Trẻ em có nên cắt amidan?

Thời tiết đổi mùa, mưa nắng thất thường khiến gia tăng bệnh lý nhiễm trùng hô hấp trong đó có viêm amidan.

Thời tiết thất thường khiến trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm đường hô hấp

6 tuổi chỉ 18kg vì thường xuyên dùng kháng sinh

Kỳ công chăm sóc cậu con trai độc nhất, thế nhưng chị Nguyễn Hồng Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) vô cùng mệt mỏi vì cậu bé cứ còi cọc mãi chẳng lớn do liên tục ốm sốt viêm amidan. Chị Nhung chia sẻ: “Con chị năm nay 6 tuổi, cháu bị viêm amidan quá phát đã 2 năm nay, thường xuyên phải dùng thuốc kháng sinh. Có lẽ đây là lý do khiến con còi cọc hơn nhiều so với chúng bạn. 6 tuổi chưa đầy 18kg. Dù bác sĩ có chỉ định nên phẫu thuật cắt amidan nhưng tôi vô cùng lo lắng, e ngại lỡ xảy ra biến chứng nên vẫn lừng khừng chưa quyết”.

Đưa con đến khám ở BV Tai - Mũi - Họng, chị Nguyễn Thanh Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng ngồi thần ra khi bác sĩ chỉ định con chị nên phẫu thuật cắt amidan. Chị Lan cho hay: “Con chị đã 7 tuổi và viêm amidan từ 5 năm nay. Cứ thay đổi thời tiết, hay thậm chí chỉ lỡ uống nước lạnh, viêm amidan lại tái phát. Mỗi lần viêm tôi thường ra hiệu thuốc tự mua về cho con uống. Tuy nhiên, lần này, con không chỉ sốt, mà còn than đau đầu, chóng mặt và có dấu hiệu ngủ ngáy rất to khiến gia đình vô cùng lo lắng, nên buộc phải đưa đi viện”. Theo chị Lan, trường hợp con chị được chỉ định nên cắt amidan. Tuy vậy, gia đình đang cân nhắc vì nghe thông tin nếu cắt amidan trẻ sẽ dễ viêm đường hô hấp hơn.

Lo lắng, thắc mắc của chị Nhung, chị Lan cũng là nỗi lo của không ít các gia đình có con bị viêm amidan.

Theo PGS.TS. Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc BV Tai - Mũi - Họng T.Ư, thời gian gần đây, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp trên tăng nhất định, đặc biệt thời tiết mưa nắng thất thường như vừa qua, trong đó có cả viêm amidan. Lượng tăng ước khoảng 10%. “Viêm amidan có hai nguyên nhân là do nhiễm vi khuẩn và virus. Khi đưa trẻ đi khám hoặc người lớn đi khám bác sĩ sẽ phân biệt được viêm do vi khuẩn hay virus, nếu do virus chỉ điều trị triệu chứng. Nếu do vi khuẩn thì điều trị kháng sinh. Nếu không cho trẻ đi khám thì sẽ không biết được con bị nhiễm do vi khuẩn hay virus. Nhiều người có thói quen ra hiệu thuốc mua thuốc, thậm chí mua kháng sinh dùng dù có thể bệnh đấy chưa phải dùng đến kháng sinh vì do nhiễm virus. Như thế dẫn đến lạm dụng kháng sinh và dẫn đến tình trạng nguy hiểm là kháng kháng sinh”, ông Cảnh cho biết.

Khi nào cần cắt amidan?

Trước những băn khoăn về việc nên hay không cắt amidan cho trẻ, ông Cảnh cho hay: “Bệnh nhân chỉ có chỉ định cắt khi điều trị nội khoa không có kết quả, bị nhiều lần một năm điều trị với khoảng 5 lần và nhiều đợt cấp. Hoặc viêm amidan quá phát, gây biến chứng viêm tai giữa, viêm xoang… có những đứa trẻ đến khám có ngủ ngáy, thậm chí ảnh hưởng đến việc học tập cũng được chỉ định cắt amidan. Tuy nhiên, việc cắt amidan phải có chỉ định vì amidan cũng là một bộ phận của cơ thể nó có chức bảo vệ cửa ngõ của cơ quan hô hấp, vì nếu chỉ định không đúng thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Trong y học hiện đại viêm amidan chia làm hai thể cấp và mãn. Viêm amidan thường xảy nhiều đợt, chia nhiều biến chứng tại chỗ áp xe, hình thành ổ mủ vùng họng, biến chứng viêm tai, viêm mũi xoang. Biến chứng xa, từ viêm amidan tác nhân do liên cầu có thể gây viêm khớp, viêm tim, viêm đường hô hấp dưới, viêm phế quản.

Lý giải thêm về phẫu thuật cắt amidan, theo ông Cảnh, cắt amidan vẫn có yếu tố nguy cơ chảy máu do cắt amidan không thể khép kín mà để hở. Tuy nhiên, với nền y học hiện đại có nhiều biện pháp cầm máu cho bệnh nhân, do vậy bệnh nhân thường mất không nhiều máu. “Bên cạnh đó, khi cắt amidan phần họng rỗng ra nên vi khuẩn dễ xâm nhập, nhiễm trùng, không ai dám khẳng định 100% là khi cắt không xảy ra biến chứng nhưng nếu làm đúng chỉ định và kỹ thuật thì không đáng lo ngại”, ông Cảnh cho biết.

Được biết, kinh phí cắt amidan không kể bảo hiểm ước khoảng 10 triệu đồng, bệnh nhân nằm viện khoảng 2-3 ngày, tuy vậy, thời gian thực sự phẫu thuật chỉ khoảng nửa tiếng.

Theo khuyến cáo của ông Cảnh, nhiều người nghĩ rằng sau khi cắt amidan rồi thì sẽ không bị viêm nữa nhưng thực tế có rất nhiều người tuy đã hết viêm amidan nhưng lại bị viêm họng mạn tính, viêm thanh quản sau cũng gây mệt mỏi không kém. Chính vì vậy, để phòng tránh viêm đường hô hấp, cần giữ gìn vệ sinh miệng, súc miệng, giảm tác động môi trường đến cơ thể, ra ngoài đeo khẩu trang, tránh bị lạnh khi trời lạnh, tránh hút thuốc lá thụ động; khi giao mùa cần giữ ấm cơ thể.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tre-em-co-nen-cat-amidan-d271607.html