Trẻ dưới 18 tháng tuổi ít được tiếp cận các trường mầm non

Hiện nay, các trường mầm non (MN), đặc biệt là các trường MN ngoài công lập phát triển nhanh, góp phần giải quyết nhu cầu gửi trẻ của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, hầu hết các trường mới chỉ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ trên 18 tháng tuổi, mà chưa chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để tiếp nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi.

Trường Mầm non tư thục Vườn Mặt Trời (TP Thanh Hóa) nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên.

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 679 trường MN, trong đó có 653 trường công lập, 26 trường tư thục (tăng 7 trường so với cùng kỳ năm học trước). Tổng số trẻ MN đến trường đạt 67,63% so với số trẻ trong độ tuổi (tăng 0,9% so với cùng kỳ năm học trước), trong đó số trẻ đến trường chỉ đạt 26,1%; số trẻ mẫu giáo đến trường là 96,1%. Theo tìm hiểu của chúng tôi chỉ có một vài trường nhận trẻ từ 15-18 tháng tuổi, không có trường nào nhận trẻ từ 3-15 tháng tuổi. Theo điều lệ trường MN quy định, các cơ sở giáo dục MN phải tổ chức thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em từ 3-72 tháng tuổi theo chương trình giáo dục MN của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Như vậy, trên thực tế các trường MN hiện nay chưa thu nhận hết trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và chủ yếu nhận trẻ ở 18-24 tháng tuổi trở lên, chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ 3-18 tháng tuổi của phụ huynh.

Giải thích về việc khó tiếp nhận trẻ có độ tuổi dưới 18 tháng tuổi, cô giáo Nguyễn Thị Mười, Hiệu trưởng Trường MN Trường Thi B (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa), cho biết hiện nay theo chủ trương của ngành thì ưu tiên phổ cập trẻ MN 5 tuổi trước. Để có sự tiếp nối cấp học thì độ tuổi ưu tiên tiếp theo là 4 tuổi, 3 tuổi sau đó mới đến độ tuổi nhà trẻ. Cũng theo cô Mười, trong quá trình dạy các cháu từ 18-24 tháng thì nhà trường cũng có những khó khăn nhất định. Độ tuổi này các cháu nhỏ, sức đề kháng rất yếu, khả năng tự phục vụ của các cháu chưa tốt. Để bảo đảm an toàn trong việc chăm sóc lớp nhà trẻ thì nhà trường cũng đã phải lựa chọn những giáo viên có thâm niêm công tác và có nhiều kinh nghiệm. Do đó, trường chưa nhận trẻ ở độ tuổi dưới 18 tháng tuổi.

Trong khi trường công lập chưa sẵn sàng việc tiếp nhận độ tuổi nhà trẻ do đang tập trung vào phổ cập cho trẻ ở độ tuổi 3-5 tuổi thì các trường ngoài công lập cũng có những khó khăn riêng. Cô giáo Phan Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường MN tư thục Họa Mi (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) chia sẻ: Việc nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi rất khó khăn cho các trường công lập và tư thục bởi khi nhận độ tuổi này đòi hỏi các trường phải có sự đầu tư tương đối lớn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và môi trường. Bởi, đối với trẻ ở độ tuổi càng nhỏ, không gian, môi trường quanh trẻ cần tuyệt đối an toàn, đồng thời đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải có nhiều kinh nghiệm và có kiến thức chuyên môn tốt.

Theo quy định, nhóm trẻ độ tuổi 3-12 tháng tuổi, mỗi lớp 15 trẻ; 12-24 tháng tuổi, 20 trẻ/lớp. Mỗi lớp nhà trẻ được bố trí 2,5 giáo viên/nhóm lớp hay 1 giáo viên nuôi dạy 6 trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi hoặc 8 trẻ từ 13 đến 24 tháng tuổi hoặc 10 trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi. Có thể thấy, số lượng giáo viên theo quy định là hơi ít so với số trẻ và số lượng công việc ở mỗi lớp, đặc biệt là lớp trẻ độ tuổi 3-18 tháng tuổi. Do trẻ ở độ tuổi nhỏ thì đòi hỏi sự tỉ mỉ của người giáo viên. Tìm hiểu tại các trường MN, hầu hết các trường sắp xếp từ 2-4 giáo viên/lớp trẻ 18-24 tháng tuổi. Trường MN tư thục Vườn Mặt Trời (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), mới thành lập từ năm 2016, được đầu tư cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, được công nhận là trường đạt chuẩn độ 2 (năm 2018), mỗi nhóm lớp mẫu giáo có từ 30-35 trẻ/lớp, được bố trí 2-3 giáo viên; nhóm nhà trẻ 18-24 tháng tuổi có 20-25 trẻ/lớp, được bố trí đến 4 giáo viên. Với cơ chế riêng như vậy nên mức học phí hàng tháng nhà trường đã phải thu là 1,35 triệu đồng với nhóm nhà trẻ (18-24 tháng); 1,15 triệu đồng đối với trẻ mẫu giáo. Cô giáo Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng Trường MN tư thục Vườn Mặt Trời cho biết: Nếu tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi, số trẻ mỗi lớp ít hơn, lượng giáo viên đông hơn, học phí sẽ cao hơn và nhà trường phải đầu tư cơ sở vật chất nhiều hơn, an toàn hơn, chi phí cao hơn. Do đó, việc nhận trẻ từ 3-18 tháng tuổi cũng chưa được nhà trường thực hiện.

Thực tế cho thấy, các trường MN đều chưa đủ “can đảm” để nhận trẻ từ 3-18 tháng tuổi. Do đó, một số phụ huynh có nhu cầu gửi con trong độ tuổi này đều phải “ngậm ngùi” gửi con ở các nhóm lớp tư thục độc lập hay ở các nhóm trẻ gia đình. Chị Nguyễn Thị Hà, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết: Gia đình tôi có nhu cầu gửi con từ 12 tháng tuổi, tuy nhiên không có trường MN nào nhận, do đó tôi phải gửi con tại nhóm lớp tư thục gần nhà. Không phải riêng chị Hà, mà không ít gia đình đã phải gửi con ở các nhóm lớp tư thục, do không có trường nào tiếp nhận. Qua tìm hiểu nhu cầu các phụ huynh, cho thấy nhu cầu gửi trẻ từ độ tuổi 3-12 tháng tuổi còn ít, nhưng nhu cầu gửi trẻ từ 12-18 tháng tuổi, đặc biệt là 15-18 tháng tuổi là không ít. Thiết nghĩ, để tạo mọi điều kiện huy động tối đa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi từ 3 tháng đến 6 tuổi đều được tiếp cận với dịch vụ MN có chất lượng, ngành giáo dục cần mở rộng quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng hệ thống các cơ sở giáo dục MN trên địa bàn, bảo đảm sự cân bằng trong thụ hưởng dịch vụ giáo dục MN cho mọi trẻ em, đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/tre-duoi-18-thang-tuoi-it-duoc-tiep-can-cac-truong-mam-non/97758.htm