môn Tin học

Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn hơn rất nhiều so với các vụ xâm hại ở ngoài xã hội. Bởi lẽ, nếu như các vụ xâm hại ở ngoài xã hội chỉ một vài người chứng kiến, nhưng nếu việc xâm hại bị đưa lên mạng, thì hình ảnh xâm hại có thể theo các em suốt cuộc đời.

"Trẻ em rất yêu thích công nghệ và thích khám phá những điều mới mẻ. Tuy nhiên, với chiếc điện thoại thông minh mà không có sự hướng dẫn của người lớn, trẻ vẫn có nguy cơ bị xâm hại ngay cả khi đang ngồi trong nhà với cha mẹ", bà Thủy nhận định.

Theo công bố mới nhất của tổ chức Kaspersky, 84% phụ huynh trên toàn thế giới lo lắng về vấn đề an toàn của con khi sử dụng mạng. Tuy nhiên trung bình, các bậc phụ huynh chỉ dành 46 phút để trò chuyện với con về vấn đề này trong suốt thời thơ ấu của trẻ.

Trên cơ sở nghiên cứu về loại tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đưa ra 3 kiến nghị để phòng tránh nguy cơ từ việc này.

Thứ nhất, kiến nghị các bậc phụ huynh dành sự quan tâm thỏa đáng để hướng dẫn con sử dụng mạng an toàn và hướng cho con trở thành một công dân có trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội.

Thứ hai, kiến nghị Bộ Giáo dục đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học Tin học.

Thứ ba, kiến nghị Bộ Công an thông tin đầy đủ các phương thức thủ đoạn của tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác; đồng thời tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện được sớm.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tre-em-dang-bi-xam-hai-tinh-duc-nhu-the-nao-tren-moi-truong-mang-post1089020.html