Trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắcxin

Vừa qua, tại tỉnh Lâm Đồng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2016-2020 với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư; Viện Kiểm định Quốc gia vắcxin và sinh phẩm y tế, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Ban điều hành Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia và các khu vực, đại diện các Cty sản xuất vắcxin trong nước.

Hội nghị đã tập trung tổng kết kết quả thực hiện Dự án tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2016-2020 thuộc Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số; tình hình triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên và quản lý đối tượng tiêm chủng; triển khai công tác tiêm chủng tại vùng miền núi khó khăn. Hội nghị cũng triển khai hoạt động tiêm chủng bổ sung tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020. Theo GS-TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương-Trưởng Ban Điều hành Dự án tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắcxin cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt hơn 95% trên toàn quốc. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi từ năm 2000 đến nay luôn được duy trì ở mức 90% trên toàn quốc. Mục tiêu của dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia là tiến tới khống chế và loại trừ một số bệnh có vắcxin phòng ngừa trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Ảnh: N.Đăng

Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Ảnh: N.Đăng

Do tác động của dịch Covid-19, các tháng đầu năm 2020, công tác tiêm chủng mở rộng bị ảnh hưởng do tạm hoãn thực hiện trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều cha mẹ "ngại" đưa con đi tiêm chủng trong thời gian dịch. Ước tính có khoảng 100.000 trẻ bỏ qua mũi vắcxin DPT-VGB-Hib (vắcxin phối hợp “5 trong 1” DPT-VGB-Hib bao gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt, kháng nguyên virus viêm gan B và kháng nguyên vi khuẩn).

Theo báo cáo, đến nay, Việt Nam đã đạt và duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt. Cụ thể, Việt Nam thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 và đang tiếp tục thực hiện tốt chiến lược bảo vệ thành quả; đạt và duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh. Việt Nam cũng đã khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi; duy trì tỷ lệ tiêm chủng vắcxin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt hơn 95%. Bệnh sởi được khống chế nhưng vẫn còn nhiều thách thức để loại trừ. Dự án tiêm chủng mở rộng đã triển khai một số vắcxin mới. Trong đó, cả nước đã triển khai thành công vắcxin (bại liệt) IPV. Từ 2018 đến nay, đã có hơn 2 triệu trẻ em được tiêm 1 liều vắcxin bại liệt khi 5 tháng tuổi an toàn trên phạm vi cả nước...

Năm 2020, mở rộng diện triển khai vắcxin uốn ván-bạch hầu giảm liều ra 35 tỉnh cho khoảng 1 triệu trẻ. Dự án cũng tổ chức tập huấn cho thành viên Hội đồng của 63 tỉnh, TP về điều tra và đánh giá nguyên nhân tai biến. Tất cả các trường hợp tai biến nặng đều được điều tra trong vòng 24g và trên 90% các trường hợp được Hội đồng đánh giá nguyên nhân trong vòng 5 ngày...

Chất lượng dịch vụ tiêm chủng ngày càng nâng cao. Hàng năm, chương trình tiêm chủng mở rộng thực hiện trung bình khoảng 27 triệu mũi tiêm bao gồm cả tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng bổ sung. Các đơn vị thực hiện nghiêm túc khám sàng lọc trước tiêm chủng, sử dụng phiếu khám sàng lọc cho từng đối tượng đồng thời tư vấn cho bà mẹ biết cách theo dõi sau tiêm chủng. Ngành y tế đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phải giữ vững các kết quả đã đạt được tiến tới khống chế và loại trừ một số bệnh có vắcxin phòng ngừa trong chương trình tiêm chủng mở rộng đồng thời củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống tiêm chủng.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/tre-duoi-1-tuoi-duoc-tiem-chung-day-du-cac-loai-vacxin-216178.html